Việc quản lý đất lâm nghiệp chưa chặt chẽ |
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp báo cáo tại cuộc làm việc |
Báo cáo tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, đối với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn ngân sách nhà nước các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu, Bộ đã thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững.
Theo đó, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,01% đạt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đòi khí hậu, giảm thiểu thiên tai; đảm bảo an ninh nguồn nước, bảo tồn đa dạng sinh học.
Công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng có nhiều tiến bộ, hằng năm, toàn quốc trong được khoảng 235 nghìn ha rừng trồng, góp phần phòng hộ, bảo vệ môi trường, tạo nguồn nguyên liệu từ gỗ rừng trồng cho công nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu; tiêu dùng trong nước.
Giá trị xuất khẩu lâm sản đạt cao vào năm 2020 đã góp phần phá triển kinh tế xã hội, có tác động lan tỏa đến sự phát triển của các ngành kinh tế khác, tạo nguồn thu nhập, giúp cải thiện sinh kế, ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập cho người dân sinh sống trong và ngoài rừng; góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Nguồn kinh phí sự nghiệp của Chương trình được cấp đầy đủ, đúng tiến độ, hỗ trợ kịp thời cho các đơn vị, địa phương và người dân tham gia hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế trong công tác này. Cụ thể, việc triển khai thực hiện quy hoạch, tính đồng bộ, thống nhất giữa các ngành chưa cao, còn chồng lấn giữa lâm nghiệp với các ngành khác; thiếu sự ổn định và thường bị điều chỉnh do nhu cầu sử dụng đất để phát triển kinh tế xã hội; việc quản lý đất lâm nghiệp có nơi chưa chặt chẽ, vẫn còn xảy ra tình trạng chồng lấn, tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân; chính sách giao đất giao rừng, khoán bảo vệ rừng để thực hiện xã hội hóa lâm nghiệp còn nhiều khó khăn, phức tạp, tiến độ chậm và chưa hiệu quả. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm.
Quang cảnh phiên họp |
Về bảo vệ rừng, vẫn còn những điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ. Cháy rừng, mất rừng vẫn tiềm ẩn rủi ro; số vụ vi phạm tuy giảm, nhưng diện tích rừng thiệt hại có tăng, do ảnh hưởng của thời tiết năng nóng kéo dài, đã xảy ra một số vụ cháy lớn ở miền Trung, gây thiệt hại về rừng. Công tác trồng rừng phòng hộ, đặc dụng gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn quỹ đất trồng rừng ngày càng khó khăn, đòi hỏi chi phí cao, trong khi vốn đầu tư từ ngân sách được bố trí không tương xứng.
Năng suất rừng trồng vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực, sản phẩm cơ bản là gỗ nhỏ, chưa đáp ứng được toàn bộ nhu cầu cho ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Chất lượng rừng và tính đa dạng sinh học của rừng tự nhiên còn thấp. Tình trạng phá rừng, khai thác, sử dụng đất lâm nghiệp trái phép còn diễn ra ở một vài địa phương.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho biết, những tồn tại, yếu kém trên do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, gồm: Đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng chưa tương xứng với nhiệm vụ và đảm bảo để thực hiện chính sách được ban hành; Cơ sở vật chất cho công tác phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng còn nhiều hạn chế; kết cấu hạ tầng, lâm nghiệp yếu kém, bất cập.
Công tác quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp tại nhiều địa phương còn bất cập, chưa sát với thực tế, chưa điều chỉnh kịp thời. Hệ thống cơ chế, chính sách trong lĩnh vực lâm nghiệp đã có nhưng việc tổ chức thực hiện chính sách ở một số địa phương còn hạn chế.
Đại diện Tổ công tác – Đoàn giám sát báo cáo một số nội dung |
Đưa ra ý kiến về vấn đề này, Tổ công tác- Đoàn giám sát chỉ ra rằng trong giai đoạn này với gần 2000 vụ cháy rừng tương ứng với hơn 8.600 ha bị thiệt hại là một tổn thất lớn dẫn đến sự lãng phí rất lớn cho xã hội. Vì vậy, đề nghị Bộ nêu rõ các giải pháp hữu hiệu để xử lý vấn đề này, giảm thiểu cháy rừng sẽ tiết kiệm được nguồn kinh phí đáng kể cho trồng rừng, tái tạo rừng, góp phần phát triển kinh tế- xã hội nói chung.
Bên cạnh đó, Tổ công tác nêu rõ, mặc dù tỷ lệ giao rừng đạt cao, nhưng đối tượng được giao quản lý rừng rất đa dạng (Ban quản lý rừng đặc dụng; Ban quản lý rừng phòng hộ; tổ chức kinh tế; lực lượng vũ trang; tổ chức khoa học và công nghệ, đào tạo, dạy nghề; hộ gia đình, cá nhân; cộng đồng dân cư; doanh nghiệp đầu tư nước ngoài), trong khi đó, báo cáo của Bộ chưa làm rõ được cơ chế kiểm soát, phối hợp quản lý của các cơ quan nhà nước, đảm bảo diện tích rừng đã giao được chăm sóc, quản lý tốt, chưa làm rõ được hiệu quả thiết thực của việc giao rừng.
Tổ công tác đề nghị cần có cơ chế phù hợp, gắn mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng với hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo đảm đời sống, việc làm, an sinh xã hội cho người dân; đẩy mạnh việc phân công, phân cấp, phân nhiệm rõ để nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp cho các cơ quan, tổ chức; tăng cường sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành Trung ương và địa phương để thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, thiết lập trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Ngoài ra, Tổ công tác cũng chỉ rõ, số liệu báo cáo cho thấy, trong giai đoạn 2015-2021 cả nước có hơn 2.300 dự án, nhiều diện tích rừng được chuyển đổi mục đích sử dụng. Tuy nhiên, báo cáo chưa làm rõ diện tích rừng đã được trồng thay thế, các trường hợp chậm hoặc chưa thực hiện nghĩa vụ nộp tiền trồng rừng thay thế; việc bố trí đất trồng rừng; cơ chế giám sát của các cơ quan chức năng đối với trồng rừng thay thế; tỷ lệ rừng trồng thành công...
Từ phân tích trên, Tổ công tác đề nghị, Bộ cần có hướng dẫn và tổ chức đánh giá tổng thể diện tích rừng trồng thay thế, đối với các trường hợp có tỷ lệ cây sống thấp, phát triển không hiệu quả, không phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng; các trường hợp bố trí đất trồng chống lấn với đất sản xuất lâu đời của người dân... cần có báo cáo rõ và có giải pháp xử lý phù hợp. Đồng thời, cung cấp danh mục các dự án được phép chuyển đổi mục đích rừng tự nhiên theo quy định tại Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.