Viêm mũi dị ứng |
Viêm mũi dị ứng là bệnh lý thường gặp, khiến người bệnh gặp phải tình trạng hắt hơi kéo dài khi tiếp xúc phải tác nhân gây dị ứng như bụi, khói,...
Tuy không phải bệnh ác tính nhưng viêm mũi dị ứng lại đem đến nhiều phiền toái và khó chịu trong đời sống của bệnh nhân. Để điều trị căn bệnh này có rất nhiều cách, trong số đó là chữa viêm mũi dị ứng bằng những loại lá cây quen thuộc.
Dùng lá cây chữa viêm mũi dị ứng là cách chữa trị đơn giản, ít mang lại tác dụng phụ. Tuy nhiên hãy lưu ý rằng nên tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng các bài thuốc, khi thấy có dấu hiệu bất thường, cần tới các cơ sở y tế để được thăm khám.
Lá lốt
Mang tính ấm, vị cay nên lá lốt là một dược liệu thường dùng trong Đông y với các bài thuốc giải cảm, tiêu tán phong hàn. Vì vậy khi áp dụng để chữa viêm mũi dị ứng, lá lốt giúp chữa và giảm các triệu chứng của căn bệnh như nghẹt mũi, hắt hơi,...
Có thể dùng lá lốt chữa bệnh viêm mũi dị ứng với 2 cách như sau:
Cách 1: Nhỏ mũi bằng nước lá lốt
Bước 1: Rửa sạch 4-5 lá lốt và ngâm trong nước muối khoảng 10 phút rồi để ráo nước.
Bước 2: Lấy nước cốt lá lốt bằng cách giã nát lá, và vắt để lấy nước.
Bước 3: Dùng nước muối sinh lý để rửa mũi thật sạch. Sau đó cho tăm bông vào nước lá lốt vừa lấy được rồi nhỏ vào mỗi bên mũi 2-3 giọt, lặp lại 2 lần mỗi ngày.
Cách 2: Xông mũi với lá lốt
Bước 1: Rửa sạch và ngâm lá lốt 10 phút trong nước muối pha loãng sau đó vớt ra để ráo.
Bước 2: Cho lá lốt vào nồi đun cùng 2 lít nước, đến khi sôi thì giảm lửa nhỏ và đun thêm khoảng 10 phút thì tắt bếp. Dùng nước này để xông mũi mỗi ngày một lần trước khi ngủ.
Lá húng chanh
Húng chanh (hay rau tần dày lá) là loại rau gia vị thường gặp trong các bữa ăn của người Việt Nam. Ngoài ra, đây còn là một vị thuốc quý trong y học cổ truyền, lá có mùi hương dễ chịu, tính ấm, hơi cay nhẹ, có khả năng giảm phong hàn.
Theo nghiên cứu khoa học, lá húng chanh giúp giảm hắt hơi, chảy nước mũi, ngứa mũi và cổ họng vì trong tinh dầu húng chanh có thymol, carvacrol, 1,8-cineole, eugenol…
Ta có 2 cách để sử dụng lá húng chanh để chữa viêm mũi dị ứng với nguyên liệu là lá húng chanh và chút muối:
Cách 1: Nấu nước lá húng chanh
Bước 1: Rửa sạch lá húng chanh, sau đó cho muối vào nước và pha loãng rồi ngâm lá trong 10 phút. Sau đó vớt lá ra để ráo nước.
Bước 2: Dùng nước sôi ủ lá húng chanh trong 20 phút. Sau đó dùng nước này uống một ngày từ 1-2 lần.
Cách 2: Xông mũi
Bước 1: Rửa sạch và ngâm 300g lá húng chanh trong nước muối như ở cách 1.
Bước 2: Cho lá húng chanh vào nồi có khoảng 1 lít nước sạch và đun sôi.
Bước 3: Dùng khăn trùm qua nồi và xông mũi một ngày một lần vào buổi tối.
Lá ngải cứu
Lá ngải cứu mang nhiều giá trị lớn trong lĩnh vực dược liệu ở cả Đông và Tây y. Sở hữu dehydro matricaria este, tricosanol, cineol, tetradecatrilin,… trong thành phần nên ngải cứu có khả năng giúp kháng viêm, kháng khuẩn và giảm đau.
Cho nên dùng lá ngải cứu chữa viêm mũi dị ứng có thể làm giảm các triệu chứng như giảm nghẹt mũi, ngứa họng, đỏ mắt, hắt hơi, đau đầu,…
Có 2 cách để sử dụng lá ngải cứu để chữa viêm mũi dị ứng:
Cách 1: Ngâm chân với nước lá ngải cứu
Bước 1: Rửa sạch và cắt nhỏ ngải cứu, sau đó nấu với nước sôi.
Bước 2: Khi nước bớt nóng, dùng nước ngâm chân trong 30 phút trước khi ngủ.
Cách 2: Kỹ thuật cứu ngải
Bước 1: Rửa sạch, và phơi ngải cứu nơi khô thoáng, không tiếp xúc với ánh nắng.
Bước 2: Tách bỏ gân lá bằng cách dùng tay vò lá cho đến khi tơi. Sau đó, cho lá lên giấy sạch và cuốn lại như điếu thuốc.
Bước 3: Đốt điếu ngải cứu, để cách da khoảng 2cm, rồi hơ khắp các nguyệt trên cơ thể. Mỗi huyệt chỉ hơ một lần, mỗi lần từ 2 - 3 phút. Áp dụng phương pháp này mỗi ngày một lần.
Lá bèo cái
Bèo cái, hay bèo tai tượng, là loại dược liệu mang tính lạnh, vị cay và chứa nhiều dưỡng chất như chất xơ, protid thô, chất béo thô… Vì vậy loại dược liệu này có công dụng giúp chống dị ứng, kháng viêm, kháng khuẩn,...
Để thực hiện, ta cần 50-100g lá bèo tươi, muối, mật ong. Sau đó thực hiện theo các bước như sau:
Bước 1: Chọn các lá bèo trưởng thành, bỏ gốc rễ rồi rửa sạch và ngâm khoảng 10 phút trong nước muối pha loãng để loại bỏ bụi bẩn, tạp chất. Sau đó vớt ra và để ráo.
Bước 2: Giã nát lá bèo, lọc lấy nước. Dùng nước đã lọc được hòa cùng nước ấm, hoặc thêm nước gừng, 5g mật ong. Uống mỗi ngày 1 lần.
Lá bạc hà
Lá bạc hà |
Bạc hà với menthol và methyl acetate ở phần tinh dầu, góp mặt trong nhiều bài thuốc khác nhau với khả năng giúp trị căng thẳng thần kinh, kích thích ra mồ hôi, xua đuổi côn trùng, chữa say tàu xe, hôi miệng,...
Ngoài ra, còn giúp thuyên giảm các triệu chứng của viêm mũi dị ứng như nghẹt mũi, đau ngứa họng, nhức đầu,...
Bạn có thể chữa viêm mũi dị ứng với lá bạc hà bằng 2 cách sau:
Cách 1: Uống nước lá bạc hà
Bước 1 Chọn 4-5 lá bạc hà sau đó rửa sạch và ngâm với nước muối pha loãng trong 10 phút, xả lại với nước sạch và để ráo nước ở nơi khô thoáng.
Bước 2 Đun sôi 250ml nước, hãm lá bạc hà và dùng nước đó uống thay trà. Có thể thêm chanh hoặc mật ong tùy ý thích.
Cách 2: Dùng lá bạc hà xông mũi
Bước 1: Rửa sạch lá bạc hà như ở cách trên và ngâm với nước muối.
Bước 2: Cho lá bạc hà với khoảng 1 lít nước vào nồi và đun sôi bằng lửa nhỏ. Sau đó dùng nước này để xông mũi từ 1-2 lần mỗi ngày.
Lá cây cỏ hôi
Cỏ hôi là một loại cây mọc dại, có thể dễ dàng tìm thấy ở bất kỳ đâu. Nhưng ít ai biết chúng cũng là một dược liệu thường dùng trong các bài thuốc dân gian. Phần lá thường được dùng vì chứa cadinen, geratocromen, demetoxygeratocromen,… Các chất này giúp kháng viêm, giảm ngứa cổ họng, chảy nước mũi, nghẹt mũi,...
Ta có thể chữa viêm mũi dị ứng bằng lá cỏ hôi với các bước như dưới đây:
Bước 1: Rửa sạch lá cỏ hôi và ngâm trong nước muối pha loãng khoảng 10 phút.
Bước 2: Xay hoặc dùng chày giã nát lá để lấy phần nước cốt. Dùng làm nước nhỏ mũi từ 4-5 lần mỗi ngày.
Lá cây cà độc dược
Cà độc dược còn được biết đến với tên khác là mạn đà la, thường được dùng làm dược liệu nhất là phần lá. Theo các ghi chép trong một số tài liệu Đông y, lá của cà độc dược có tác dụng đối với hen suyễn, phong thấp và cả viêm mũi dị ứng.
Tuy nhiên, loại dược liệu này vẫn chứa độc tố, không được tự ý sử dụng khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không dùng cho phụ nữ mang thai, cho con bú, trẻ sơ sinh, bệnh nhân mắc chứng suy tim, loét dạ dày, trào ngược thực quản, táo bón, sốt, cao huyết áp hoặc rối loạn tâm thần.
Nếu đã có chỉ định từ bác sĩ có thể sử dụng, bạn có thể dùng loại dược liệu này như sau:
Bước 1: Rửa sạch 3-4 lá cà độc dược, sau đó cắt nhỏ cho vào lon sữa nhỏ và đậy kín nắp.
Bước 2: Cho trực tiếp lon sữa lên bếp và đun với lửa nhỏ.
Bước 3: Cuốn giấy thành hình dạng cái phễu với phần đầu to hướng vào nơi khói bốc lên, đầu còn lại đặt gần mũi. Hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng trong 3-6 phút. Thực hiện mỗi ngày 2 lần.
Ưu nhược điểm khi dùng lá cây chữa viêm mũi dị ứng
Ưu điểm
Chữa viêm mũi dị ứng bằng lá cây có độ an toàn cao, ít mang đến các tác dụng phụ không mong muốn.
Nguyên liệu quen thuộc, có thể dễ dàng mua tại chợ với giá cả bình dân.
Nhược điểm
Tùy vào thể trạng mà các bài thuốc này cần thời gian dài để phát huy tác dụng. Do đó bệnh nhân cần kiên trì sử dụng để có thể đạt được hiệu quả chữa bệnh.
Lưu ý khi dùng lá cây chữa viêm mũi dị ứng
Trước khi sử dụng lá cây chữa viêm mũi dị ứng, bệnh nhân cần xin ý kiến bác sĩ hoặc các chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tai - mũi - họng để quyết định xem có nên sử dụng hay không. Tránh dùng các bài thuốc trên cho bà bầu hoặc trẻ sơ sinh khi chưa có chỉ định.
Cần thực hiện đúng chỉ dẫn, liều lượng và kiên trì sử dụng để có thể đạt được kết quả chữa bệnh như mong muốn vì thời gian chữa bệnh còn phụ thuộc vào cơ địa và mức độ của bệnh.
Dừng sử dụng các bài thuốc này nếu gặp phải những dấu hiệu lạ, bệnh tình chuyển biến xấu hoặc dùng lâu ngày nhưng tình trạng bệnh không thuyên giảm, và nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được thăm khám và đưa ra cách điều trị.
Trên đây là 7 cách chữa viêm mũi dị ứng bằng lá cây. Mong rằng những thông tin trên sẽ có ích với bạn và hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các bài thuốc dân gian này nhé!