Giá vàng lập đỉnh mới, lên gần 86 triệu đồng/lượng. Ảnh Ngọc Thắng |
Giá vàng lập đỉnh mới sau thông báo huỷ thầu lần 3
Ngày 3/5, Ngân hàng Nhà nước lần thứ 4 tổ chức phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC. Cơ quan này công bố mức sàn để các đơn vị trả giá 82,9 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, chỉ có 1 đơn vị duy nhất nộp phiếu tham dự, do đó phiên đấu thầu tiếp tục bị hủy. Như vậy, trong 4 lần Ngân hàng Nhà nước gọi thầu, có tới 3 lần thất bại do không đủ số lượng doanh nghiệp bỏ phiếu. Lần duy nhất tổ chức thành công là hôm 23/4 cũng chỉ bán được 20% số lượng vàng chào thầu cho 2 đơn vị.
Sau thông báo huỷ thầu lần 3, giá vàng miếng SJC tăng mạnh lên mốc lịch sử. Vào lúc 12h ngày 3/5, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn nâng giá mua bán vàng miếng lên 83,5 - 85,8 triệu đồng/lượng cao hơn tới 700.000 đồng/lượng so với hôm trước. Đây là mức giá cao kỷ lục của vàng miếng SJC từ trước đến nay. Đấu thầu vàng miếng là giải pháp được Ngân hàng Nhà nước đưa ra với kỳ vọng tăng cung, qua đó giảm chênh lệch giá vàng miếng với thế giới. Tuy nhiên, liên tiếp huỷ thầu và 1 lần đấu “ế” khiến mục tiêu thu hẹp chênh lệch giá vàng miếng trong nước và quốc tế trong ngắn hạn cũng bị thách thức. Hai tuần gần đây, giá vàng miếng trong nước tái diễn tình trạng diễn biến ngược chiều so với giá vàng thế giới.
Trong khi giá vàng thế giới 24 giờ qua trong xu hướng đi xuống, giá vàng miếng trong nước lại xác lập kỷ lục mới và nới rộng khoảng cách với giá vàng thế giới. Theo đó, giá vàng miếng SJC đang cao hơn giá vàng thế giới 15 triệu đồng/lượng.
Nên chia nhỏ dòng vốn vào các kênh đầu tư khác để tránh thua lỗ
TS. Nguyễn Trí Hiếu. |
Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu - cho rằng, "cơn sốt" vàng thời gian gần đây sẽ làm cho giá vàng có nhiều phiên thay đổi. Các nhà đầu tư cần cẩn trọng trong quyết định, không nên "để chung trứng vào một giỏ".
Việc NHNN đấu thầu vàng sẽ giúp "hạ nhiệt" cơn sốt vàng và giảm giá vàng. Nhưng NHNN phải dự phòng một lượng vàng rất lớn để tung vào thị trường thì mới có thể ổn định cung cầu trên thị trường vàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu ý kiến.
Vị chuyên gia này đưa ra lời khuyên: Điều quan trọng khi đầu tư vào vàng trong lúc này là cẩn trọng khi thị trường vàng sẽ có nhiều biến động. Hiện tại, cả vàng miếng và vàng nhẫn đang ở trong cơn sốt. Vàng miếng đã ở mức trên 85 triệu đồng/lượng và vàng nhẫn cũng đang tăng rất mạnh. Cùng với đó, nhu cầu mua vàng lại lên rất cao. Các nhà đầu tư cần thận trọng, nên chia nhỏ dòng vốn vào các kênh đầu tư khác để tránh thua lỗ.
Đặc biệt, TS. Nguyễn Trí Hiếu lưu ý: "Không bao giờ đầu tư vàng lướt sóng vì điều đó rất nguy hiểm. Chúng ta không biết giá vàng sẽ biến thiên như thế nào. Không nên đi vay tiền để đầu tư vào vàng trong bối cảnh giá vàng hiện nay".
Về phần mình, ông Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng cho rằng, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế để tăng nguồn cung ra thị trường. Đương nhiên, mức giá trúng thầu sẽ thấp hơn giá thị trường hiện nay, song không thấp hơn đáng kể (so với giá thị trường vì người đưa ra giá cao nhất mới trúng thầu). Ông Hiển cũng cho rằng, phải sửa gấp Nghị định 24 bởi từ khi ra đời, hơn 10 năm qua, thị trường hoàn toàn không được bổ sung nguồn cung mới, trong khi nhu cầu mỗi năm lại tăng. Cầu tăng trong khi cung không có, nên chênh lệch giá vàng ngày càng bất hợp lý.