Người đàn ông hồi phục thần kỳ sau 60 phút ngưng tim Cụ bà 70 tuổi thoát khỏi "án tử" sau 70 phút ngừng tim Chuyên gia cảnh báo nguy cơ đột ngột ngừng tim khi chạy marathon |
Ngày 13/3, bà N.T.T. (73 tuổi, ở Hiệp Hòa, Bắc Giang) xuất hiện triệu chứng đau tức ngực, khó thở. Gia đình đưa bà đến Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa, nhưng tại đây bà T. bất ngờ ngừng tuần hoàn và được cấp cứu bằng thở máy, đặt nội khí quản, dùng thuốc vận mạch.
Cùng ngày, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Do tiên lượng rất nặng, gia đình xin đưa bà về nhà lo hậu sự trong ngày 13/3.
Tuy nhiên, khi về đến nhà, người thân phát hiện bà T. vẫn còn phản xạ kích thích nên lập tức đưa bà đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang để tiếp tục cấp cứu.
![]() |
Bác sĩ chăm sóc cho người bệnh nhồi máu cơ tim. (Ảnh: BVCC) |
Tại Khoa Cấp cứu, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, đang thở máy qua nội khí quản, huyết áp tụt còn 60/40 mmHg. Các bác sĩ chẩn đoán hôn mê sau ngừng tuần hoàn do sốc tim, nghi ngờ nhồi máu cơ tim cấp.
Trước tình trạng nguy kịch, bệnh viện nhanh chóng hội chẩn liên chuyên khoa và quyết định chuyển bệnh nhân đến phòng can thiệp tim mạch để chụp và can thiệp mạch vành khẩn cấp.
Kết quả chụp DSA cho thấy động mạch vành phải bị tắc hoàn toàn, động mạch mũ hẹp nặng. Ê-kíp can thiệp đã đặt stent tái thông động mạch vành phải. Sau đó, bệnh nhân được chuyển về Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc để tiếp tục theo dõi và điều trị.
Bác sĩ CKI Thái Văn Tiệp, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang), cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nặng, tổn thương tim nghiêm trọng và sốc tim sau ngừng tuần hoàn diễn biến phức tạp.
“Có thời điểm tưởng như không thể qua khỏi, huyết áp tụt sâu, buộc phải dùng kết hợp hai loại thuốc vận mạch liều cao để duy trì tuần hoàn. Bệnh nhân từng được rút ống nội khí quản nhưng sau đó suy hô hấp trở lại, phải đặt lại,” bác sĩ Tiệp chia sẻ.
Đến ngày 8/4, sau quá trình điều trị tích cực và sự đồng hành của gia đình, bệnh nhân đã hồi phục rõ rệt. Bà được rút ống nội khí quản, chuyển sang thở oxy, các chỉ số sinh tồn ổn định. Hiện tại, bà T. tỉnh táo, tự thở khí phòng, ăn uống được qua đường miệng, đang tiếp tục phục hồi với hỗ trợ vật lý trị liệu và dự kiến có thể xuất viện trong 1–2 ngày tới.
![]() |
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 17,5 triệu người trên thế giới tử vong vì bệnh tim mạch. |
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 17,5 triệu người trên thế giới tử vong vì bệnh tim mạch. Trong đó, nhồi máu cơ tim là tình trạng cấp cứu nguy hiểm, nếu không xử lý kịp thời có thể gây tử vong đến 50%.
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người chết vì bệnh tim mạch, chiếm 33% tổng số ca tử vong. Căn bệnh này có thể xảy ra đột ngột khi đang ngủ, làm việc hoặc vận động, và đang có xu hướng trẻ hóa rõ rệt. Tỷ lệ người trẻ nhập viện vì tim mạch tăng từ 5–10% mỗi năm.
Các bác sĩ khuyến cáo nên chủ động kiểm soát các yếu tố nguy cơ để phòng bệnh tim mạch. Cụ thể, duy trì cân nặng hợp lý, hạn chế rượu bia, bỏ thuốc lá; tăng cường rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt; tránh thức ăn nhanh, đồ chiên rán, thực phẩm nhiều chất béo công nghiệp.
Tập thể dục đều đặn 30–60 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày mỗi tuần. Bên cạnh đó, nên tiêm phòng cúm, phế cầu và các bệnh truyền nhiễm phổ biến như Covid-19. Ngủ đủ giấc, kiểm soát căng thẳng tâm lý và phòng ngừa trầm cảm cũng rất quan trọng.
Người từ 40 tuổi trở lên nên tầm soát định kỳ bằng siêu âm tim, điện tâm đồ và xét nghiệm các chỉ số như mỡ máu, đường huyết, huyết áp. Khi xuất hiện triệu chứng bất thường như đau tức ngực, khó thở, tim đập loạn nhịp... cần đến cơ sở y tế ngay để được kiểm tra và xử trí kịp thời.
![]() |
![]() |
![]() |