Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất của 2 quý đầu năm tài chính 2024-2025 (từ 1/10/2024 đến 31/3/2025).
Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Hoa Sen đạt 371 tỷ đồng, giảm so với 434 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, so với mục tiêu cao năm nay là 500 tỷ đồng, Hoa Sen đã hoàn thành 74% kế hoạch.
![]() |
Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Hoa Sen đạt 371 tỷ đồng. |
Như vậy, trung bình mỗi ngày tập đoàn thu về hơn 2 tỷ đồng lợi nhuận, dù trong bối cảnh thị trường tôn thép đang chịu sức ép từ nhiều phía.
Sản lượng tiêu thụ hợp nhất trong 6 tháng đạt 946.648 tấn, hoàn thành gần 49% kế hoạch cả năm. Doanh thu thuần đạt 18.674 tỉ đồng, tương ứng 53% kế hoạch.
Trong quý II (từ 1/1 đến 31/3), sản lượng hợp nhất của Tập đoàn Hoa Sen đạt 432.919 tấn. Doanh thu hợp nhất đạt 8.452 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 205 tỷ đồng, tăng 24% so với quý trước.
Biên lợi nhuận gộp của Tập đoàn Hoa Sen cải thiện từ 11,8% trong quý I lên 12,7% trong quý II. Chi phí tài chính giảm 8% (tương đương 4 tỷ đồng) nhờ cắt giảm dư nợ vay ngắn hạn từ 5.364 tỷ đồng xuống còn 532 tỷ đồng.
Khoản chi phí bán hàng trong quý giảm 13%, từ 849 tỷ đồng xuống còn 738 tỷ đồng, giúp gia tăng lợi nhuận. Đồng thời, doanh thu tài chính tăng mạnh 178%, từ 43 tỷ đồng lên 120 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lãi chênh lệch tỷ giá từ hoạt động xuất khẩu.
Đại diện Tập đoàn Hoa Sen cho biết những kết quả này phản ánh hiệu quả của chiến lược thận trọng và linh hoạt trong điều hành tài chính, giúp ứng phó với biến động và rủi ro thị trường.
Tuy nhiên, trong bức tranh tích cực về lợi nhuận, hoạt động xuất khẩu của HSG vẫn đối mặt với không ít thách thức.
Trong bối cảnh kinh doanh 6 tháng qua, ngành thép Việt Nam, bao gồm cả Tập đoàn Hoa Sen, đã chịu tác động từ các cuộc điều tra phòng vệ thương mại của các quốc gia, nổi bật là cuộc điều tra chống bán phá giá do Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) khởi xướng từ tháng 9/2024 đối với các sản phẩm tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh và mạ màu xuất khẩu từ Việt Nam.
Do tâm lý thận trọng của khách hàng, hoạt động xuất khẩu của Hoa Sen sang Hoa Kỳ đã tạm gián đoạn từ tháng 9/2024 đến nay.
Ngoài thị trường Mỹ, Hoa Sen vẫn tiếp tục tìm kiếm, mở rộng các thị trường mới, đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu đến hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
![]() |
Ngoài thị trường Mỹ, Hoa Sen vẫn tiếp tục tìm kiếm, mở rộng các thị trường mới. |
Phát biểu tại đại hội cổ đông thường niên gần đây, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen, đã thẳng thắn nhận định rằng ngành tôn thép hiện đang ở giai đoạn cực kỳ khó khăn.
“Tôi nói rõ luôn: ngành tôn thép giỏi lắm chỉ đi ngang, xu thế chung là phải đi xuống”, ông Lê Phước Vũ cho biết thêm. “Tổng công suất nhà máy nội địa hiện nay gấp ba lần so với nhu cầu trong nước, trong khi xuất khẩu khó khăn nên ngành đi ngang là giỏi lắm rồi”.
“Tốt nhất chúng ta nên quay lại thị trường nội địa, tập trung phát triển hệ thống Hoa Sen Home”, ông Lê Phước Vũ nói ở đại hội.
Năm nay, Tập đoàn Hoa Sen dự kiến kết quả kinh doanh niên độ tài chính 2024-2025 sẽ giảm so với cùng kỳ. Theo kịch bản khả quan nhất, công ty dự kiến sản lượng tiêu thụ sẽ tương đương với năm trước.
Với kịch bản thận trọng hơn, Tập đoàn Hoa Sen dự kiến doanh thu sẽ giảm 11% xuống còn 35.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 22% xuống còn 400 tỷ đồng.
Từ năm 2020, thị phần xuất khẩu của Hoa Sen đạt 47% và giảm dần xuống 31% vào năm 2023. Với thị phần trong nước, tập đoàn duy trì vị trí dẫn đầu ở cả 3 khu vực Bắc - Trung - Nam, giữ mức 25%.
Còn số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết trong 9 tháng đầu năm 2024, Tập đoàn Hoa Sen chiếm 28,89% thị phần toàn ngành tôn mạ Việt Nam.
Lĩnh vực kinh doanh xuất khẩu cũng giữ vai trò quan trọng, đóng góp lớn vào cơ cấu doanh thu, lợi nhuận của tập đoàn Hoa Sen.
Kết quả kinh doanh của Hoa Sen từ niên độ 2017-2018 đến nay có nhiều đợt tăng, giảm. Lợi nhuận tăng trưởng tốt vào 2 niên độ 2019-2020 và 2020-2021. Tuy nhiên, từ 2021-2022, lợi nhuận bắt đầu giảm và xuống thấp vào niên độ 2022-2023.