Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu giải trình ý kiến của các đại biểu |
Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 13/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Phát biểu giải trình các vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận về Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trân trọng cám ơn các đại biểu Quốc hội đã dành rất nhiều tâm huyết, thời gian, có rất nhiều ý kiến xác đáng trong suốt quá trình thảo luận, xây dựng dự thảo Luật.
Tất cả các ý kiến đóng góp đó không chỉ làm rõ nhiều vấn đề trực tiếp liên quan đến dự thảo luật lần này, mà còn làm rõ cái tâm huyết, nỗ lực của toàn ngành y tế, thẳng thắn chỉ ra những bất cập, nhưng cũng làm nổi bật các kết quả của ngành y tế nói chung, công tác khám, chữa bệnh nói riêng trong thời gian vừa qua, đặc biệt là từ khi thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.
Phó Thủ tướng cho biết, trong điều kiện nước ta là một nước đang phát triển vươn lên có thu nhập trung bình, nước ta được rất nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có các tổ chức chuyên về chăm sóc sức khỏe và y tế đánh giá là nước có các mặt công tác y tế tốt hơn nhiều so với các nước có cùng mức thu nhập trên thế giới.
Kết quả đó không chỉ đến từ những nỗ lực trong công tác xây dựng pháp luật, thể chế, chính sách, sự điều hành của cả hệ thống chính quyền từ Trung ương đến địa phương, mà còn đến từ sự nỗ lực đáng trân trọng của đội ngũ y, bác sĩ, đặc biệt là trong thời khắc khó khăn và sự tham gia của đông đảo người dân.
Phó Thủ tướng cho biết, qua 27 ý kiến phát biểu, ý kiến tranh luận, nhiều vấn đề đã được phân tích làm sâu sắc thêm, cũng có thêm nhiều vấn đề mới tiếp tục được đặt ra. Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Y tế, Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng tất cả những ý kiến trên tinh thần khoa học, cầu thị phù hợp với xu thế quốc tế, đồng thời phải tính đến tính đặc thù của hệ thống chính trị, kinh tế xã hội của Việt Nam để có các quy định tối ưu nhất trong dự thảo Luật.
Quang cảnh Phiên thảo luận |
Đi vào các vấn đề cụ thể liên quan đến phạm vi điều chỉnh, các khái niệm quy định trong luật, Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, nguyên tắc là Luật Khám, chữa bệnh thì sẽ quy định liên quan Luật bảo hiểm y tế, chi phí khám, chữa bệnh thì là do bảo hiểm y tế chi trả, chi phí liên quan y tế dự phòng thì là do ngân sách đảm bảo.
Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Y tế, Ban soạn thảo nghiên cứu sâu hơn xu thế của quốc tế, vì ngoài các vấn đề với các căn bệnh suy dinh dưỡng hay việc truyền căn bệnh HIV từ mẹ sang con, ranh giới cũng cần được xác định rõ hơn theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới và đặc biệt là tiếp thu xu thế của thế giới hiện nay.
Trước đây, có phân định rất rõ giữa trạng thái người khỏe và người bị bệnh. Khi bị bệnh thì bảo hiểm y tế chi trả. Khi chưa bị bệnh thì bảo hiểm y tế không chi trả. Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay các nước đang nghiên cứu rất kỹ về khoảng giữa trạng thái khỏe và bị bệnh. Nếu trong khoảng đó được phát hiện và điều trị kịp thời thì không chỉ cứu sống người bệnh, mà cơ bản nhất về bảo hiểm y tế, chi phí của hệ thống bảo hiểm y tế sau này sẽ giảm đi.
Phó Thủ tưởng Chính phủ cho biết, ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu để làm rõ hơn vấn đề này nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân tốt hơn, đồng thời sử dụng hiệu quả hơn ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm y tế.
Về vấn đề về ngôn ngữ trong khám, chữa bệnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết đây là một vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến. “Tới đây, chúng ta sẽ ứng dụng công nghệ thông tin, có công cụ dịch tự động sẽ thuận lợi hơn rất nhiều”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Tuy nhiên, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đồng thời làm rõ hơn xu thế trên thế giới về nội dung này trên tinh thần không hạn chế mà phải khuyến khích để thu hút nhân lực công nghệ cao, chất lượng cao vào nước ta để người dân Việt Nam có thể tiếp cận các dịch vụ khám, chữa bệnh tiên tiến nhất.
Đối với vấn đề hệ thống y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc sức khỏe cơ bản và chuyên sâu, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu kinh nghiệm của Tổ chức Y tế thế giới cũng như trên thế giới để phân tuyến chuyên môn nhưng mà vẫn đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức bộ máy chính quyền các cấp. Tuy nhiên cần làm rõ thêm mô hình y tế cơ sở, triển khai mô hình bác sĩ gia đình theo xu hướng tăng nhiều hơn.
Liên quan đến vấn đề xuất được nhiều đại biểu quan tâm và các bệnh viện rất quan tâm đó là việc xã hội hóa, liên doanh, liên kết các bệnh viện công, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho hay, vấn đề này cần phải có các giải pháp đột phá.
Hiện nay mặc dù chúng ta thực hiện Luật 2009 đã có bước chuyển rất lớn nhưng đến giờ này thì chúng ta mới có 318 bệnh viện tư thục, 38 nghìn các phòng khám tư nhân, đáp ứng 5,16% tổng số gường bệnh. Đây là một tỷ lệ rất thấp,
"Vấn đề đặt ra là giá dịch vụ bệnh viện tư, quy định theo hướng cần phải có khung giá hay để cơ sở này tự quy định? Chắc chắn phải quản lý giá dịch vụ y tế dù công hay tư, nhưng ta phải quản lý rất nhiều công cụ", Phó thủ tướng đặt vấn đề và cho rằng cần phát huy mạnh mẽ hơn các công cụ đã được quy định trong pháp luật về giá. Có quy định để hoạt động này không bị buông lỏng nhưng cũng cần thúc đẩy quyền tự chủ để y tế tư nhân phát triển tốt hơn.