Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt nhận được sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp, giới chuyên gia |
Dự kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 37. Tiếp theo đó, Chính phủ sẽ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện dự thảo Luật và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 (dự kiến khai mạc vào ngày 21/10/2024) và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025.
Điều đáng chú ý trong việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) lần này, Bộ Tài chính đưa ra quy định: Để khuyến khích người dân tiêu dùng các loại xăng thân thiện môi trường, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt áp thuế suất đối với xăng sinh học (mức thuế suất 8% đối với xăng E5 và mức thuế suất 7% đối với xăng E10) thấp hơn mức thuế suất áp dụng đối với xăng khoáng (thuế suất 10%).
Đối với xe chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện, năng lượng sinh học, xe chạy điện, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt quy định xe chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện áp dụng thuế suất chỉ bằng 70% mức thuế suất của xe ô tô cùng loại chạy xăng; xe ô tô chạy bằng năng lượng sinh học áp dụng mức thuế suất chỉ bằng 50% mức thuế suất của xe ô tô cùng loại chạy xăng.
Để điều tiết thu nhập của những người có thu nhập cao, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt quy định thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô chở người “xe ô tô dưới 24 chỗ, kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng” và một số hàng hoá, dịch vụ cao cấp vượt trên nhu cầu thông thường của đời sống xã hội với việc quy định thuế suất cao đối các hàng hoá, dịch vụ cao cấp như ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống có dung tích xi lanh trên 4.000 cm áp dụng mức thuế suất từ 110%-150%.
Ngoài ra, trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) cũng quy định mặt hàng điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như sau: “Điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống trừ loại theo thiết kế của nhà sản xuất chỉ để lắp trên phương tiện vận tải bao gồm ô tô, toa xe lửa, tàu, thuyền, máy bay. Trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất bán hoặc tổ chức, cá nhân nhập khẩu nhập tách riêng từng bộ phận là cục nóng hoặc cục lạnh thì hàng hóa bán ra hoặc nhập khẩu (cục nóng, cục lạnh) vẫn thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như đối với sản phẩm hoàn chỉnh (máy điều hòa nhiệt độ hoàn chỉnh)” để luật hóa quy định đang thực hiện ổn định tại văn bản dưới Luật (nội dung quy định tại điểm h khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật).
Đề xuất không đưa xăng các loại, điều hòa nhiệt độ, xe phục vụ vận chuyển hành khách vào diện áp thuế tiêu thụ đặc biệt
TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV |
Với những mặt hàng được áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt như trên, đại diện cho các doanh nghiệp, giới chuyên gia kinh tế đã có những ý kiến, đề xuất gửi tới cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Tại Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)” do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phối hợp với Báo Đại biểu Nhân dân, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức mới đây, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, dự thảo Luật cần xem xét loại bỏ các xe có động cơ chở người, có số chỗ từ 17 - 24 chỗ ra khỏi đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Các sản phẩm này không nên được coi là hàng hóa xa xỉ, mang tính chất hưởng thụ, vì chủ yếu phục vụ cho hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách (là hoạt động cần thiết, nhất là trong bối cảnh giao thông đường bộ Việt Nam vẫn phổ biến).
Bên cạnh đó, TS. Cấn Văn Lực đề xuất không đưa mặt hàng xăng các loại (xăng thường, xăng E5, xăng E10) vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, do xăng đã phải trả thuế bảo vệ môi trường. Đồng thời, xăng là mặt hàng thiết yếu, nhiên liệu đầu vào cho hầu hết các ngành sản xuất - kinh doanh.
Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng làm gia tăng chi phí sản xuất, tăng lạm phát... Hơn nữa, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng nhưng không đánh thuế này với dầu diesel sẽ không bảo đảm công bằng, khi dầu diesel là một chế phẩm nhiên liệu thay thế xăng, có mức độ ô nhiễm môi trường cao hơn.
Cập nhật ý kiến từ phía các doanh nghiệp đóng góp ý kiến về việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện (dòng xe hybrid), bà Phan Minh Thủy - Phó Ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, dự thảo Luật hiện đã có quy định thuế suất thấp hơn đối với xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện nhưng yêu cầu phải có nạp điện bằng hệ thống sạc riêng (bằng 70% xe xăng tương ứng).
Bà Phan Minh Thủy - Phó Ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam |
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, dòng xe hybrid - ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện có hai hình thức: Xe có hệ thống sạc điện riêng và xe không có hệ thống sạc điện riêng. Quy định như dự thảo Luật hiện mới chỉ đề cập đến loại thứ nhất – có hệ thống sạc điện riêng. Điều này được hiểu rằng, các xe hybrid loại thứ hai – không có hệ thống sạc điện riêng sẽ chịu thuế suất bằng với xe chạy xăng tương ứng. Điều này chưa thực sự hợp lý vì xe ô tô hybrid không có hệ thống sạc điện riêng vẫn có tác dụng giảm sử dụng nhiên liệu hoá thạch và là bước chuyển tiếp sang xe chạy thuần điện, trong quá trình trạm và công nghệ sạc điện chưa đủ thuận tiện cho người tiêu dùng. Do đó, các doanh nghiệp đề nghị nghiên cứu thêm chính sách khuyến khích dòng xe hybrid không có hệ thống sạc điện riêng, với thuế suất thấp hơn thuế đối với xe chạy xăng tương ứng.
Đối với mặt hàng là xăng, bà Phan Minh Thủy nhấn mạnh: Mặt hàng xăng hiện nay đang phải chịu cùng lúc hai loại thuế có cùng tính chất hạn chế tiêu dùng là thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, xăng không phải mặt hàng xa xỉ, nên đề nghị Cơ quan soạn thảo dự án Luật nghiên cứu bỏ đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng. Trong trường hợp cần thiết thì điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp với mục tiêu của loại thuế này.
Đối với điều hoà nhiệt độ, bà Phan Minh Thủy nêu quan điểm: Mặt hàng điều hoà nhiệt độ đã phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 1998 với mức thuế suất 20% và đã được giảm xuống 10% vào năm 2008. Trước đây, điều hoà nhiệt độ có thể được coi là mặt hàng xa xỉ. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, hiện nay, điều hoà nhiệt độ đã trở thành nhu cầu thiết yếu trong công việc và cuộc sống. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, việc duy trì nhiệt độ phòng phù hợp có tác dụng rất tốt trong việc nâng cao năng suất lao động, hiệu quả học tập. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với Việt Nam khi chúng ta có định hướng phát triển kinh tế tri thức như hiện nay. Các chính sách thuế cần được xem xét, điều chỉnh phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội. Do đó, đề nghị nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hoà nhiệt độ.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp như trên, thay mặt cơ quan thẩm tra dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Vũ Tuấn Anh cho biết, sẽ nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình thẩm tra, hoàn thiện dự thảo Luật để bảo đảm chất lượng cao nhất trước khi trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 tới./.