Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021” |
Phát biểu điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Đoàn giám đề nghị thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo, trong đó đánh giá kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế, vướng mắc trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 thể hiện trong báo cáo đã đầy đủ, chính xác?; kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trình bày đã cân xứng?; 3 nhóm giải pháp có phù hợp?; đề nghị Thường vụ Quốc hội góp ý vào dự thảo nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã - đây là sản phẩm cuối cùng của giám sát.
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hướng tới phục vụ Nhân dân tốt hơn
Gợi ý thêm một số nội dung cần thảo luận tạo sự thống nhất, đồng thuận cao giữa Chính phủ và Đoàn giám sát, làm cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá kỹ hơn kết quả giám sát, đánh giá kết quả đạt được nổi bật so với mục tiêu có đạt được, cần nêu rõ hơn về định tính, định lượng.
Làm rõ hơn về mục tiêu tinh gọn biên chế, tinh gọn bộ máy, bao nhiêu biên chế được tinh giản, tại sao đến nay vẫn còn tồn đọng hơn 3.000 cán bộ cấp xã dôi dư chưa được bố trí, sắp xếp; kinh phí tiết kiệm bao nhiêu từ chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, số liệu trong báo cáo của Đoàn giám sát đã nêu nhưng vẫn cần cụ thể, chi tiết hơn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, sắp xếp không phải là để sắp xếp mà mục tiêu cuối cùng là nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Sau khi sắp xếp, các chỉ tiêu đo lường đánh giá cái này như thế nào trong mấy năm vừa qua, đặc biệt mục tiêu cuối cùng của việc sắp xếp là phục vụ người dân ra sao. Khi sắp xếp, các thiết chế về văn hóa, giáo dục có đáp ứng được yêu cầu phục vụ Nhân dân không, sau sắp xếp có phải mở thêm điểm trường, mở thêm điểm y tế xã, trong khi nhiều trụ sở, tài sản đang bỏ, không sử dụng được, cần làm rõ vấn đề này trong dự thảo nghị quyết.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu gợi ý một số nội dung thảo luận. |
Bên cạnh đó, báo cáo giám sát cũng cần đánh giá kết quả sát nhập, việc phục vụ người dân tại các địa phương có diện tích lớn và địa phương có diện tích nhỏ, nhất là tại những huyện miền núi, biên giới, hải đảo, việc cung cấp dịch vụ công cho người dân, y tế, giáo dục, các thiết chế khác, đảm bảo quốc phòng, an ninh, có điểm nào bảo thủ, trì trệ, hoặc nóng vội, bài học rút ra cho giai đoạn sắp tới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng băn khoăn về việc sắp xếp đơn vị hành chính ở nông thôn nhập vào các đơn vị hành chính ở đô thị, có nhiều địa phương sau sắp xếp chưa đạt 50% chất lượng tiêu chí đô thị; đề nghị báo cáo giám sát nêu rõ vấn đề này cho giai đoạn tới.
Ngoài ra, tại Điều 2 của dự thảo Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nêu quy hoạch tổng thể quốc gia về hành chính, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Nghị quyết đề cập đến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, việc đưa nội dung quy hoạch tổng thể quốc gia về hành chính liệu có thuộc phạm vi chuyên đề này không?.
Sau sắp xếp, công việc nhiều hơn nhưng chế độ, chính sách không tăng
Thảo luận về các nội dung cụ thể của báo cáo và dự thảo nghị quyết, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao kết quả đoàn giám sát phản ánh nhiều số liệu quan trọng để Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoạch định chính sách trong thời gian tới; báo cáo đã phản ánh rõ nét bức tranh sát nhập đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện, kết quả đạt được, khó khăn hạn chế, các vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện…
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh thống nhất với nhiều nội dung của báo cáo giám sát tuy nhiên đề nghị khi sắp xếp đơn vị hành chính cần có cơ chế đặc thù riêng ở từng địa phương, không áp dụng đồng đều giữa địa phương có diện tích lớn, đơn vị hành chính nhiều, số dân đông với địa phương có số dân ít, diện tích nhỏ. Bên cạnh đó, sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, số lượng dân tăng, địa bàn quản lý lớn, công việc nhiều hơn nhưng chế độ chính sách cho cán bộ không tăng, thậm chí có nơi giảm đi.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cũng lo ngại, tại các đơn vị lớn sau khi sát nhập, số lượng hộ dân lớn, nhưng cách thức vận hành cũ, chức năng, nhiệm vụ cho cán bộ không chuyên trách, tổ dân phố không thay đổi trong trong điều kiện đô thị thay đổi thì mục tiêu của sắp xếp là nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước không cao.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh góp ý vào Báo cáo giám sát về sát nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. |
Một số thành viên cũng bày tỏ băn khoăn, thời điểm từ khi triển khai sát nhập đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021 đến nay chưa nhiều, có những văn bản mới ban hành, chưa kể độ trễ trong thực hiện văn bản vì vậy chưa đủ độ lùi cần thiết để đánh giá sâu sắc kết quả tác động của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Mặc dù báo cáo của Đoàn giám sát đánh giá hiệu quả việc tổ chức sắp xếp nhưng một số ý kiến cho rằng chưa thể đánh giá toàn diện các vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy, về con người, đặc biệt là các thiết chế của địa phương. Do vậy, trong dự thảo Nghị quyết cần đề cập đến vấn đề này, từ đó làm cơ sở cho giai đoạn 2022-2030 có tiếp tục triển khai hay không, nếu có thì hình thức, lộ trình phù hợp.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K’đăm băn khoăn việc tinh giản biên chế nếu không cẩn thận sẽ có thể ảnh hưởng đến cán bộ là người dân tộc thiểu số ở các vùng dân tộc thiểu số. Vì vậy, việc sắp xếp, tinh giản biên chế cần lưu ý quan tâm, đảm bảo có cán bộ là người dân tộc thiểu số ở vùng dân tộc thiếu số từ cấp thôn, bản, xã, huyện.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cần thực hiện theo lộ trình, vấn đề đã chin, đã rõ thì triển khai trước, vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau thì cần triển khai từng bước, với mục tiêu việc sát nhập cần đảm bảo sự đồng thuận, ổn định đời sống, đảm bảo sự đoàn kết, đồng bộ, nhịp nhàng.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K’đăm khẳng định việc sắp xếp phải đảm bảo đồng bộ, việc bố trí con người phù hợp với bộ máy tổng thể, tránh tình trạng sát nhập, dôi dư nên cho cán bộ nghỉ; địa bàn rộng nhưng số lượng cấp phó bằng với địa bàn có phạm vi, quy mô nhỏ hơn; mô hình thôn, buôn, tổ dân phố là mô hình tự quản nhưng lại giao nhiều việc của cấp hành chính đối với cấp này, nhưng việc hỗ trợ chế độ lại rất khiêm tốn. Do vậy, trong thời gian tới khi sát nhập, cần giao việc đúng, xác định rõ trách nhiệm, vị trí công việc phù hợp, hiệu quả, hướng tới mục tiêu cuối cùng là con người – con người phải tự nguyện, tự giác, tự tin làm việc.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại Phiên họp. |
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình thêm một số vấn đề liên quan. Theo đó, Bộ trưởng bảy tỏ thống nhất rất cao với dự thảo Báo cáo giám sát về thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Kết quả giám sát hết sức toàn diện, sâu sắc, kỹ lưỡng, chất lượng, cách thức tổ chức giám sát bài bản, chặt chẽ, khách quan, bám sát với thực tiễn, dân chủ; Đoàn giám sát đã trực tiếp làm việc, khảo sát, lắng nghe, đối thoại nhiều chiều với địa phương, cơ sở, đối tượng tác động trực tiếp…
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết, trên cơ sở kết quả, hạn chế và những kiến nghị được nêu trong báo cáo của Đoàn giám sát, Bộ Nội vụ kiến nghị ngay sau Phiên họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát thực hiện nghị các Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021.
Theo đó, ban hành Nghị quyết để tiếp tục thực hiện việc sắp xếp giai đoạn 2022-2026; đồng thời xem xét sớm thông qua Tờ trình Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị quyết 1211, cũng như Nghị quyết 1210 của Chính phủ về tiêu chuẩn đơn vị hành chính, phân loại đơn vị hành chính, phân loại đô thị - hiện đang được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sát sao, đã sẵn sàng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong thời gian tới. Việc hoàn thiện các văn bản này cũng tạo điều kiện để Bộ Nội vụ tiến hành tham mưu cho Chính phủ theo thẩm quyền triển khai thực hiện.
Về phía Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định sẽ phối hợp với Bộ liên quan sớm tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành những chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định. Đối với vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ quyết định, Bộ Nội vụ sẽ báo cáo Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung một số nghị định, thông tư liên quan để triển khai kịp thời cho giai đoạn 2022-2025…
Cũng tại Phiên họp, đại diện lãnh đạo một số bộ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã giải trình làm rõ một số vấn đề thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu liên quan đến tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy, việc sát nhập đơn vị hành chính nông thôn vào đô thị.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận nội dung phiên họp. |
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, với tinh thần làm việc rất khẩn trương, nghiêm túc, phiên thảo luân đã có 11 lượt ý kiến phát biểu góp ý vào Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo nghị quyết do Đoàn giám sát trình Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Hội nghị đã nghe ý kiến phát biểu của đồng chí Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ đạo sâu sắc, cụ thể về những vấn đề cần làm rõ hơn, bài học kinh nghiệm, kiến nghị trong giai đoạn tới bảo đảm tính khả thi. Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã phát biểu nhiều ý kiến về phía trách nhiệm của Chính phủ và tham gia ý kiến về trách nhiệm Chính phủ trong thời gian tới.
Các đồng chí Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, các bộ, ngành có liên quan, đồng chí đại diện Thường trực Đoàn giám sát đã làm rõ thêm và tiếp thu, giải trình nhiều nội dung. Về cơ bản các ý kiến phát biểu đánh giá cao tinh thần trách nhiệm cầu thị của Đoàn giám sát trong việc thực hiện nhiệm vụ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao.
Đoàn giám sát đã cơ bản hoàn thành được mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu. Hồ sơ báo cáo gồm nhiều tài liệu được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, được Chính phủ, các Bộ, ngành tham gia ý kiến, cơ bản thống nhất, trong đó nêu rõ kết quả tồn tại, hạn chế trên tất cả các mặt với nhiều số liệu cụ thể, bao quát các nội dung yêu cầu của việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021.
Các nội dung nhận định, đánh giá trong dự thảo báo cáo cơ bản có cơ sở và sát với tình hình thực tế được các Bộ, ngành và địa phương khẳng định. Những kiến nghị, giải pháp được đề xuất chia thành các nhóm có trước mắt và lâu dài, cơ bản có tính khả thi.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua nguyên tắc và tư tưởng chung của Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã |
Đồng chí Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo các Bộ đã góp ý cụ thể vào các nội dung của dự thảo nghị quyết. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Đoàn giám sát và cơ quan thường trực là Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc, xác đáng các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các ý kiến phát biểu tại phiên họp để hoàn chỉnh báo cáo giám sát.
Trong đó, làm rõ nhận định, đánh giá về kết quả hạn chế, vướng mắc, tồn tại và nguyên nhân trong giai đoạn vừa qua, bảo đảm khách quan, trung thực, phản ánh đúng tình hình. Từ đó rút ra nguyên nhân và bài học kinh nghiệm để áp dụng trong thời gian tới; đề xuất các giải pháp, kiến nghị bảo đảm tính khả thi, phù hợp, cụ thể, có lộ trình, có căn cứ chính trị, pháp lý và có cơ sở để tổ chức thực hiện.
Đoàn giám sát và Thường trực Ủy ban Pháp luật tiếp thu ý kiến để hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết, đánh giá rõ hơn những kết của tồn tại, hạn chế; đưa các nội dung của báo cáo vào trong dự thảo Nghị quyết đầy đủ, phù hợp và đề xuất kiến nghị trong thời gian tới.
Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua nguyên tắc và tư tưởng chung của nghị quyết, giao đoàn giám sát và Thường trực Ban Pháp luật tiếp thu ý kiến của Chính phủ, các bộ, ngành, ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn chỉnh báo cáo dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản.