Theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), các nền kinh tế có mức thu nhập quốc dân (GNI) thấp được xác định từ 1.035 USD trở xuống. Mức 1.036-4.045 USD là nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp, 4.046-12.535 USD là các nền kinh tế có thu nhập trung bình cao.
Trong khi đó, nền kinh tế có thu nhập cao là những nền kinh tế có GNI bình quân đầu người từ mức 12.536 USD trở lên.
Ngân hàng Thế giới xếp Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp.
Cụ thể, đối với năm tài khóa 2021, WB nhận định Việt Nam nằm trong nhóm nền kinh tế có mức thu nhập trung bình thấp, với mức GNI bình quân đầu người đạt 2.540 USD. Trong khi đó, WB cũng dự báo triển vọng tăng trưởng GDP hàng năm trong năm tới cho Việt Nam ở mức 6,8%.
Xét về nhân khẩu học, Việt Nam hiện nằm trong nhóm các nền kinh tế đang trong giai đoạn cuối của cơ cấu “dân số vàng”. Trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc thì đã nằm trong giai đoạn “hậu dân số vàng”, tức cơ cấu nhân khẩu già nhanh.
Trong khu vực Đông Nam Á, GNI bình quân đầu người của Việt Nam chỉ cao hơn các quốc gia khác như Timor Leste, Campuchia và Myanmar. Philippines và Lào cũng nằm trong nhóm nền kinh tế có mức thu nhập trung bình thấp, nhưng có GNI cao hơn Việt Nam, lần lượt ở mức 3.850 USD và 2.570 USD.
Điểm sáng trong khu vực ASEAN nằm ở Indonesia khi nước này cùng với Thái Lan, Malaysia góp mặt vào nhóm nền kinh tế có mức thu nhập trung bình cao. Dữ liệu mới nhất cho thấy GNI bình quân đầu người của Indonesia đạt ngưỡng 4.050 USD vào năm 2019, tăng từ mức 3.840 USD trong năm 2018.
Chỉ có hai quốc gia là Singapore và Brunei nằm trong nhóm có thu nhập cao ở Đông Nam Á với GNI lần lượt là 59.590 USD và 32.230 USD.
Huyền Thanh