![]() |
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV |
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, chiều 31/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành Phiên họp của Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.
Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum nhận thấy, chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được triển khai thực hiện toàn diện trên mọi mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên đối với địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, đại biểu nhận thấy nổi lên các vấn đề đáng quan tâm.
Theo đó, thời gian qua công tác quản lý trồng, bảo vệ, khai thác và kinh doanh từ rừng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, hiệu qủa đạt được còn thấp. Tình trạng đất bị lấn chiếm, đất giao cho nông lâm trường quản lý chồng lấn lên đất sản xuất nông nghiệp của người dân còn bất cập.
Báo cáo của Đoàn giám sát cũng đã nêu, qua giám sát trong cả nước, diện tích đất đã có quyết định thu hồi nhưng chưa có phương án sử dụng là 79.672 ha, diện tích đất chưa có quyết định thu hồi của Ủy ban nhân dân và chưa có phương án sử dụng đất là 305.043 ha. Đại biểu cho rằng như thế là rất lãng phí.
Chỉ rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên, theo đại biểu Phạm Đình Thanh trước hết là thuộc về trách nhiệm của các nông, lâm trường, các công ty lâm nghiệp, Ban quản lý rừng, chính quyền các địa phương cùng với trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cấp, các ngành. Bên cạnh đó cũng có nguyên nhân do cấp trung ương chưa có cơ chế, chính sách đầy đủ hoặc một số chính sách quy định không còn phù hợp nhưng chậm được sửa đổi.
![]() |
Đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum phát biểu |
Đại biểu cũng nêu rõ, hiện nay dự án trồng rừng phải tuân thủ đầy đủ các bước theo quy định của Luật Đấu thầu nên quá trình triển khai các bước để thực hiện dự án mất nhiều thời gian, dẫn đến tình trạng sau khi hoàn thành các thủ tục dự án thì có dự án không thực hiện được, gây thất thoát lãng phí lớn. Ngoài ra, hiện nay tình trạng viên chức, người lao động chuyên trách bảo vệ rừng xin nghỉ việc xảy ra tương đối nhiều ở các tỉnh Tây Nguyên. Đây là vấn đề cần báo động.
Từ thực trạng trên, đại biểu Phạm Đình Thanh kiến nghị như sau:
Một là, đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần tăng cường giám sát việc quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường, các công ty, ban quản lý rừng, đặc biệt là giám sát được thực hiện Nghị quyết số 112 của Quốc hội khóa XIII về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, nông trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp, Ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng.
Quốc hội, Chính phủ cũng cần xem xét có cơ chế đặc thù riêng quy định về trình tự, thủ tục thực hiện các dự án trồng rừng và chăm sóc cho cây rừng.
Hai là, đối với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị sớm xem xét, ban hành quy định về việc tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho các công ty lâm nghiệp để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ diện tích rừng tự nhiên tính từ thời điểm các chính sách hỗ trợ theo Quyết định 2242 của Thủ tướng Chính phủ hết hiệu lực thi hành vào năm 2020.
Ba là, bổ sung quy định về cho đội ngũ viên chức, người lao động chuyên trách bảo vệ rừng được hưởng các chế độ cấp ưu đãi nghề đối với công chức, viên chức ngành kiểm lâm và cung cấp theo quy định về danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm./.