Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình báo cáo công tác dân nguyện tháng 7 năm 2022 của Quốc hội |
Tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo về công tác dân nguyện của Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, trong tháng 7/2022, nhiều vấn đề nóng đã được nêu ra trong phiên họp tháng trước đã từng bước được giải quyết có hiệu quả và mang lại một số kết quả tích cực.
Đối với phản ánh, kiến nghị của cử tri về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong khám chữa bệnh, ngày 05/8/2022, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia, Bộ Y tế đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp 03 gói thầu thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia giai đoạn 2022-2023 để kịp thời cung cấp thuốc cho các cơ sở y tế với tổng giá trị trúng thầu là 6.292 tỷ đồng, tỷ lệ giảm giá là 17,52% (tương đương với 1.337 tỷ đồng) so với giá kế hoạch.
Kết quả đấu thầu lần này góp phần giảm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số địa phương thời gian qua khiến người bệnh phải tự mua thuốc bên ngoài, dù thuộc danh mục được chi trả của bảo hiểm y tế, làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế. Ngoài ra, việc công bố kết quả đấu thầu lần này có tác động tích cực đến tâm lý lo ngại, sợ sai, không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm của một số địa phương và đơn vị được giao chủ động tự đấu thầu.
Quan tâm đến vấn đề này, TS.Nguyễn Huy Quang, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, nguyên nhân của tình trạng thiếu thuốc là các chuỗi cung ứng toàn cầu còn đứt đoạn, đặc biệt là các chuỗi liên quan đến logistics, bảo quản, vận chuyển, tiền công, tiền lương của tất cả những người có liên quan đến chuỗi cung ứng này, dẫn đến cũng ảnh hưởng tới tình trạng cung ứng thuốc vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, do quá trình phòng, chống dịch nên nhiều người bệnh có nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh mà không đến khám bệnh, chữa bệnh được. Khi dịch đã lắng xuống thì người bệnh đến các cơ sở khám bệnh tăng đột biến, dẫn tới tình trạng cung ứng thuốc của một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không bảo đảm. Nguyên nhân khách quan nữa là do tập trung tất cả nguồn lực cho phòng chống dịch bệnh nên việc cung ứng thuốc chữa bệnh hiện nay cũng có những hạn chế, ảnh hưởng.
TS.Nguyễn Huy Quang, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) |
Về nguyên nhân chủ quan, TS.Nguyễn Huy Quang cho rằng, tình trạng cơ chế pháp lý của chúng ta đang còn những tồn tại, chưa minh bạch dẫn tới là các đơn vị tham gia đấu thầu e ngại trong việc thực hiện tổ chức đấu thầu. Một phần do hiện nay đang khởi tố rất nhiều vụ án nên dẫn đến có tâm lý e ngại trong đấu thầu. Về phía các doanh nghiệp cung ứng hiện nay không tham gia đấu thầu vì không có lợi nhuận, do giá thuốc tăng cao nhưng hồ sơ mời thầu, tiêu chí mời thầu giá lại thấp hơn.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Bệnh viện Bạch Mai thực hiện chủ trương xã hội hoá trong công tác y tế. Do vậy hầu hết nhiều thiết bị y tế là liên doanh, liên kết, máy đặt, máy mượn và máy liên doanh. Khi các máy, thiết bị này hết hợp đồng liên doanh, liên kết thì dừng hoạt động.
Các cơ quan hậu kiểm, khi kiểm tra các hoạt động liên doanh, liên kết, xã hội hoá ở Bệnh viện Bạch Mai cũng phát hiện các vướng mắc về tư pháp. Do vậy, các thiết bị, vật tư y tế không đáp ứng được các quy định, quy chuẩn về pháp lý để tiếp tục thực hiện. Từ đó dẫn đến thực trạng các máy móc chẩn đoán, như máy chụp chiếu, siêu âm, cộng hưởng từ, máy test CT, các máy kỹ thuật cao như robot phẫu thuật… là những thiết bị hiện đại nhưng vướng vào pháp lý, vướng vào các quy định.
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai |
PGS.TS Đào Xuân Cơ cho rằng, trong thời gian qua đấu thầu tập trung quốc gia chậm cũng ảnh hưởng tới các hoạt động của các cơ sở y tế trong việc cung ứng thuốc. Bộ Y tế, và các bộ liên ngành phải tạo điều kiện cho các nhà quản lý ở các cơ sở thuận lợi trong việc mua sắm. Bộ cũng nên có các đoàn khảo sát, hỗ trợ các đơn vị, các Sở Y tế, các bệnh, thay vì tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát nặng nề.
Theo TS.Nguyễn Thị Ngọc Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm Đấu thầu quốc gia, việc thiếu thuốc, vật tư y tế không phải vấn đề mới mà từ rất lâu nhưng tình trạng thiếu ở mức độ nào, thiếu ra sao cần phải có số liệu cụ thể mới có giải pháp khắc phục. Thực tế cho thấy cũng có những danh mục thuốc thừa. Ví dụ trong đấu thầu thuốc quốc gia, các đơn vị khi lập kế hoạch phải cam kết dùng 80% nhưng có những thuốc nhu cầu sử dụng chỉ 20%. Vừa qua, Bộ Y tế đã thành lập 4 đoàn đi kiểm tra thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế ở tất cả các cơ sở y tế.
Cho rằng thiếu thuốc là vấn đề khá lớn trong giai đoạn hiện nay, PGS.TS. Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII đánh giá, việc này đã ảnh hưởng đến quá trình điều trị cho người bệnh, đặc biệt là những người nghèo. Việc không có đủ thuốc ngay với giá cả hợp lý là vấn đề đặt ra với tất cả các ngành, các lĩnh vực, chứ không phải chỉ riêng ngành y.
Để tháo gỡ vấn đề thiếu thuốc, PGS.TS Bùi Thị An kiến nghị Chính phủ cần xem xét kỹ những vướng mắc, hạn chế trong cơ chế, chính sách để tập trung sửa đổi, tháo gỡ ngay, cần khẩn trương rà soát quy trình, xem tất các văn bản liên quan đến thuốc, đấu thầu, mua sắm, để tháo gỡ kịp thời, giải quyết dứt điểm các vấn đề, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ sở y tế cũng như bệnh nhân.