Cần giải pháp phù hợp hơn cho giáo dục trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài Cơ cấu lại nền kinh tế phải đặt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 có thể kéo dài |
Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 11/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến Nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Trước phiên chất vấn, Bộ Giáo dục và đào tạo đã có báo cáo gửi đến Quốc hội về nội dung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch Covid-19, thuộc nhóm vấn đề chất vấn.
Phát biểu trước khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi lời cảm ơn đến Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cùng toàn xã hội đã dành nhiều sự quan tâm đến giáo dục và đào tạo.
Toàn cảnh Phiên chất vấn và trả lời chất vấn |
Triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm chất lượng dạy và học
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dự kiến còn có thể kéo dài, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã chỉ đạo triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để bảo đảm chất lượng dạy và học, tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Cụ thể:
Đối với Giáo dục Mầm non (GDMN), Bộ GDĐT đã chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học linh hoạt, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ em, tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDMN trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Không tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình đối với cấp học mầm non.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về GDMN; tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng công tác quản trị nhà trường; phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em; củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi; khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phối hợp với gia đình, cha mẹ/người chăm sóc trẻ em cho trẻ vui chơi tại nhà: Tập huấn hướng dẫn giáo viên xây dựng, sử dụng tài liệu, học liệu trực tuyến hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non; xây dựng kho video hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non tại gia đình theo Kế hoạch số 894/KH-BGDĐT ngày 09/9/2021 của Bộ GDĐT.
Đối với Giáo dục Phổ thông, Bộ GDĐT đã kịp thời điều chỉnh nội dung dạy học, xây dựng kế hoạch giáo dục chủ động, linh hoạt: Bộ GDĐT đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ năm học đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa tổ chức hoàn thành nhiệm vụ năm học ; điều chỉnh tổ chức hoạt động giáo dục theo hướng tập trung dạy và học nội dung cốt lõi các môn học trong điều kiện phòng, chống Covid-19 ; hướng dẫn địa phương chủ động linh hoạt chuyển đổi giữa dạy học trực tiếp và dạy học trực tuyến, trên truyền hình; duy trì dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình để hỗ trợ dạy học trực tiếp .
Hướng dẫn, tập huấn tăng cường năng lực dạy học trực tuyến cho giáo viên cốt cán của các môn học/hoạt động giáo dục, trên cơ sở đó, Bộ GDĐT đã chỉ đạo các Sở GDĐT đã triển khai tập huấn đại trà cho giáo viên tại địa phương .
Bên cạnh đó, Bộ GDĐT đã chỉ đạo , tổ chức xây dựng, lựa chọn hệ thống bài giảng đảm bảo chất lượng để tổ chức dạy học trực tuyến và phát sóng trên truyền hình theo môn học, cấp học để các cơ sở giáo dục tổ chức cho học sinh học tập phù hợp với kế hoạch dạy học của địa phương. Phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam (kênh VTV1, VTV2, VTV7) và Đài truyền hình Nhân dân để tổ chức sản xuất bài giảng và phát sóng trên truyền hình, trong đó ưu tiên cho lớp 1, lớp 2 là những đối tượng khó thực hiện việc học trực tuyến;…
Đối với Giáo dục Đại học (GDĐH), Bộ GDĐT đã hướng dẫn kịp thời để các cơ sở GDĐH tổ chức đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến trong thời gian sinh viên không được học tập trung do dịch Covid-19. Các văn bản hướng dẫn này đã kịp thời giúp các cơ sở GDĐH chủ động trong việc triển khai đào tạo, tổ chức đánh giá kết thúc năm học. Bên cạnh đó, Bộ GDĐT, các cơ sở đào tạo đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế về đào tạo trực tuyến để chia sẻ, tập huấn nâng cao năng lực cho các cán bộ xây dựng chính sách, các nhà quản lý và giảng viên. Công tác tổ chức đào tạo trực tuyến trong 02 năm qua của các cơ sở GDĐH đã dần ổn định. Tính đến tháng 9/2021 đã có 247 cơ sở GDĐH báo cáo triển khai đào tạo trực tuyến cho các khóa sinh viên (100% số cơ sở báo cáo). Trong số đó, có gần 30 cơ sở đã tổ chức cả giảng dạy trực tuyến kết hợp trực tiếp cho những nhóm sinh viên học năm cuối và có học phần thực hành. Riêng các cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe thuộc Bộ Y tế vẫn chưa khởi động năm học mới vì đang triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh.
Nhận diện khó khăn, vướng mắc
Theo Bộ trưởng, ngành Giáo dục là một trong những ngành chịu tác động, ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất của dịch Covid-19. Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đảm bảo chất lượng dạy và học, cũng như việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29 của Đảng. Cụ thể:
Đối với Giáo dục Mầm non, một bộ phận không nhỏ giáo viên ngoài công lập không có lương khi phải nghỉ dạy trong thời gian trẻ em ở nhà không đến trường để phòng dịch Covid-19, dẫn đến tình trạng giáo viên mầm non bỏ việc. Đây sẽ là khó khăn lớn của các cơ sở GDMN ngoài công lập trong đảm bảo an toàn cho trẻ và chất lượng giáo dục khi huy động trẻ đến trường sau thời gian nghỉ tránh dịch.
Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn |
Trẻ không được đến trường, trong khi nhiều phụ huynh không có kỹ năng, kiến thức chăm sóc trẻ, thời gian trẻ ở nhà dài dẫn đến áp lực, căng thẳng, dễ gây ra mất an toàn cho trẻ; nhiều phụ huynh phải sắp xếp công việc để chăm sóc con ở gia đình, ảnh hưởng lớn tới thu nhập và phát triển kinh tế.
Việc hướng dẫn trực tuyến cho cha mẹ trẻ hạn chế về nội dung, phương pháp, trang thiết bị và các chất liệu thực tiễn, trực quan sinh động, chưa đảm bảo tương tác tích cực với trẻ mầm non.
Đối với Giáo dục Phổ thông, học sinh các gia đình nghèo, vùng khó khăn đang thiếu thiết bị để học tập trực tuyến, có tới 1,5 triệu học sinh không có bất cứ thiết bị nào để học tập theo phương thức này. Các bài dạy trên truyền hình chưa phủ hết tiến trình bài học chương trình các môn học.
Về xây dựng kế hoạch giáo dục, Tổ chuyên môn và các cơ sở giáo dục còn gặp nhiều bỡ ngỡ, khó khăn về thời gian và con người trong xây dựng kế hoạch giáo dục đối với các môn học mới có nội dung tích hợp, liên môn, có hiện tượng cắt ngang chương trình môn học để dạy song song.
Về phương pháp dạy học, nhiều bài giảng trực tuyến chưa sinh động, hấp dẫn; hạn chế tương tác giữa học sinh và giáo viên trong quá trình dạy học trực tuyến, đặc biệt là khi học sinh học qua truyền hình; biên chế giáo viên không đủ theo định mức theo tỷ lệ học sinh, gặp nhiều khó khăn khi cho học sinh đi học trở lại theo hình thức chia lớp để thực hiện giãn cách.
Về năng lực của giáo viên, giáo viên còn gặp khó khăn trong việc chuyển đổi giữa kế hoạch dạy học trực tiếp sang trực tuyến, trên truyền hình và ngược lại.
Đối với Giáo dục Đại học, do tình hình dịch bệnh kéo dài nên hiện vẫn còn 20 cơ sở đào tạo vẫn còn khóa sinh viên chưa hoàn thành hết bài đánh giá kết thúc năm học, chủ yếu thuộc các khối trường văn hóa nghệ thuật, trường đào tạo khối ngành sức khỏe. Nhiều cơ sở GDĐH chưa tổ chức được công tác tuyển sinh trình độ thạc sĩ và tiến sĩ.
Ngoài ra, hệ thống đào tạo trực tuyến ở các cơ sở GDĐH chưa được phát triển đầy đủ, nhiều trường còn hạn chế. Việc bảo đảm chất lượng đào tạo trực tuyến gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các chương trình đào tạo yêu cầu nhiều thời gian thực hành, thực tập để trang bị các kỹ năng nghề nghiệp.
Giải pháp trọng tâm thực hiện thời gian tới
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, thời gian tới sẽ thực hiện các giải pháp trọng tâm đối với từng cấp học để bảo đảm chất lượng dạy và học, tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Đối với Giáo dục Mầm non, Bộ GDĐT tăng cường bồi dưỡng các kĩ năng chuyển đổi phương pháp dạy học, xây dựng công cụ, học liệu hỗ trợ để ứng phó với thiên tai, dịch bệnh cho các cơ sở GDMN; tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Tiếp tục tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách đặc thù để đảm bảo chế độ chính sách cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong các cơ sở GDMN, hỗ trợ giáo viên hợp đồng để ổn định cuộc sống và động viên tinh thần giáo viên quay trở lại trường tiếp tục thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em và gắn bó lâu dài với GDMN, cụ thể:
Hỗ trợ người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có hợp đồng lao động, mất việc làm tại các cơ sở GDMN.
Đồng thời, xem xét miễn đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp đối với toàn bộ giáo viên, giảng viên, nhân viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở GDMN đang tham gia đóng từ năm 2020 đến nay; Xem xét miễn, giảm các loại phí, lệ phí; giãn thời gian nộp thuế, kéo dài thời gian quyết toán thuế từ năm 2020 đối với các cơ sở GDMN ngoài công lập.
Đối với Giáo dục Phổ thông, Bộ GDĐT chủ động rà soát, đánh giá, phân loại kết quả học tập trực tuyến, qua truyền hình của các nhóm đối tượng học sinh để điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp điều kiện thực tế và tình hình kiểm soát dịch Covid-19 tại địa phương. Việc kiểm tra, đánh giá định kì theo hình thức trực tiếp tại trường sẽ được thực hiện sau một thời gian học sinh đã được ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức.
Về phương pháp giảng dạy: Khi học sinh mới trở lại trường học, nhà trường tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lí, tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh có điều kiện học trực tuyến; dạy bổ sung những nội dung kiến thức còn thiếu kết hợp với ôn tập, củng cố nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh không có điều kiện học trực tuyến, nhất là đối với các học sinh không tiếp cận được truyền hình, học sinh chuyển trường do phải di chuyển nơi cư trú để phòng, tránh dịch bệnh.
Về nâng cao năng lực dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình: Duy trì tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình phù hợp với kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp. Tiếp tục xây dựng các video bài giảng hỗ trợ dạy học trực tuyến giúp học sinh có thể tự học để giảm thời gian tổ chức dạy học trực tuyến và phát triển năng lực tự học cho học sinh theo hướng dẫn tăng cường năng lực dạy học trực tuyến của Bộ GDĐT. Phát động trong toàn ngành cuộc thi thiết kế bài giảng trực tuyến, thẩm định video bài giảng do các cơ sở giáo dục gửi về để đưa vào kho học liệu chung của ngành;…
Đối với Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT tiếp tục hướng dẫn kịp thời, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác tổ chức đào tạo theo hình thức trực tuyến, công tác tuyển sinh năm học mới để phù hợp với các yêu cầu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Ngoài ra, chỉ đạo các cơ sở đào tạo đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số trong giáo dục; kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ tài nguyên với các cơ sở đào tạo khác; tổ chức triển khai đào tạo trực tuyến linh hoạt, bảo đảm chất lượng./.