Cần Thơ: Trồng nhãn Ido đạt chuẩn VietGAP, có mã vùng trồng Sơn La có 22.500 tấn nhãn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu Hải Dương: Mở vườn thu hái nhãn xuất khẩu sang thị trường EU |
Tin vui cho người trồng nhãn khi trái nhãn Việt Nam đã xuất khẩu Nhật Bản. |
Những lô nhãn xuất khẩu đầu tiên sau 6 năm đàm phán
Ngày 3/1, tại Long An, doanh nghiệp đã khởi động xuất khẩu chính ngạch lô nhãn đầu tiên vào Nhật Bản. Như vậy, sau thanh long, xoài và vải, quả nhãn tươi đã có mặt tại thị trường khó tính này.
Đây là lô hàng hơn 10 tấn nhãn đầu tiên của Việt Nam chính thức lên đường sang Nhật Bản. Sản phẩm xuất khẩu được đóng tại tỉnh Long An, là giống nhãn Indo, được trồng từ vùng nguyên liệu liên kết tại Vĩnh Long và Đồng Tháp.
Để được xuất khẩu sang Nhật Bản, những trái nhãn này phải trải qua nhiều quy trình đánh giá khắt khe, được Nhật Bản cấp mã số vùng trồng, mã số nhà máy, không dư lượng hóa chất, và đảm bảo mọi quy trình dưới sự giám sát của chuyên gia Nhật.
Phải mất 6 năm đàm phán để mở cửa thị trường Nhật Bản cho trái nhãn Việt, cho thấy đây là một thị trường rất khắt khe, minh bạch, yêu cầu chất lượng cao hàng đầu thế giới. Nhưng bù lại, Nhật Bản rất tiềm năng, mỗi năm nhập đến 20 tỷ USD rau quả các loại, trong khi đó Việt Nam chiếm chưa tới 3%.
Việc được Nhật Bản chấp nhận, cho thấy trái nhãn Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, có thể khai thác mạnh để tăng trưởng tốt hơn hơn trong tương lai.
Đóng gói lô nhãn đầu tiên xuất khẩu Nhật Bản. |
Quy trình xử lý lạnh trong vòng 13 ngày trước khi xuất hàng qua Nhật là một trong những yêu cầu của đối tác nhằm loại bỏ sinh vật gây hại. Sau khi qua quy trình xử lý lạnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cấp chứng thư kiểm dịch thực vật xác nhận lô hàng đảm bảo đủ điều kiện xuất khẩu. Đây là một trong những điều kiện để nhãn xuất khẩu chính ngạch vào Nhật Bản.
Lô nhãn 1 tấn đầu tiên sẽ đi bằng đường hàng không để lên kệ tại siêu thị Nhật Bản sau 4 ngày tới. Sau lô nhãn này, mỗi tháng Công ty TNHH Hoàng Phát tại Long An sẽ cung ứng khoảng 70 - 100 tấn nhãn tươi bằng đường biển và đường hàng không sang Nhật Bản.
Phía Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đang có giải pháp hỗ trợ cấp mã số vùng trồng, mã số vùng đóng gói và các quy định về an toàn thực phẩm để trái nhãn tiếp tục tăng sản lượng vào thị trường Nhật Bản.
Cây nhãn top 5 về trái cây kỳ vọng bứt phá
Trải dài từ Bắc vào Nam, nhãn được trồng ở rất nhiều vùng khác nhau trên cả nước. Tổng diện tích khoảng 80.000 ha, đứng trong top 5 các loại cây ăn quả có diện tích lớn nhất cả nước. Sản lượng hơn 600.000 tấn/năm. Dù vậy, mới khoảng 2.000 héc ta và 3 nhà máy đóng sản phẩm được cấp mã số trồng và xuất khẩu sang Nhật Bản. Khác với quả vải, Cục Cục Bảo vệ thực vật cho biết quả nhãn sẽ phải áp dụng biện pháp xử lý lạnh trước khi xuất khẩu.
"Người trồng và người dân phải có sự liên kết, phối hợp, chung tay để bảo đảm có mã số đủ lớn, đảm bảo sản phẩm đồng đều về chất lượng và mẫu mã. Những đối tượng sinh vật gây hại mà phía Nhật Bản quan tâm, từ cán bộ kỹ thuật, người trồng phải nắm rất rõ và có biện pháp phòng chống ngay từ khâu trước khi thu hoạch. Trước khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, lô hàng nhãn phải được xử lý bằng biện pháp xử lý lạnh, ở nhiệt độ 1,3oC trong thời gian 13 ngày", ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết.
Việt Nam có khoảng 80.000 ha nhãn, đứng trong top 5 các loại cây ăn quả có diện tích lớn nhất cả nước. |
Năm 2022 có thể được coi là một năm thắng lợi nhất từ trước đến nay với nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam trong việc mở rộng thị trường. Chanh leo, sầu riêng, chuối và khoai lang với các quy định tạm thời và nghị định thư được ký kết để xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Quả chanh và bưởi được phép xuất khẩu vào thị trường New Zealand.
Trong thời gian tới, Cục Cục Bảo vệ thực vật sẽ triển khai tập huấn, hướng dẫn cho các địa phương và các bên liên quan quy định của Trung Quốc, New Zealand và Nhật Bản về các yêu cầu nhập khẩu đối với khoai lang, chanh, bưởi và nhãn. Sau trái nhãn, Việt Nam sẽ tiếp tục đàm phán để xuất khẩu trái bưởi vào thị trường Nhật Bản.
Với thành công bước đầu và kinh nghiệm xuất khẩu sang Nhật, Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp tục đẩy mạnh đưa trái nhãn vào nhiều thị trường cao cấp, nâng cao giá trị và hiệu quả cho sản xuất trong nước./.