Sổ tiết kiệm 1 tỉ đồng đến thời điểm đáo hạn: Nên gửi tiếp hay đầu tư vàng? |
Đồng loạt tăng lãi suất
Tuần đầu tiên của tháng 7 ghi nhận 4 ngân hàng tăng lãi suất huy động gồm NCB, Eximbank, SeABank và VIB. Tuy nhiên, VIB cũng là ngân hàng giảm lãi suất huy động trong tuần vừa qua (giảm 0,1%/năm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-6 tháng và tăng 0,1%/năm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-36 tháng).
Theo thống kê, tại ngày 5/7, lãi suất huy động cao nhất các kỳ hạn dưới 6 tháng là 4,7%/năm. Mức lãi suất này được Eximbank niêm yết cho tiền gửi kỳ hạn 4 tháng, chỉ thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với mức lãi suất huy động tối đa theo quy định của NHNN đối với kỳ hạn dưới 6 tháng.
Eximbank cũng là ngân hàng dẫn đầu toàn hệ thống về lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng, lên đến 4,3%/năm sau khi nhà băng này điều chỉnh lãi suất từ 4/7.
Đối với kỳ hạn 3 tháng, ABBank và NCB đang là những ngân hàng thuộc nhóm dẫn đầu về lãi suất. Cả hai nhà băng này niêm yết mức lãi suất 4%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 3 tháng.
Cũng chỉ có 3 ngân hàng nói trên đang niêm yết mức lãi suất từ 4%/năm cho kỳ hạn 3 tháng, trong khi các ngân hàng còn lại đều duy trì mức lãi suất này ở mức từ 1,9-3,9%/năm.
Trong đó, OCB đang niêm yết lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng ở mức 3,9%/năm. Dẫn đầu nhóm còn lại là mức lãi suất 3,8%/năm được niêm yết tại BaoViet Bank, Nam A Bank và OceanBank.
Mức lãi suất 3,7%/năm được các ngân hàng Bac A Bank, MSB, SeABank và Viet A Bank đang niêm yết.
CB và TPBank cùng niêm yết lãi suất ngân hàng kỳ hạn 3 tháng tại mức 3,6%/năm.
Nhóm các ngân hàng LPBank, BVBank, PGBank và VPBank niêm yết lãi suất 3,5%/năm cho kỳ hạn này, cao hơn mứcc 3,4%/năm tại MB và SHB.
Một số ngân hàng, trong đó có nhóm big4, tiếp tục duy trì lãi suất thấp dưới 3%/năm, thậm chí dưới 2%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 3 tháng.
Theo Hiệp hội NH VN chi nhánh TP.HCM, có 24/36 NH tăng LS tiết kiệm trong tháng 6, chỉ có 2 NH giảm LS huy động. LS tiết kiệm tăng mạnh nhất là ABBANK với từ 0,5 - 1,6%/năm ở các kỳ hạn, dao động từ 3,4 - 6%/năm. Kế đến là MSB tăng 0,9% ở kỳ hạn 12 - 36 tháng tại quầy lên mức 5,1%/năm. Hiện mức cao nhất ở NH này là 5,4%/năm kỳ hạn 12 - 36 tháng online. Oceanbank tăng 0,8 - 0,9% kỳ hạn 6 - 9 tháng lên 4,8 - 4,9%/năm…
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 24.6, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,5% so với cuối năm 2023, ước đạt 13,575 triệu tỉ đồng. Đây là mức tăng tiền gửi thấp nhất trong nhiều năm qua.
Nên đầu tư kênh nào?
Theo Báo Thanh Niên phản ánh, cuối tuần này, sổ tiết kiệm 1 tỉ đồng của chị Thanh Hà (Q.1, TP.HCM) tại BVBank đến thời điểm đáo hạn. Chị đang phân vân không biết có nên tiếp tục gửi tiết kiệm hay chuyển số tiền này sang mua vàng. "Nhân viên ngân hàng (NH) thông báo lãi suất (LS) tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng là 3,3%/năm, 3 tháng là 3,4%/năm, cao hơn LS gửi trong sổ cũ là 0,4%/năm. Với số tiền này tiếp tục gửi NH thì tiền lãi mỗi tháng tôi nhận về khoảng 2,8 triệu đồng, chưa đủ tiền chợ. Trong khi giá vàng 76,98 triệu đồng/lượng là mức thấp nhất trong vòng 6 tháng trở lại đây và thấp hơn mức kỷ lục đến 15,4 triệu đồng/lượng. Với số tiền 1 tỉ đồng, tôi có thể mua được 13 lượng vàng. Vàng tăng trở lại thì lời hơn tiết kiệm nhiều", chị Hà tính toán cân nhắc.
Nhưng là người an toàn, chị Thanh Hà cũng phân vân, giá mua và bán chênh nhau lên 2 triệu đồng/lượng nên nếu giá vàng cứ đứng im như tháng qua thì nếu mua, chị sẽ lỗ ngay 26 triệu đồng. Chưa kể mua vàng hiện nay không dễ. Để mua đủ 13 lượng vàng, chị cũng sẽ mất nhiều thời gian. "Sau một hồi tính toán, tôi quyết định gửi tiền vào NH nhưng đang tìm xem nhà băng nào có mức LS cao nhất", chị Hà cho hay.
So sánh tỷ lệ sinh lời giữa kênh đầu tư vàng và gửi tiết kiệm, thì vàng vẫn hấp dẫn hơn. Theo thống kê, vàng nhẫn là kênh hấp dẫn chỉ sau Bitcoin, với tỷ lệ sinh lời khoảng 20%. Từ mức 62,95 triệu đồng một lượng bán ra vào cuối năm 2023, kim loại quý này chốt phiên cuối tháng 6 ở 75,55 triệu đồng. Trong nửa đầu năm, vàng nhẫn có ba đợt tạo "sóng", thi nhau lập kỷ lục mới. Mức cao nhất của kim loại quý này là 77,45 triệu đồng một lượng.
Thời gian qua, trong khi vàng miếng đứng im, vàng nhẫn vẫn có nhiều phiên tích lũy liên tiếp với trợ lực từ giá thế giới và sự thay đổi hành vi của người dân khi chênh lệch giữa hai loại vàng thu hẹp. Đến cuối quý II, giá vàng nhẫn chỉ còn cách SJC khoảng 1,43 triệu đồng mỗi lượng.
Ông Nguyễn An Huy, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân thuộc Công ty FIDT, giải thích giá vàng nhẫn trơn từ trước tới nay không chênh nhiều và luôn biến động đồng pha với thị trường toàn cầu. Vàng thế giới đã tăng khá tốt (khoảng 13%) tính từ đầu năm, kéo theo giá vàng nhẫn trong nước nhảy vọt.
Trong khi đó, vàng miếng có hiệu suất thấp, bình quân hơn 4%. Con số này kém hơn mức tăng của USD (hơn 4,3%).
Kim loại quý mang thương hiệu SJC chốt ở 74 triệu đồng mỗi lượng vào cuối năm ngoái. Để ổn định thị trường, Ngân hàng Nhà nước mở đấu thầu vàng miếng vào cuối tháng 4, nhưng diễn biến giá lại tiếp tục căng thẳng khi vượt 92 triệu đồng một lượng vào tháng 5, mức cao nhất mọi thời đại. Chênh lệch với giá thế giới neo ở mức cao, có thời điểm hơn 20 triệu đồng một lượng.
Sau 9 phiên đấu thầu, có 6 phiên thành công, với hơn 48.000 lượng vàng miếng được nhà điều hành tung ra thị trường. Tuy nhiên, giải pháp này chưa hiệu quả, không đạt được mục tiêu thu hẹp chênh lệch vàng miếng trong nước và thế giới.
Sau đó, nhà chức trách dừng đấu thầu và chuyển sang bán trực tiếp vàng bình ổn giá qua 4 ngân hàng quốc doanh (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) và Công ty SJC vào đầu tháng 6. Từ đó, kim loại quý trong nước "đổ đèo", về 76,98 triệu đồng và duy trì đến hết quý II.
Kịch bản Ngân hàng Nhà nước bình ổn giá vàng thành công đã được nhiều bên dự báo từ trước. Thêm vào đó, tâm lý người dân cũng dần thay đổi khi đã nắm rõ bản chất vàng miếng thương hiệu và nhẫn trơn có chất lượng như nhau, chỉ khác về hình thức bên ngoài.
Ông Nguyễn An Huy dự báo chênh lệch giữa vàng miếng SJC và nhẫn trơn sắp tới duy trì 1-3 triệu đồng mỗi lượng. "Các nhà đầu tư thay vì tập trung dự báo giá vàng, nên theo dõi chênh lệch giữa vàng miếng và nhẫn trơn để có cách đầu tư phù hợp", ông lưu ý.
Lãi suất được các ngân hàng điều chỉnh nhưng mức sinh lời chỉ quanh 1,5-2,5%. Mặt bằng lãi suất của các nhà băng đưa ra vào đầu năm cho kỳ hạn 6 tháng 3-5% cho một năm, tức trong nửa đầu năm nay nhận lãi 1,5-2,5%. Trong đó, nhóm ngân hàng quốc doanh và số ít nhà băng khác trả lãi quanh 3%, đa số đơn vị trên thị trường đều trả từ 4% trở lên, mức cao nhất là 5,15% một năm.
Xu hướng áp đảo trong 6 tháng qua là giảm hoặc duy trì lãi tiền gửi, các nhà băng chỉ rục rịch điều chỉnh từ giữa tháng 4 đến nay. Tuy nhiên mức tăng không mạnh và tập trung ở kỳ hạn dài (gửi tiết kiệm 12 tháng đang có lãi cao nhất gần 6%). Theo chuyên gia, động thái trên nhằm cân bằng với lợi suất sinh lời của các kênh đầu tư khác, đặc biệt là sự áp đảo của vàng thời gian qua.
VPBank nhân đôi lãi suất cho khách hàng gửi tiết kiệm online |
BAC A BANK gửi ngàn quà yêu thương tặng người xây tổ ấm nhân dịp 8/3 |
Quy định mới về lãi suất rút trước hạn tiền gửi |