Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng
Đề xuất giảm 30% thuế TNDN cho doanh nghiệp
Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, sáng nay ngày 11/6, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.
Chính phủ đưa ra đề xuất này nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất kinh doanh,vượt qua khó khăn, thách thức do tác động của dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, dựa thảo đưa ra mức giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người.
Theo Chính phủ, việc đề xuất giảm thuế đối với trường hợp doanh nghiệp trên nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả của chính sách hỗ trợ, tránh tình trạng ưu đãi dàn trải.
Thống kê đến cuối năm 2019, Việt Nam có khoảng 760.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong cơ cấu doanh nghiệp của Việt Nam, nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp, trong đó, doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ chiếm hơn 63%, doanh nghiệp quy mô nhỏ chiếm hơn 30% và doanh nghiệp quy mô vừa chiếm gần 4%. Như vậy, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới hơn 93% tổng số donh nghiệp nhỏ và vừa có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải trình, như vậy nếu việc áp dụng chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp có quy mô vừa thì gần như toàn bộ doanh nghiệp tại Việt Nam đều được hưởng giảm thuế và không mang nhiều ý nghĩa nhằm ưu tiên phát triển. Bên cạnh đó có thể dẫn đến sự cạnh tranh không bình đẳng giữa doanh nghiệp có quy mô vừa với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ trong khi doanh nghiệp có quy mô vừa đã sẵn có nhiều lợi thế hơn (vốn, doanh thu, thị trường, lao động, công nghệ...).
“Theo ước tính, việc thực hiện giải pháp này sẽ giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) của năm 2020 khoảng 15.840 tỷ đồng” – Bộ trưởng cho biết.
Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý thu hồi nợ thuế.
Không phân biệt quy mô doanh nghiệp trong việc hỗ trợ
Thảo luận về vấn đề này, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị không phân biệt quy mô doanh nghiệp mà cần nghiên cứu để thực hiện giảm thuế cho tất cả các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh.
ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) phát biểu thảo luận
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) bày tỏ băn khoăn với hai tiêu chí xác định là doanh thu (dưới 50 tỷ đồng), kết hợp với tiêu chí về lao động (dưới 100 lao động) để thực hiện chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, bởi những doanh nghiệp có doanh thu dưới 50 tỷ nhưng số lao động trên 100 người thì sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với doanh nghiệp có số lao động ít hơn. Do đó đại biểu đề nghị nên chỉ áp dụng tiêu chí về doanh thu để xác định đối tượng hỗ trợ.
“Mặc dù trong giải trình cho rằng nếu mở rộng quy mô thì số giảm thuế này có thể bị ảnh hưởng là từ 15.840 tỷ đồng lên khoảng 22.440 tỷ đồng. Nhưng thực sự tôi thấy con số này chỉ là ước tính và có khả năng là ảo, khả năng ảo là vì doanh nghiệp đã rất khó khăn thì làm sao có lợi nhuận? Như vậy trên tinh thần chúng ta thông qua để vừa có tính chất hỗ trợ doanh nghiệp để mà cầm cự giữ chân để chờ cơ hội vượt qua thì tôi đề nghị chỉ sử dụng tiêu chí dưới 50 tỷ”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu ý kiến.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (đoàn TPHCM) cho rằng, đến thời điểm này các chính sách hỗ trợ chỉ ở mức độ động viên các doanh nghiệp, vì các doanh nghiệp đang hết sức khó khăn do không có đơn hàng mới, đang sản xuất cầm chừng. Nếu doanh nghiệp nào không cắt giảm lao động thì người sử dụng lao động đang rất cố gắng để giữ chân người lao động và duy trì sản xuất.
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM, đề nghị Chính phủ cần xem xét trên tổng thể hệ thống các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô lớn.
“Theo thông tin từ các đơn vị sử dụng trên 1.000 lao động, nhiều đơn vị đã phải đi vay để trả lương cho người lao động. Tiền hầu như là trả nợ hết, lương cho người lao động còn không đảm bảo được thì lấy gì đóng các khoản khác. Tôi cũng đề xuất từ Nghị quyết này Chính phủ xem xét đến các loại phí khác mà người sử dụng lao động đóng góp về”, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy nêu ý kiến.
Hồng Nga