![]() |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp |
Chiều 18/4, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ nhất, Ủy ban Kinh tế và Tài chính tiến hành thẩm tra việc điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và 3 dự án luật gồm: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch cho biết, dự thảo Luật gồm 2 điều. Điều 1, sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quy hoạch, trong đó sửa đổi, bổ sung 28 điều, khoản và 2 phụ lục của Luật Quy hoạch; Điều 2 là điều khoản thi hành.
Dự thảo Luật bổ sung quy định cho phép tổ chức lập đồng thời quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo tinh thần của Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội. Quy hoạch được lập, thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước. Khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn giữa quy hoạch thấp hơn với quy hoạch cao hơn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn.
Bổ sung quy định cho phép quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành được được lập đồng thời với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh trong trường hợp pháp luật liên quan có quy định. Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về hệ thống quy hoạch, bao gồm hệ thống quy hoạch quốc gia và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cho biết, dự thảo Luật đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng cường phân cấp thẩm quyền đối với hoạt động quy hoạch là phù hợp với yêu cầu tại Kết luận số 121-KL/TW ngày 24/1/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Các đại biểu đề nghị làm rõ căn cứ, tiêu chí nào để đánh giá dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch khi mà nội dung quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh chỉ còn mang tính định hướng; đồng thời, đề nghị rà soát các luật có liên quan như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư… để bảo đảm phù hợp, thống nhất với chủ trương, định hướng khi sửa đổi Luật Quy hoạch và tránh vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
![]() |
Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh phát biểu. |
Đối với nội dung về điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ủy ban Kinh tế và Tài chính tán thành sự cần thiết trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về nội dung này. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục cập nhật, bổ sung ý kiến của một số bộ, ngành, địa phương, nhất là ý kiến của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, bảo đảm sự liên kết, tính đồng bộ và thống nhất giữa các ngành.
Cùng với đó, các đại biểu cũng đề nghị, về chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia đến năm 2030, Chính phủ cần lưu ý việc giảm diện tích đất trồng lúa cần bảo đảm nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực, xuất khẩu và áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất. Đối với số liệu đất trồng lúa, các ý kiến đề nghị Chính phủ bổ sung số liệu ghi chú về đất trồng lúa 2 vụ, vì đây là loại đất có chất lượng cao cần kiểm soát chặt chẽ, hạn chế chuyển đổi.
![]() |
Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Minh Hiếu phát biểu |
Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng và dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), các đại biểu bày tỏ tán thành sự cần thiết ban hành các luật này nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng, phù hợp với nhiệm vụ đặt ra tại các nghị quyết của Quốc hội, đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn về hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nghiệp phát triển.
Bên cạnh đó, các ý kiến lưu ý các chính sách được đề xuất trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng phải được đánh giá tác động kỹ lưỡng, toàn diện đối với các bên có liên quan. Các quy định phải bảo đảm tính minh bạch, khách quan, nâng cao kỷ luật, kỷ cương, tuân thủ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội của các tổ chức tín dụng trong quá trình đánh giá, thẩm định tín dụng và xử lý nợ; ngăn ngừa nguy cơ lạm dụng quy định pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên liên quan.
Thảo luận về dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), các đại biểu đề nghị làm rõ, rà soát với các quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền để bảo đảm sự thống nhất, chặt chẽ, thuyết phục. Đồng thời, lưu ý thiết kế các chính sách ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp ma, trốn thuế.... Ngoài ra, cần bổ sung cơ sở pháp lý đầy đủ, bảo đảm chất lượng hồ sơ dự án Luật khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9 theo quy trình 1 kỳ họp.