![]() |
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị thúc đẩy kinh tế thương mại biên giới với Trung Quốc, ngày 9/12. |
Ông Trần Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi cho biết, theo thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc năm 2022 đạt 175,56 tỷ USD, tăng 5,47% so với năm 2021.
Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 57,7 tỷ USD, tăng 3,18%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 117,8 tỷ USD, tăng 6,63%; nhập siêu ở mức 60,1 tỷ USD, tăng 10,18%. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ.
Đặc biệt, trong 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 138,9 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 49,5 tỷ USD (chiếm 17% giá trị xuất khẩu của Việt Nam), tăng 5,13%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 89,3 tỷ USD (chiếm 33,4% giá trị nhập khẩu của Việt Nam).
Về mặt hàng, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng như điện thoại di động, linh kiện, thiết bị điện tử, cao su, nông sản, thủy hải sản... và nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc các sản phẩm như máy móc, thiết bị, nguyên liệu sản xuất trong ngành may mặc, giày da, sắt thép, vật tư xây dựng..., cho đến các mặt hàng sinh hoạt hàng ngày.
Báo cáo của Vụ Thị trường châu Á – châu Phi cũng cho thấy, sau đại dịch, tình hình kinh tế thương mại các tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc đã có những khởi sắc với những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, hoạt động thương mại giữa các tỉnh thành khu vực phía bắc với Trung Quốc vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã chỉ đạo hàng loạt nội dung nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại với thị trường tỷ dân tại Hội nghị Thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại các tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 (sau Mỹ), và là thị trường cung cấp hàng hóa lớn nhất . Tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Trung Quốc chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới.
![]() |
Xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc. |
Trong ASEAN, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc.
Sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc cuối năm 2022, có rất nhiều sự thay đổi trong quan hệ chính trị, ngoại giao giữa hai nước. Hoạt động về kinh tế, thương mại nói chung và hoạt động thương mại biên giới nói riêng sôi động trở lại, nhiều cửa khẩu hoạt động trở lại như trước khi có đại dịch Covid-19.
Số liệu của Bộ Công thương, 11 tháng 2023, xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc đã đạt 155,7 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 56 tỷ USD, tăng 6,2%, nhập khẩu 99,7 tỷ USD, nhập siêu từ Trung Quốc 43,6 tỷ USD, giảm 23,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với kim ngạch xuất khẩu đạt 56 tỷ USD, đây là điểm sáng trong xuất khẩu của cả nước trong bối cảnh xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm.
Khẳng định, hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc được củng cố, mở rộng, đi vào chiều sâu trong thời gian qua, song Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên vẫn chỉ ra hàng loạt tồn tại, hạn chế, khi xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam chủ yếu vẫn là tiểu ngạch, số lượng, chất lượng, giá cả đều thiếu ổn định; hạ tầng biên giới còn hạn chế; việc nâng cấp, mở mới các cặp cửa khẩu chưa theo kịp nhu cầu thương mại".
Bộ trưởng đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát Quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi và tổ chức lại sản xuất, chế biến theo Đề án xuất khẩu chính ngạch, thực hiện tốt Đề án Xuất khẩu chính ngạch, đẩy mạnh xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, tăng cường giao thương để doanh nghiệp hai nước có điều kiện tìm hiểu cơ hội hợp tác thương mại đầu tư ở khu vực biên giới.
Để đẩy nhanh xuất khẩu chính ngạch, Bộ trưởng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường đàm phán với phía bạn sớm ký kết Nghị định thư về kiểm dịch động thực vật cho nông sản có thế mạnh của Việt Nam, đàm phán cấp mới mã số nhập khẩu hàng nông sản của Việt Nam có thế mạnh.
Với Bộ Tài chính, trực tiếp là Tổng cục Hải quan, đề nghị tiếp tục phối hợp các tỉnh biên giới trong việc triển khai xây dựng, áp dụng cửa khẩu thông minh và áp dụng công nghệ trong quản lý các hoạt động thông quan xuất nhập khẩu, nâng năng lực thông quan, đáp ứng được nhu cầu về thương mại biên giới.