Đại biểu Nguyễn Công Long - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai phát biểu |
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, chiều 31/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành Phiên họp của Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Công Long - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đánh giá cao ý nghĩa chuyên đề giám sát lần này. Nhấn mạnh về một số nội dung liên quan đến việc đảm bảo diện tích đất trồng lúa, Đại biểu nêu rõ vấn đề đảm bảo an ninh lương thực luôn được Đảng và Nhà nước coi là nhiệm vụ hàng đầu. Hai năm qua, nhờ có nền sản xuất nông nghiệp vững chắc, dự trữ lương thực dồi dào, Việt Nam đã vượt qua được đại dịch COVID-19.
Bởi vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 39 về kế hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó đặt chỉ tiêu đảm bảo 3,5 triệu ha đất trồng lúa. Đây là quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng, Nhà nước nhằm cụ thể hóa Kết luận số 81 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030.
Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, vấn đề có giữ được 3,5 triệu hecta đất trồng lúa hay không đang đặt ra nhiều thách thức. Về công tác quản lý nhà nước, Luật Đất đai đã quy định chặt chẽ các trường hợp thu hồi đất do vi phạm quản lý đất đai.
Ví dụ, Luật Đất đai quy định, trường hợp đất trồng cây hàng năm không được sử dụng quá thời hạn trong thời hạn 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm không được sử dụng thời hạn 18 tháng liên tục, đất trồng rừng không được sử dụng thời hạn 24 tháng liên tục thì Nhà nước sẽ thu hồi.
Tuy nhiên, quá trình làm việc với Đoàn giám sát, các nội dung trên không có trong chỉ tiêu thống kê hàng năm nên Bộ Tài nguyên và Môi trường không có số liệu báo cáo. Như vậy, công tác quản lý đang có lỗ hổng rất lớn, nhiều năm qua chưa nắm rõ hiện trạng đất nông nghiệp, đặc biệt là đất canh tác.
Kết quả giám sát cho thấy, nhiều nơi buông lỏng quản lý, người dân tự ý chuyển đổi đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, nuôi trồng thuỷ sản. Tại nhiều địa phương, diện tích đất không thể trồng lúa nhưng vẫn được thống kê là đất lúa và diện tích rất lớn đất trồng lúa nay không thể trồng lúa do tác động về môi sinh, môi trường, ô nhiễm,…
Đại biểu cho rằng, nguy cơ bảo đảm lương thực đang rất hiện hữu. Thứ nhất, do nhu cầu phát triển kinh tế, nhất là xây dựng hạ tầng giao thông, phát triển công nghiệp, diện tích đất lúa bị thu hồi ngày càng lớn.
Thứ hai, với việc Quốc hội giao thẩm quyền cho nhiều tỉnh được áp dụng cơ chế đặc thù thì Hội đồng nhân dân địa phương cấp tỉnh được chuyển đổi đất lúa thì diện tích đất lúa được chuyển đổi sang mục đích khác ngày càng nhiều.
Thứ ba, do biến đổi khí hậu, diện tích đất lúa bị nhấn chìm hoặc phải chuyển đổi là rất lớn, dự báo cho thấy Việt Nam sẽ là một trong năm nước chịu thiệt hại nặng nhất trên thế giới.
Qua kết quả giám sát, cơn sốt chuyển đổi đất lúa sang đất nông nghiệp thời gian qua cho thấy sự lãng phí rất nghiêm trọng và thể hiện ngay từ khâu quy hoạch. Nhiều nơi do nôn nóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã dùng bờ xôi ruộng mật để triển khai các dự án công nghiệp, dịch vụ, du lịch mà hiệu quả mang lại không tương xứng…
Từ thực tế trên, đại biểu nêu rõ hành động của chúng ta là rất cấp thiết bởi đây không chỉ là nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực mà là trách nhiệm với thế hệ mai sau. Do đó, ngoài những kiến nghị đã nêu trong Báo cáo giám sát, đại biểu đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần có sự nhận thức và thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và pháp luật đất đai trong việc bảo đảm đất lúa.