Lò than 'nhả khói' gây ô nhiễm, nông dân bỏ làm nương rẫy...
Từ nhiều năm nay,người dân trồng cây nông nghiệp ở xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn phải khốn khổ vì xuất hiện các lò than liên tục 'nhả khói' ngày đêm, gây ô nhiễm môi trường và cây cối bị mất mùa.
Hàng trăm lò than ở xã Ea Bar "nhả khỏi" gây ảnh hưởng môi trường khiến người dân trồng cây xung quanh bức xúc. (Ảnh: Thanh Hải) |
Ông Hà Văn Bình, trú thôn 7, xã Ea Bar, cho biết gia đình ông có 8 sào hồ tiêu, mấy năm trước thu từ 30-32 bao/năm (khoảng 2,1 tấn). Nhưng 2 năm trở lại đây, các lò than hoạt động, năng suất vườn hồ tiêu của ông bị sụt giảm, chỉ còn thu được khoảng 2 bao/năm.
"Gia đình tôi liên tục gửi đơn đến cơ quan chức năng để chấn chỉnh, xử lý các lò than. Tuy nhiên, đến nay gia đình vẫn chưa được giải quyết. Gia đình tôi trồng cà phê, tiêu bỏ rất nhiều công sức để chăm sóc và đầu tư phân bón nhưng vì khói của các lò than khiến cây chết dần, không đạt năng suất"- ông Bình bức xúc nói.
Người dân bức xúc vì lò than "nhả khói" gây thiệt hại năng suất cho cây trồng. (Ảnh: Thanh Hải) |
Con theo ông Hồ Văn Thảo, hơn 100 lò than hoạt động ngày đêm khiến sức khỏe của tôi ngày càng giảm sút. Người dân trồng cây gần khu vực này cũng ảnh hưởng nặng nề vì năng suất không đạt như mong muốn.
"Nhiều hộ dân đầu tư tiền mua phân bón, để chăm sóc cây trồng. Nhưng mỗi ngày vào để chăm sóc là hít phải khói từ các lò than, khiến nhiều người không chịu được và họ cũng bán rẫy, bỏ rẫy không làm nữa. Người dân nơi đây rất nhiều lần kiến nghị chính quyền, tuy nhiên vẫn chưa xử lý triệt để"- ông Thảo than vãn.
Qua quan sát của phóng viên Tạp chí Thương hiệu & Sản phẩm, khu vực người dân đang sản xuất than là mỏ đá cũ của thôn 5, xã Ea Bar, diện tích khoảng 15-16 ha. Tại khu vực này có hơn 100 lò than đang hoạt động "nhả khói" ngày đêm. Thậm chí, xe chở củi vào khu vực này chạy như "chốn không người", con đường độc đạo vào khu vực này cũng hư hỏng, bong tróc khiến người dân đi lại khó khăn.
Điều đáng nói, tại khu vực hơn 100 lo than đang hoạt lại gần một trường tiểu học. Nhiều học sinh và phụ huynh nơi đây ảnh hưởng nặng nề về môi trường không khí làm ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh, giáo viên đang dạy trường này.
Khó xử lý...?
Mới đây UBND huyện Buôn Đôn phối hợp cùng xã Ea Bar đã tổ chức cuộc họp để bàn các biện pháp xử lý, giải quyết tình trạng đốt than tại nói trên.
Ông Lê Văn Nuôi, Phó chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn cho biết, huyện đã giao UBND xã Ea Bar, thực hiện xử lý, giải quyết tình trạng đốt than trên địa bàn bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền vận động, ký cam kết chấm dứt việc đốt than, lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt, cưỡng chế, buộc khôi phục lại hiện trạng đất…
"UBND huyện cũng giao Phòng Kinh tế- Hạ tầng triển khai công tác phân lô, cắm mốc quy hoạch chi tiết 1/500 tại khu vực tạm bố trí lò đốt than khép kín tại xã Ea Bar"- ông Nuôi nói.
Hơn 100 lò than hoạt động ngày đêm ở xã Ea Bar. (Ảnh: Thanh Hải) |
Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo UBND xã Ea Bar cho biết, tại địa phương có 62/255 lò than nằm trong khu quy hoạch bố trí tạm tại mỏ đá cũ thôn 5; còn lại hầu hết các lò than đều hoạt động chưa đúng quy định, chưa có giấy phép xây dựng, chưa có phương án bảo vệ môi trường.
"UBND xã Ea Bar nhiều lần lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt 4 hộ tự ý xây dựng 11 lò than trái phép với số tiền 12 triệu đồng. UBND xã đang thực hiện xử lý các đơn thư của người dân về việc lò than gây ảnh hưởng năng suất cây trồng. Đồng thời, xã cũng thực hiện các kế hoạch để xử lý những lò than trái phép. Các lò than mang lại lợi nhuận cao nhưng gây ảnh hưởng môi trường, khiến người dân ý kiến nhiều. Chúng tôi đang thực hiện các chỉ đạo của UBND huyện để giải quyết vấn đề lò than trái phép trên địa bàn"- lãnh đạo UBND xã nói.
Liên quan vụ việc, ông Nguyễn Duy Hoài, Trưởng phòng TN-MT huyện Buôn Đôn cho biết, đốt than là một nghề mưu sinh của nhiều hộ dân trên địa bàn xã Ea Bar từ hàng chục năm qua nên rất khó xử lý. Do đó, việc giải quyết cần phải có lộ trình, thời gian và phải chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp cho bà con.
Video: Hàng trăm lò than ở Đắk Lắk 'nhả khói' gây ô nhiễm môi trường