Cần quy định cụ thể, chặt chẽ về trách nhiệm của các bên, đồng thời cần có các giải pháp khả thi để đảm bảo việc mua bán thuốc qua thương mại điện tử an toàn, tin cậy, bảo vệ tốt sức khỏe của người tiêu dùng. |
Sau khi Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Xã hội đã phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, bám sát các quan điểm xây dựng Luật và chủ trương, chính sách của Đảng trong lĩnh vực dược để tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật. Thường trực Ủy ban Xã hội đã tổ chức các cuộc họp chuyên gia, cuộc họp theo chuyên đề, làm việc với Bộ Y tế, các bộ, ngành hữu quan, báo cáo lãnh đạo Quốc hội và gửi xin ý kiến các cơ quan của Quốc hội đối với dự thảo Luật.
Ngày 12/8/2024, tại Phiên họp chuyên đề pháp luật, trên cơ sở báo cáo của Thường trực Ủy ban Xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến chỉ đạo về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật. Căn cứ các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội và các ý kiến qua các lần họp chuyên gia và chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý và sửa đổi 49 điều, bãi bỏ 02 điểm, 01 khoản và 01 điều của Luật hiện hành, bổ sung 03 điều.
Đặc biệt, về nội dung liên quan đến kinh doanh thuốc theo hình thức thương mại điện tử, nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và kiểm soát chất lượng thuốc trên thị trường, dự thảo Luật Dược đã siết chặt quy định đối với hoạt động kinh doanh thuốc trực tuyến. Cụ thể, chỉ những cơ sở kinh doanh thuốc đủ điều kiện kinh doanh thuốc theo phương thức truyền thống mới được phép mở rộng sang kênh bán hàng trực tuyến. Đồng thời, danh mục thuốc được phép bán trên các nền tảng thương mại điện tử cũng bị giới hạn, chỉ cho phép mua bán các loại thuốc không kê đơn.
Ngoài ra, dự thảo cũng đưa ra những quy định chi tiết hơn về hoạt động của chuỗi nhà thuốc, quy định cụ thể về cơ cấu, tổ chức, điều kiện kinh doanh; phát huy tính ưu việt của chuỗi nhà thuốc; kiểm soát chất lượng thuốc, giá thuốc, dịch vụ đi cùng để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội |
Tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội quan tâm tới quy định về kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử tại khoản 1a Điều 42. Theo đó, khoản này quy định, thuốc bán lẻ trực tuyến phải thuộc danh mục thuốc không kê đơn, thuốc thuộc danh mục hạn chế bán lẻ, thuốc phải kiểm soát đặc biệt là hoàn toàn hợp lý.
Tuy nhiên, trước xu hướng phát triển mạnh mẽ của khám, chữa bệnh từ xa và kê đơn điện tử, đại biểu đề nghị bổ sung quy định cho phép bán thuốc qua mạng trong những trường hợp cụ thể khi thuốc được kê đơn trong quá trình khám, chữa bệnh từ xa; nhà thuốc cung cấp thuốc đảm bảo uy tín và được cấp phép; người giao hàng phải được đăng ký và quản lý.
Theo đại biểu, việc kê đơn điện tử, bệnh án điện tử và giao thuốc tận nhà là một phần không thể thiếu trong khám chữa bệnh từ xa. Để đáp ứng nhu cầu này, cần có quy định cho phép bán các loại thuốc kê đơn qua mạng. Quy định chỉ những nhà thuốc có uy tín và được cấp phép mới được phép cung cấp thuốc qua mạng sẽ giúp đảm bảo chất lượng thuốc và quyền lợi của người bệnh. Cùng với đó, việc giao hàng phải được thực hiện bởi những người có đăng ký và được nhà thuốc quản lý chặt chẽ để thuốc được giao đúng người, đúng địa chỉ và đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển.
Đại biểu nhấn mạnh, việc khám, chữa bệnh từ xa và kê đơn điện tử là xu hướng tất yếu. Việc sớm ban hành quy định cụ thể sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển loại hình dịch vụ này, đồng thời đảm bảo an toàn, hiệu quả trong việc cung cấp thuốc cho người bệnh
đại biểu Trần Thị Nhị Hà – Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội |
Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Nhị Hà – Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội cho rằng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã có những điều chỉnh đáng kể trong quy định về kinh doanh thuốc qua hình thức thương mại điện tử, tập trung vào hai hình thức chính là bán lẻ và bán buôn thuốc trực tuyến.
Đại biểu cho rằng, vẫn còn một số vướng mắc trong quá trình triển khai thực tế, trước hết là khó khăn trong việc phân biệt bán buôn với bán lẻ. Theo quy định hiện hành, việc phân biệt bán buôn và bán lẻ thuốc dựa trên đối tượng khách hàng và số lượng. Tuy nhiên, trên môi trường thương mại điện tử, việc xác định rõ ràng đối tượng mua hàng là rất khó khăn, đặc biệt là khi sàn thương mại điện tử không phải là cơ sở kinh doanh dược. Điều này gây ra nhiều khó khăn trong việc kiểm soát và xử lý các vi phạm.
Bên cạnh đó, việc phân loại thuốc kê đơn và không kê đơn trên môi trường thương mại điện tử cũng gặp nhiều thách thức. Nhiều loại thuốc có thể thay đổi tính chất kê đơn tùy thuộc vào nồng độ hoặc thành phần, gây khó khăn trong việc quản lý và kiểm soát. Cùng với đó, quy định về tư vấn trực tuyến cho người mua thuốc là rất cần thiết, tuy nhiên việc đảm bảo luôn có nhân viên tư vấn trực tuyến 24/7 là không khả thi. Điều này đặt ra câu hỏi về hiệu quả của hình thức tư vấn này.
Để khắc phục những khó khăn trên, đại biểu đề xuất tập trung vào việc kinh doanh thuốc không kê đơn trên môi trường thương mại điện tử, hạn chế kinh doanh thuốc kê đơn trực tuyến. Theo đại biểu, đây là mô hình đã được nhiều quốc gia áp dụng thành công.
Cùng với đó, cần xây dựng một cơ sở dữ liệu thuốc thống nhất, cập nhật liên tục để hỗ trợ việc phân loại và quản lý thuốc. Quy định rõ ràng trách nhiệm của các bên tham gia vào quá trình kinh doanh thuốc trực tuyến, bao gồm cả sàn thương mại điện tử và nhà thuốc. Xây dựng một quy trình tư vấn trực tuyến hiệu quả, kết hợp giữa tư vấn trực tiếp và tư vấn tự động.
Nhấn mạnh việc kinh doanh thuốc trực tuyến là một xu hướng tất yếu, đại biểu cho rằng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, rà soát tổng thể để có những quy định chặt chẽ nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng./.