Ngày 14/3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Báo cáo kết quả bước đầu của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021”.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát |
Giảm 08 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã
Báo cáo kết quả bước đầu việc triển khai chuyên đề giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát cho biết, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện và cấp xã, ngày 12/3/2019, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 về sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã.
Trên cơ sở đó, trong giai đoạn 2019-2021, Chính phủ đã trình UBTVQH ban hành tổng cộng 48 nghị quyết về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã của 45 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong số 45 tỉnh, thành phố đã thực hiện sắp xếp ĐVHC trong giai đoạn 2019-2021 thì đa số các địa phương (30/45 tỉnh, thành phố) thuộc khu vực từ Thừa Thiên Huế trở ra là có nhiều ĐVHC được sắp xếp; 15 tỉnh, thành phố còn lại ở khu vực phía Nam có số lượng ĐVHC được sắp xếp không lớn.
Qua báo cáo của Chính phủ và các địa phương, Đoàn giám sát nhận thấy, nhờ thực hiện tốt công tác quán triệt, triển khai thực hiện chủ trương, pháp luật về sắp xếp ĐVHC nên việc sắp xếp ĐVHC ở đa số địa phương đã bảo đảm đúng quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc, quy trình và tiến độ theo kế hoạch, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân. Thực tiễn đã cho thấy, nơi nào có sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự quyết liệt chỉ đạo của cấp ủy (đặc biệt là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy) thì nơi đó làm rất tốt việc sắp xếp ĐVHC. Kết quả là, trong giai đoạn 2019 - 2021, cả nước đã thực hiện sắp xếp 21 ĐVHC cấp huyện và 1.056 ĐVHC cấp xã, qua đó giảm được 08 ĐVHC cấp huyện và 561 ĐVHC cấp xã.
Tuy nhiên, việc sắp xếp ĐVHC ở một số địa phương có chậm hơn so với tiến độ theo kế hoạch. Trách nhiệm trong việc chậm trễ này có phần là do nhận thức của các cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác sắp xếp ĐVHC còn chưa đầy đủ và hạn chế; chưa thật sự chủ động, quyết liệt trong việc triển khai thực hiện chủ trương, quy định về sắp xếp ĐVHC trên địa bàn.
Đánh giá hiệu quả của việc sắp xếp ĐVHC, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, về tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đã tinh gọn được tổ chức bộ máy thông qua việc giảm được 08 ĐVHC cấp huyện và 561 ĐVHC cấp xã; 3.437 cơ quan, tổ chức ở cấp xã và 429 cơ quan, tổ chức ở cấp huyện. Đồng thời đã rà soát, bố trí sử dụng những cán bộ, công chức có năng lực, trình độ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị của các ĐVHC cấp huyện, cấp xã mới hình thành sau sắp xếp và thực hiện tinh giản đối với những người không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; đã chủ động thực hiện sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định.
Các đại biểu thảo luận cho ý kiến vào Báo cáo |
Về ngân sách nhà nước, việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã đã tiết kiệm chi ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2019 - 2021 khoảng 2.008,63 tỷ đồng, trong đó giảm chi hoạt động của chính quyền cấp huyện, cấp xã là 1.132,63 tỷ đồng và giảm chi phụ cấp người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố khoảng 876 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng do thời gian thực hiện còn ngắn nên ở một vài địa phương, tổng kinh phí tiết kiệm được do thực hiện sắp xếp chưa được thể hiện rõ do nguồn kinh phí tiết kiệm được chưa bảo đảm đủ cho việc chi các chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau sắp xếp.
Về hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, sau khi thực hiện sắp xếp ĐVHC, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập sau khi sắp xếp ĐVHC cơ bản đạt kết quả tốt, bảo đảm các chỉ tiêu đề ra; đồng thời, công tác quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn đều được bảo đảm.
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho biết về những công việc Đoàn giám sát sẽ thực hiện trong thời gian tới như: Yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương báo cáo bổ sung, làm rõ một số thông tin liên quan đến nội dung giám sát; Tổ chức khảo sát thực tế, làm việc với các địa phương sau khi có sự chỉ đạo, điều hòa của UBTVQH (tháng 4/2022); Tổ chức làm việc với Chính phủ để thống nhất các vấn đề thuộc nội dung Báo cáo kết quả giám sát (dự kiến trong tháng 4/2022); Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả giám sát để xin ý kiến các cơ quan, bảo đảm chất lượng, tiến độ trình UBTVQH theo kế hoạch;…
Đánh giá đầy đủ, thực chất trên tất cả các phương diện việc sắp xếp các ĐVHC
Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Đoàn giám sát trong triển khai các công việc của chuyên đề giám sát. Đồng tình với nhiều nội dung cũng như nhận định tại Báo cáo, các ý kiến cho rằng, Báo cáo được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, phản ánh được những kết quả đạt được, đánh giá khách quan hiệu quả công tác sắp xếp, nêu rõ những vấn đề còn khó khăn/tồn tại;…
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu ý kiến |
Tham gia ý kiến vào Báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị, Đoàn giám sát tiếp tục quan tâm đánh giá toàn diện hơn về chất lượng sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; vấn đề sắp xếp, giải quyết số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư. Đồng thời, có đánh giá cụ thể hơn về việc sắp xếp y tế, giáo dục trong bối cảnh bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi đại dịch Covid-19 như hiện nay.
Liên quan đến số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau sắp xếp khá lớn, nhất là các địa phương có nhiều ĐVHC được sắp xếp nên không thể hoàn thành việc bố trí, sắp xếp vị trí mới hay cho nghỉ việc trong thời gian ngắn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề xuất, cần có chính sách đặc thù, chính sách hỗ trợ phù hợp cho đối tượng này để đảm bảo việc giải quyết dứt điểm.
Cơ bản đồng tình với nội dung Báo cáo của Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực đề nghị Đoàn giám sát tiếp tục làm rõ một số vấn đề như: giải quyết chính sách cho cán bộ tạo ổn định lâu dài; sửa đổi, bổ sung các quy hoạch đô thị, chương trình phát triển đô thị sau khi sắp xếp các ĐVHC; người dân thực hiện thủ tục hành chính tại các huyện, xã sau khi sắp xếp;…
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ |
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là 1 trong 4 chuyên đề giám sát của Quốc hội, UBTVQH. Với tinh thần chuẩn bị “từ sớm từ xa”, kỹ lưỡng, nhiều tầng nhiều lớp, các chuyên đề giám sát đều được lãnh đạo Quốc hội theo sát và cho ý kiến bước đầu trước khi trình UBTVQH cho ý kiến.
Đánh giá cao nỗ lực của Đoàn giám sát và cơ quan thường trực là Uỷ ban Pháp luật, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Đoàn giám sát đã có cách làm khoa học, bài bản, chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm cao. Tuy mới là Báo cáo kết quả bước đầu nhưng đã cơ bản hình thành được khung khổ của Báo cáo giám sát, những ý kiến/kiến nghị của các cơ quan, tổ chức,…
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc sắp xếp lại bộ máy hành chính, tinh giản các đơn vị hành chính, sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế là chủ trương rất lớn trong thực hiện Nghị quyết 18/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Nghị quyết 19/NQ-TW của Trung ương khóa XII về sắp xếp lại các đơn vị trong tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập; Căn cứ chính thực hiện sắp xếp các ĐVHC dựa vào tiêu chí diện tích, dân số là điều kiện cần nhưng điều kiện đủ phải căn cứ vào vị trí địa lý, hoàn cảnh lịch sử, phong tục tập quán, dân tộc, tôn giáo, kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh,…. “Mỗi 1 đơn vị như vậy phải có đề án rất cụ thể của địa phương, đề án lớn của tỉnh và trong quá trình làm phải đảm bảo được sự đồng thuận của nhân dân, sự hưởng ứng của nhân dân,…”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Khẳng định việc sắp xếp các ĐVHC, mục tiêu cuối cùng là phải tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động, tiết kiệm kinh phí, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, chuyên đề giám sát phải toát lên được tinh thần này, từng tỉnh 1 phải có đề án hết sức kỹ lưỡng, công phu, đánh giá tác động kỹ lưỡng, nhiều chiều, vấn đề nhân dân đồng thuận như thế nào, điều kiện cung cấp dịch vụ công cho người dân ra sao,… "Cử tri và nhân dân nói gì về việc này, đánh giá chất lượng cung cấp dịch vụ công, phục vụ người dân sau sắp xếp các đơn vị hành chính như thế nào, sự đồng thuận của người dân ra sao… là một kênh hết sức quan trọng để đánh giá hiệu quả thực chất của việc sắp xếp đơn vị hành chính", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Đoàn giám sát yêu cầu các bộ, ngành làm rõ, chi tiết hơn chi phí để sắp xếp đơn vị hành chính, ngân sách Nhà nước và ngân sách địa phương bố trí cho các xã, huyện sau sắp xếp có so sánh với giai đoạn trước tiết kiệm được bao nhiêu... Đồng thời, có đánh giá kỹ lưỡng hơn: việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị; đầu tư, phát triển hạ tầng đô thị; về quản lý tài sản công; làm rõ lộ trình giải quyết xong dôi dư cán bộ cấp huyện, xã sau sắp xếp;… Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu làm rõ hơn vai trò lãnh đạo của cấp uỷ đảng, nhất là người đứng đầu các địa phương trong việc triển khai thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, rút ra những bài học kinh nghiệm để triển khai hiệu quả hơn trong giai đoạn tới.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Đoàn giám sát về cách thức trình bày, biên tập đảm bảo rõ ràng, đầy đủ có số liệu, có biểu bảng, chi tiết từng nội dung, đánh giá mức độ đạt được/ chưa đạt được, từ đó xác định rõ nguyên nhân; xác định rõ trách nhiệm từng thành viên Đoàn giám sát…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung phiên họp |
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, các ý kiến phát biểu cơ bản tán thành với Báo cáo bước đầu, tài liệu kèm theo của Đoàn giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chuyên đề giám sát. Đồng thời, đánh giá cao những kết quả Đoàn giám sát đạt được trong thời gian qua, ghi nhận tinh thần trách nhiệm, sự phối hợp chặt chẽ của Chính phủ, các bộ ngành địa phương trong việc xây dựng báo cáo, tài liệu theo yêu cầu của Đoàn giám sát.
Nhấn mạnh đây là chủ trương rất lớn của Đảng, phạm vi, nội dung, thời hạn báo cáo đã tương đối rõ bước đầu, UBTVQH giao Đoàn giám sát tiếp tục triển khai các nhiệm vụ theo đúng Kế hoạch. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm từng thành viên Đoàn giám sát, sự phối hợp giữa các thành viên trong Đoàn. Đồng thời, trong thời gian tới cần khẩn trương tiến hành phối hợp với các cơ quan thực hiện khảo sát tại các địa phương, làm việc trực tiếp với các Bộ, ngành, Chính phủ để thu thập thông tin làm rõ hơn các vấn đề thuộc nội dung giám sát.
UBTVQH cũng đề nghị Báo cáo cần phải đánh giá đầy đủ, rõ ràng thực chất trên tất cả các mặt của nội dung giám sát cả về kết quả, hạn chế, giải pháp khắc phục, nguyên nhân, xác định trách nhiệm của các chủ thể có liên quan. Từ đó, rút ra những bài học kinh nghiệm cả về mặt tích cực, mặt hạn chế, để kết quả tốt thì nhân rộng, chưa tốt thì khắc phục trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng lưu ý, Báo cáo cũng cần làm rõ những kiến nghị trong thời gian tới từ thực tiễn công tác giám sát kể cả việc phải sửa đổi, bổ sung ban hành mới các văn bản của Thường vụ Quốc hội như Nghị quyết 1210, 1211,…; các nghị định của Chính phủ và các văn bản khác có liên quan; Chú ý cách thức trình bày, biên tập báo cáo phải rõ ràng, đầy đủ, có số liệu địa chỉ cụ thể, sinh động, có các biểu bảng chi tiết từng nội dung dễ cho việc so sánh, đánh giá kết quả triển khai, từ đó xác định rõ nguyên nhân rút ra bài học để vận dụng trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành địa phương khẩn trương tổng hợp, cung cấp thêm thông tin, số liệu, bổ sung theo yêu cầu của Đoàn giám sát; tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với Đoàn giám sát trong các hoạt động của Đoàn. Bên cạnh đó, đề nghị Đoàn giám sát phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội tham mưu UBTVQH trong việc điều hòa chương trình, kế hoạch đi khảo sát tại các địa phương, cơ quan để tránh trùng lặp với các Đoàn giám sát khác, bảo đảm thiết thực, hiệu quả trong bối cảnh phải tập trung phòng tránh dịch bệnh Covid-19.