Phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: QH |
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Nghị quyết ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.
Báo cáo tóm tắt Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, kể từ thời gian đầu xảy ra dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam (đầu năm 2020) gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế - xã hội trong nước, Chính phủ đã theo dõi sát diễn biến thực tế, thu thập, tổng hợp các giải pháp được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời trên cơ sở rà soát hệ thống pháp luật hiện hành để kịp thời triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Theo đó, Chính phủ đã trình Quốc hội quyết định cũng như ban hành theo thẩm quyền các chính sách về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách ban hành trong năm 2020 là khoảng 129 nghìn tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình dự thảo Nghị quyết tại phiên họp. Ảnh: QH |
Sang năm 2021, nhận định hoạt động của doanh nghiệp, người dân vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, Chính phủ đã trình UBTVQH ban hành, đồng thời Chính phủ ban hành theo thẩm quyền để tiếp tục thực hiện một số giải pháp hỗ trợ. Dự kiến thực hiện các giải pháp này trong năm 2021, doanh nghiệp, người dân được hỗ trợ với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí vào khoảng 118 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các giải pháp hỗ trợ chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cũng đã được triển khai thực hiện theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19, với tổng kinh phí ước tính trên 26 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh, việc xem xét, đề xuất thêm các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nhằm ứng phó với ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong năm 2021 là cần thiết. Theo đó, Chính phủ đã đề xuất các giải pháp hỗ trợ cụ thể: Tiếp tục thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân), tiền thuê đất trong năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19;
Tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021; Tiếp tục thực hiện giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng nhằm tháo gỡ khó khăn và tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp; Tiếp tục giảm mức thu 30 loại phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
Trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của dịch Covid-19 đã và đang tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nề tới hoạt động của doanh nghiệp, người dân, Chính phủ cho rằng việc xem xét, đề xuất thêm các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nhằm ứng phó với ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2021 là cần thiết.
Theo tính toán chung, các giải pháp đã được UBTVQH, Chính phủ thực hiện theo thẩm quyền và các giải pháp như đề xuất thì số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân trong năm 2021 vào khoảng 140 nghìn tỷ đồng. Trong đó, gói gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã ban hành khoảng 118.000 tỷ đồng; gói miễn giảm thuế, miễn tiền chậm nộp theo các nội dung đề xuất nêu trên là khoảng 21.300 tỷ đồng.
Chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: QH |
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nêu rõ: Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với nội dung tiếp thu của Chính phủ. Đó là hoàn thiện chính sách giảm 30% thuế TNDN cho các doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng theo hướng bổ sung thêm điều kiện tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2020.
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị bỏ điều kiện “doanh nghiệp phải có tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2020” vì các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ gặp rất nhiều khó khăn trước ảnh hưởng của đại dịch nên có lãi đã rất cố gắng; cần được hỗ trợ để tiếp tục vượt qua khó khăn.
Vì vậy, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban tán thành việc giảm thuế GTGT đối với một số lĩnh vực kinh doanh, trong đó đặc biệt là đối với các dịch vụ vận tải, kho bãi, … để kích thích tiêu dùng và giảm chi phí đầu vào cho nhiều lĩnh vực kinh doanh khác trong thời gian dịch bệnh.
Đối với phạm vi áp dụng, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với việc Chính phủ loại trừ lĩnh vực “hoạt động xuất bản theo hình thức trực tuyến” ra khỏi phạm vi hỗ trợ, do đây là lĩnh vực có khả năng tăng trưởng cao trong bối cảnh dịch bệnh; đồng thời đề nghị Chính phủ loại bỏ các hoạt động kinh doanh cung cấp hàng hóa/dịch vụ trên nền tảng trực tuyến trong các lĩnh vực ra khỏi phạm vi áp dụng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến. Ảnh: QH |
Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý Bộ Tài chính cần làm rõ đối tượng được thụ hưởng, tránh tình trạng không bị tác động của đại dịch vẫn được thụ hưởng từ chính sách. Vì nguồn lực có hạn, do đó phải đảm bảo hỗ trợ đúng, trúng những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh.
Biểu dương những chia sẻ, hỗ trợ của ngành ngân hàng cho nền kinh tế đất nước trong thời gian vừa qua, Chủ tịch Quốc hội cho rằng ngành ngân hàng cần tiếp tục rà soát chính sách tín dụng cho một số ngành, lĩnh vực bị tác động lớn nhưng chưa nằm trong danh sách ưu tiên như hàng không, vận tải hàng hóa và hành khách bằng đường bộ, các công ty lữ hàng, khách sạn, dịch vụ đang gặp rất khó khăn về dòng tiền.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận một số nội dung. Ảnh: QH |
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh UBTVQH đánh giá cao Chính phủ trong triển khai giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 30 của Quốc hội, đồng thời, thống nhất ban hành Nghị quyết hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp giảm bớt khó khăn.
UBTVQH cũng thống nhất với các nhóm chính sách theo Tờ trình của Chính phủ và đề nghị Bộ Tài chính tiếp thu các ý kiến tại phiên họp này để hoàn chỉnh các nội dung trên.
Trên cơ sở xem xét cụ thể các vấn đề nêu trong Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban TCNS, 100% thành viên UBTVQH có mặt biểu quyết tán thành việc ban hành Nghị quyết về một số giải pháp trong miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban TCNS chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Bộ Tài chính khẩn trương bổ sung, hoàn chỉnh Nghị quyết xin ý kiến UBTVQH và trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành trước ngày 1/10/2021./.