Theo số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), số lượng thẻ ngân hàng đang lưu hành tại thời điểm cuối quý I/2020 là hơn 103 triệu thẻ; trong đó, có gần 88 triệu thẻ nội địa và hơn 15 triệu thẻ quốc tế. Với mục tiêu chuyển đổi 100% số lượng thẻ từ sang thẻ chíp vào cuối năm 2021, thời gian qua, một loạt ngân hàng đã tích cực triển khai kế hoạch chuyển đổi thẻ cho khách hàng.
Việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip không chỉ gia tăng độ bảo mật thẻ ATM mà còn gia tăng tiện ích thanh toán không tiếp xúc
Thực tế, so với thế hệ thẻ chíp thì thẻ từ còn khá nhiều hạn chế, có nguy cơ xảy ra rủi ro cho cả hai phía ngân hàng và khách hàng. Theo đó, thẻ từ có mức độ bảo mật khá thấp bởi thông tin được lưu trữ trên dải từ ở mặt sau thẻ không được mã hóa. Nhiều khi, chỉ cần một thiết bị quẹt thẻ từ thông dụng, thông tin thẻ của khách hàng đã có thể bị kẻ gian sao chép, đánh cắp, từ đó dễ dàng rút trộm tiền từ tài khoản khách hàng.
Công nghệ thẻ chíp mới mà các ngân hàng đang tiến hành chuyển đổi có những ưu điểm vượt trội, như khả năng lưu trữ thông tin và bảo mật cao hơn, tích hợp nhiều tiện ích hơn,… cho nên cũng giảm nguy cơ rủi ro mất tiền cho khách hàng. Ngoài tính năng bảo mật và an toàn hơn, thẻ chíp còn có thể tích hợp được nhiều tiện ích như các ứng dụng thanh toán trong du lịch, bảo hiểm, y tế trên cùng một chiếc thẻ.
Như vậy, mục tiêu quan trọng nhất của việc chuyển đổi thẻ từ sang công nghệ chíp là để giảm rủi ro phát sinh qua việc sử dụng thẻ vật lý, gia tăng tiện ích, thúc đẩy các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Và đó cũng là mục tiêu chính mà NHNN hướng tới khi yêu cầu các ngân hàng phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi thẻ chíp nội địa theo đúng lộ trình NHNN đã ban hành.
Theo kế hoạch của NHNN đề ra, đến cuối năm 2020, toàn bộ máy ATM và POS trên thị trường phải bảo đảm tuân thủ tiêu chuẩn VCCS. Và chậm nhất vào ngày 31-12-2021, toàn bộ thẻ từ nội địa đang lưu hành của tổ chức phát hành thẻ phải tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chíp nội địa. Việc chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chíp đang được các ngân hàng “chạy đua” thực hiện và mục tiêu chuyển đổi 100% đến cuối năm 2021 được đánh giá là hoàn toàn khả thi.
Bởi thực tế cho thấy, đến nay, nhiều ngân hàng đã công bố hoàn tất việc chuyển đổi này. Ðơn cử mới đây, Ngân hàng PVcomBank cho biết đã chuyển đổi xong toàn bộ thẻ ATM ngân hàng làm bằng công nghệ băng từ sang công nghệ chíp EMV. Vietcombank cũng đã phát hành và chuyển đổi hơn 1 triệu thẻ chíp không tiếp xúc và nâng cấp hơn 50% EDC, gần 70% ATM chấp nhận thẻ chíp theo bộ tiêu chuẩn cơ sở trên toàn hệ thống…
Chuyển đổi thẻ từ sang công nghệ chíp là để giảm rủi ro phát sinh qua việc sử dụng thẻ vật lý
Nhưng bên cạnh đó, cùng với vấn đề chi phí, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mục tiêu hoàn thành chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chíp theo đúng lộ trình của một số ngân hàng lại đang ít nhiều bị ảnh hưởng. Một số lãnh đạo ngân hàng cho hay, phát sinh chi phí chuyển đổi cũng là một vấn đề với các ngân hàng, nhất là đối với các ngân hàng có số lượng thẻ lớn.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nước đóng cửa biên giới cho nên hoạt động nhập khẩu các thiết bị phục vụ chuyển đổi bị đình trệ. Mặt khác, việc triển khai cập nhật thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ chíp cũng gặp nhiều khó khăn do không thể thực hiện đối với các dòng máy cần cập nhật trực tiếp tại máy EDC/ATM.
Ngoài ra, việc chưa có sự đồng bộ, đồng tốc trong chuyển đổi giữa các ngân hàng cũng sẽ hạn chế việc chấp nhận thanh toán thẻ chíp nội địa, gây ra những trải nghiệm không tốt cho khách hàng. Như vậy có thể thấy, chuyển đổi thẻ công nghệ từ sang công nghệ chíp tiếp tục là một yêu cầu đặt ra cho các ngân hàng trong giai đoạn 2020 - 2021.
Việc chuyển đổi không chỉ là nhu cầu tất yếu, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật thông tin; mà còn mở ra cơ hội phát triển mới cho thẻ thanh toán, tăng cường sự phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững cho thị trường thẻ ngân hàng Việt Nam.
Hồng Nga