Habeco: Dự kiến lợi nhuận năm 2020 giảm 49% Bia Hải Dương đạt doanh thu 59 tỷ đồng trong quý III, tăng nhẹ 12% |
Bia Hà Nội lỗ sau thuế gần 21 tỷ đồng trong quý I/2024. Ảnh: Habeco. |
Habeco báo lỗ sau thuế gần 21 tỉ đồng
Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội - Habeco (BHN) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2024 với doanh thu tăng trưởng tốt hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, doanh thu bán hàng hãng bia Hà Nội trong quý 1 đã tăng hơn 10%, đạt hơn 1.319 tỉ đồng. Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp trong kỳ đạt 266 tỉ đồng, tăng 8,5%.
Lãi gộp hàng trăm tỉ đồng, nhưng Habeco vẫn báo lỗ sau thuế gần 21 tỉ đồng trong quý 1-2024, trong khi cùng kỳ chỉ lỗ 3,7 tỉ đồng.
Nhìn sang "đối thủ" ngành bia của Habeco, trong quý đầu năm, Sabeco ghi nhận doanh thu đạt gần 7.243 tỉ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, do doanh thu tài chính giảm và ghi nhận lỗ hơn 11 tỉ đồng trong phần lãi công ty liên kết và cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát, Sabeco báo lãi sau thuế gần 1.024 tỉ đồng trong quý 1, chỉ tăng hơn 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn hẳn đà tăng trưởng rất tốt của doanh thu.
Về kế hoạch cả năm 2024, Habeco đặt mục tiêu doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính 6.543 tỉ đồng, tăng 4,7% so với năm 2023. Còn lợi nhuận trước thuế 248 tỉ đồng, bằng 58,6% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, Sabeco đặt kế hoạch doanh thu 34.397 tỉ đồng, tăng 13% và lợi nhuận 4.580 tỉ đồng, chỉ tăng 7,6% so với năm 2023.
Đâu là nguyên nhân?
Ông Ngô Quế Lâm - tổng giám đốc Habeco, đã ký văn bản giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán, giải trình về kết quả kinh doanh.
Lãnh đạo Habeco giải thích rằng nguyên nhân chủ yếu khiến doanh nghiệp thua lỗ là do mặt bằng lãi suất huy động làm giảm doanh thu hoạt động tài chính so với cùng kỳ.
Ngoài ra, Habeco gia tăng đầu tư cho công tác thị trường để hướng tới mục tiêu hoàn thành tổng thể các kế hoạch đã đề ra trong năm 2024.
Báo cáo tài chính Habeco cho biết, trong kỳ vừa qua chi phí cho nhân viên để quản lý doanh nghiệp đã tăng gần 10% lên 40 tỷ đồng, chi phí cho nhân viên bán hàng tăng 20% lên 34 tỷ đồng và chi phí quảng cáo khuyến mại hỗ trợ tăng 41% lên 105 tỷ đồng.
Trước đó, hoạt động kinh doanh năm 2023 giảm do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường bia. Nhu cầu tiêu dùng suy giảm trong bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều biến động, cùng với việc thực hiện chặt chẽ nghị định 100 xử phạt về vi phạm nồng độ cồn.
Sang năm 2024, Habeco nhận định vấn đề sức mua yếu và những ảnh hưởng từ sự hồi phục chậm của nền kinh tế vẫn ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp bán lẻ; Rủi ro lạm phát, chi phí vận hành cao, lượng hàng tồn kho lớn tiếp tục là những áp lực đối với các doanh nghiệp.
Habeco sẽ tiếp tục chịu sự cạnh tranh gay gắt của các tập đoàn lớn có nguồn lực tài chính, nhân sự, kinh nghiệm bán hàng; nhu cầu tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi tâm lý sính ngoại, thích uống bia nhập khẩu… Để tăng sức cạnh tranh, tạo điểm nhấn cho thương hiệu Habeco trên thị trường, dự kiến nhiều giải pháp bán hàng sẽ phải được triển khai mạnh mẽ và quyết liệt hơn trong năm 2024.
Vừa qua, Habeco đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên. Tại đại hội, cổ đông Habeco đã thông qua mục tiêu doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính năm nay đạt 6.543 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 249 tỷ đồng, nộp ngân sách 1.832 tỷ đồng.
“Ông lớn” Habeco báo lỗ gần 100 tỷ đồng quý I/2020 |
Habeco: Dự kiến lợi nhuận năm 2020 giảm 49% |
Habeco báo lãi quý III hơn 340 tỷ đồng |