Bộ Công thương cần coi danh nghiệp là trọng tâm của đổi mới sáng tạoNhật Bản - Thị trường tiêu thụ các loại than nhiều nhất của nước taSản lượng than sạch tháng 11/2020 ước đạt 4,35 triệu tấn |
Bộ Công Thương vừa có văn bản số 10102/BCT-DKT gửi Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch xuất khẩu than năm 2021 của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc (TCTĐB).
Cụ thể, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021 của TKV và TCTĐB là sẽ đẩy mạnh nhập khẩu các chủng loại than phù hợp, có giá cạnh tranh với khối lượng than nhập khẩu dự kiến năm 2021 khoảng 15 triệu tấn về pha trộn để được các chủng loại than đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ trong nước, đặc biệt là cho sản xuất điện.
Bên cạnh đó, TKV và TCTĐB kiến nghị kế hoạch xuất khẩu than năm 2021 của hai đơn vị là 1,55 triệu tấn.
![]() |
Bộ Công Thương đề nghị xuất khẩu hơn 1,5 triệu tấn than năm 2021 |
Đối với TKV, tổng khối lượng than xuất khẩu tối đa 1,5 triệu tấn. Trong đó, than cục các loại là 500.000 tấn, than cám 1, 2, 3 là 1 triệu tấn. Đối với TCTĐB, tổng khối lượng than xuất khẩu tối đa là 50.000 tấn gồm 30.000 tấn than cục các loại và 20.000 tấn than cám 1, 2, 3.
Theo Bộ Công Thương dựa vào kết quả cân đối cung cầu than hiện nay, giai đoạn đến năm 2030 Việt Nam sẽ dư thừa gần 2 triệu tấn/năm các loại than cục, than cám 1, 2, 3 trong nước do chưa có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết.
Đây là các loại than phù hợp cho công nghệ luyện thép chất lượng cao (thép không gỉ) của Nhật Bản, Hàn Quốc....
"Như vậy chủng loại và khối lượng than TKV và TCTĐB đề nghị xuất khẩu cho năm 2021 phù hợp với chủng loại và khối lượng than mà trong nước chưa có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết, phù hợp với quan điểm phát triển ngành than về xuất khẩu than đã được Thủ tướng phê duyệt", Bộ Công Thương nhận định.
Cũng theo Bộ Công Thương, dự báo của thị trường than thế giới cho biết giá xuất khẩu than cám 1, 2, 3 của Việt Nam trong năm 2021 sẽ khoảng 107 - 121 USD/tấn, tương đương khoảng 2,48 - 2,81 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, theo báo cáo của TKV dự kiến giá bán than cám 1, 2, 3 cho các hộ tiêu thụ trong nước năm 2021 khoảng 2,6 - 2,53 triệu đồng/tấn.
"Như vậy, nếu xuất khẩu than cám 1, 2, 3 thì giá trị kinh tế thu về sẽ cao hơn khoảng 50.000 - 210.000 đồng/tấn so với tiêu thụ tại thị trường trong nước, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho ngành than và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho các đơn vị", Bộ Công Thương cho hay.
Góp ý cho đề nghị xuất khẩu than, Bộ Tài chính cho rằng cần rà soát kỹ số lượng và chủng loại than xuất khẩu trên cơ sở chỉ xuất khẩu những loại than trong nước chưa có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết. Những loại than mà Việt Nam đang nhập khẩu thì không được xuất khẩu nhằm ưu tiên đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Giải trình ý kiến này, Bộ Công Thương tiếp tục khẳng định khối lượng than nhập khẩu của Việt Nam ngày càng tăng mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước; khối lượng và chủng loại than xuất khẩu năm 2021 phù hợp với quan điểm phát triển ngành than Việt Nam và phù hợp kết quả cân đối cung cầu than hiện nay, không phải loại than mà Việt Nam đang nhập khẩu.
Năm 2020, TKV và Tổng công ty Đông Bắc được đồng ý xuất khẩu 2,05 triệu tấn than (trong đó TKV là 2 triệu tấn than cục và than cám 1, 2, 3; Tổng công ty Đông Bắc là 50.000 tấn than cục và than cám 1, 2, 3).
Tuy nhiên, theo báo cáo của TKV và Tổng công ty Đông Bắc, khối lượng than xuất khẩu ước thực hiện năm 2020 chỉ đạt khoảng 714.000 tấn (bằng 34,8% kế hoạch được Thủ tướng thông qua). Trong đó, TKV đạt khoảng 700.000 tấn; Tổng công ty Đông Bắc đạt khoảng 14 nghìn tấn.
Nguyên nhân chính của việc thực hiện xuất khẩu than cục, than cám 1,2,3 năm 2020 thấp hơn kế hoạch là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nền kinh tế thế giới suy thoái, các khách hàng truyền thống (Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, một số nước khu vực Đông Nam Á...) đều dừng hoặc cắt giảm mạnh sản xuất đối với một số ngành công nghiệp có nhu cầu sử dụng than của Việt Nam.