Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp |
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, theo Tờ trình số 378/TTr-CP ngày 02/8/2024, Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh 02 dự án, bao gồm Luật Phòng bệnh và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Đối với đề nghị xây dựng Luật Phòng bệnh, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến bằng văn bản và có Thông báo Kết luận số 4159/TB-TTKQH ngày 19/8/2024 gửi Chính phủ, các cơ quan có liên quan để thực hiện.
Do đó, trong phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ xem xét đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) vào Chương trình năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp.
Gợi ý nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, liên quan đến đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, tháng 3/2022, Chính phủ đã đề nghị bổ sung dự án Luật BHYT (sửa đổi) vào Chương trình năm 2022. Tuy nhiên, qua xem xét hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định “chưa bổ sung dự án Luật BHYT (sửa đổi) vào Chương trình năm 2022 vì còn nhiều nội dung chính sách chưa được làm rõ và đề nghị Chính phủ chỉ đạo chuẩn bị kỹ hồ sơ, bảo đảm chất lượng, tính khả thi để sớm trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung vào Chương trình.
Đến nay, Chính phủ đã chuẩn bị lại Hồ sơ và đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung Luật vào Chương trình nhưng với phạm vi hẹp hơn là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, chỉ tập trung vào 04 chính sách là những vấn đề được Chính phủ đánh giá là cấp bách, cần sửa đổi ngay để thể chế hóa chủ trương của Đảng, kịp thời khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đồng bộ với các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm xã hội.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự phiên họp |
Tại phiên họp, các đại biểu tập trung cho ý kiến về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT; Các vấn đề/chính sách chính được đề xuất sửa đổi đặt trong tổng thể;… Đồng thời, đại diện lãnh đạo Bộ Y tế và Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã báo cáo giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề có liên quan.
Cho ý kiến tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh tính cấp bách sửa đổi Luật Bảo hiểm Y tế nhằm khắc phục những bất cập, vướng mắc hiện nay đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng bộ với các quy định có liên quan của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Bảo hiểm xã hội.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, việc thực hiện đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao của Chính phủ, các bộ ngành có liên quan đặc biệt là Bộ Y tế. Do đó, để bảo đảm dự án Luật trình Quốc hội đúng quy định, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đáp ứng yêu cầu về chất lượng, thời hạn theo đúng quy định.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp |
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành đề nghị của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Đây là vấn đề cấp bách, cần sửa đổi để bảo đảm đồng bộ với các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm xã hội; khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật BHYT hiện hành, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Hồ sơ đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Tuy nhiên, để đảm bảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ và Bộ Y tế khẩn trương chuẩn bị để hoàn chỉnh Hồ sơ đảm bảo chất lượng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong phiên họp tháng 9. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Xã hội của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các cơ quan có liên quan tham gia ngay từ đầu (ngay sau phiên họp) để vừa xây dựng vừa thẩm tra đảm bảo trong tháng 9 chậm nhất là ngày 15/9 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẵn sàng bố trí họp thêm giờ để xem xét trong tháng 9, đảm bảo đúng quy trình, thủ tục theo quy định, đảm bảo yêu cầu trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (10/2024) tới đây”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.