Bản lĩnh chung sống với dịch Covid-19
Là tập đoàn tư nhân thực hiện việc 3T trong sản xuất suốt nhiều tháng qua với quy mô hàng ngàn công nhân viên (CNV), bà có thể cho biết những kinh nghiệm thích nghi trong cơ đại dịch mà THP đã và đang trải qua?
Bà Trần Uyên Phương Phó tổng giám đốc THP. ẢNH: NVCC |
Bà Trần Uyên Phương: Vi rút hiện nay biến chủng khó lường, biến chủng sau nguy hiểm hơn biến chủng trước nên dịch bệnh Covid-19 đã, đang và sắp tới sẽ thật sự gây nhiều khó khăn, phức tạp hơn cho xã hội, kinh tế. Đến giữa tháng 8.2021, chúng tôi cũng băn khoăn có nên dừng hay tiếp tục thực hiện 3T hay không, người lao động đã mong muốn trở về gia đình sau 1 tháng thực hiện 3T. Sau khi Nhà nước quyết định giãn cách, chúng tôi thấy rằng cần có một thông điệp và tư duy đến người lao động để họ đồng lòng. Trên 1.000 người THP hiểu rằng đây là trách nhiệm chứ không phải là vấn đề cá nhân, mà khi xã hội chưa ổn định thì chúng ta chưa thể quay về cuộc sống ổn định bình thường được.
Thông điệp THP xác định đầu tiên đến với người lao động “tồn tại là chiến thắng”, còn nếu chúng ta gục ngã thì coi như thua, bị “knock out”. Tồn tại không chỉ vì mình mà vì cộng đồng nên giải pháp đưa ra phải đảm bảo an toàn, kiểm soát phòng dịch ở mức tối đa, tìm mọi cách để duy trì chuỗi sản xuất cung ứng. Trong khi dịch diễn ra, một số nhân viên có thể làm việc ở nhà nhưng một số vị trí không thể. Nếu xác định tiếp tục chung sống với dịch thì chúng ta chọn giải pháp nào để đảm bảo cho người lao động an toàn, còn không thì sẽ gây khó khăn cho xã hội. Có an toàn thì mới giúp được người khác tồn tại, mới có thể đóng góp cho xã hội.
Bà có thể nói rõ hơn về giải pháp THP đã thích nghi như thế nào?
Mỗi công ty sẽ có chiến lược khác nhau trong bối cảnh chung sống với dịch Covid-19. Từ nhiều tháng nay, THP đã thực hiện 3T dù rằng đây là nỗi lo của nhiều doanh nghiệp khi triển khai thực hiện. Việc phòng chống dịch Covid-19 tốt hay không còn phụ thuộc vào ý thức tuân thủ của hơn 1.000 CBCNV khi thực hiện 3T. Chuẩn bị kịch bản hành động cho những tình huống mới, kể cả xấu hơn. Ưu tiên để có thể tồn tại đó là kiểm soát, phòng ngừa dịch. Dù vậy, dịch bệnh và các tình huống mới luôn có thể xảy ra ngoài dự đoán.
Để không bị động, chúng tôi sẵn sàng các kịch bản cho các tình huống mới với những nguyên tắc ứng xử và giá trị cốt lõi không thay đổi. Giá trị cốt lõi đó là sự sáng tạo, đòi hỏi hôm nay phải hơn hôm qua nhưng không bằng ngày mai. Chúng tôi liên tục đưa ra những giải pháp để có thể tồn tại chung sống với dịch. Chẳng hạn, ngay khi thực hiện việc giãn cách xã hội vào ngày 19.7, chúng tôi cũng lúng túng không biết làm sao để có thể duy trì được hơn 1.000 người ăn ngủ nghỉ tại công ty, ăn ngày 3 bữa và có thêm 1 bữa phụ. THP đã nỗ lực tìm các đối tác nhưng họ không đủ năng lực cung cấp suất ăn vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa đảm bảo đúng giờ nên cuối cùng, chúng tôi đã tự tổ chức bếp ăn và cải tiến từng ngày để vừa đảm bảo từ khẩu vị, dinh dưỡng và đúng giờ ăn mà vẫn tuân thủ 5K.
Dây chuyền sản xuất nước giải khát tại Tân Hiệp Phát theo công nghệ vô trùng Asepticx. ẢNH: T.X |
Bản lĩnh trước mọi khó khăn
Không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện ăn, ở và làm việc tại chỗ, điều này sẽ thiệt hại nhiều cho phía doanh nghiệp, thưa bà?
Tập đoàn cũng xác định rằng việc phân bổ thiệt hại, chấp nhận hy sinh lợi ích trước mắt để bảo vệ người lao động và chuỗi sản xuất cung ứng vì mục tiêu lâu dài. Dịch bệnh tạo ra nhiều khó khăn hơn khiến doanh thu sẽ giảm, thậm chí hàng tồn kho không tiêu thụ được, chi phí tăng (do chi phí nhập khẩu, xét nghiệm cao hơn), gây thiệt hại lớn cho các chủ thể tham gia chuỗi sản xuất cung ứng. Không ai tránh được thiệt hại. Thiệt hại càng lớn sẽ ảnh hưởng đến các chủ thể từ nhà cung cấp nguyên vật liệu, vật tư, người lao động, hệ thống phân phối… Thế nhưng nếu để thiệt hại xảy ra một cách tự nhiên, người lao động, nông dân sẽ rơi vào khó khăn và không thể tồn tại. Cho nên đối với THP cũng xác định sẽ chịu hy sinh quyền lợi trước mắt để bảo vệ quyền lợi của người lao động, bảo vệ chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, cũng như các chủ thể có liên quan đến THP.
Bản lĩnh hành động chưa chắc đã thắng nhưng yếu đuối, sợ hãi thì chắc chắn là thua “Phải chung sống cùng đại dịch, chúng ta những con người với giá trị cốt lõi rõ ràng sống không chỉ cho bản thân mà còn cho gia đình và xã hội. Chúng ta không có sự lựa chọn chờ đại dịch đi qua, né đại dịch hoặc sợ hãi hay khiếp sợ. Chúng ta chỉ có một lựa chọn là bản lĩnh chung sống cùng đại dịch. Bản lĩnh hành động chưa chắc đã thắng nhưng yếu đuối, sợ hãi thì chắc chắn là thua. Chúng ta đã, đang và đặt ưu tiên lợi ích lâu dài, đặt quyền lợi của người lao động lên trên và chấp nhận những khó khăn, thiệt hại trước mắt. Trong giai đoạn giãn cách, chúng ta nỗ lực liên tục tìm ra các giải pháp để 5K cũng như cách làm việc hiệu quả duy trì hoạt động của tổ chức, đảm bảo cam kết với khách hàng, cam kết với đối tác. Con người THP hiểu rằng chúng ta nỗ lực duy trì để giảm đi gánh nặng của xã hội, giúp cho tất cả những bên liên quan THP duy trì hoạt động của họ; phải bản lĩnh đương đầu, chung sống cùng đại dịch, lấy làm chỗ dựa cho gia đình, cho tổ chức. Ðó là đóng góp tốt nhất cho xã hội trong giai đoạn khó khăn này. Trần Quí Thanh - Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát |
Để duy trì sản xuất, THP cố gắng thực hiện 3 tại chỗ, lo ăn nghỉ cho người lao động, kiểm soát dịch bệnh, chi phí của doanh nghiệp tăng gấp nhiều lần, sản phẩm thì tiêu thụ khó khăn nhưng cho đến nay THP vẫn duy trì hoạt động. Chúng tôi cũng lo lắng nhưng điều này không phải là yếu tố khiến người THP dừng lại, do đó THP chọn chữ “Bản lĩnh chung sống” bởi vì ở đó có sự quyết liệt, ở đó còn đòi hỏi sự nỗ lực, chung tay của toàn thể người lao động THP nữa. Cho đến ngày hôm nay, yếu tố kỷ luật là một trong những yếu tố quan trọng để có thể duy trì được 3T, kiểm soát dịch bệnh, trong bối cảnh chi phí tăng rất nhiều.
Dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát và kéo dài từ nhiều tháng nay, không những doanh nghiệp mà cả người lao động cũng cảm thấy mệt mỏi. Ðiều gì giúp hơn 1.000 người THP thực hiện 3T trong những tháng qua, thưa bà?
Tháng đầu tiên thực hiện 3T khá suôn sẻ nhưng qua tháng thứ 2, tâm lý một số CBCNV không được thoải mái vì nhớ gia đình, con cái. Yếu tố tinh thần của người lao động rất quan trọng ngay thời điểm này. Do đó, chúng tôi đã liên tục truyền thông để mọi người hiểu thêm những kiến thức về dịch Covid-19 để chủ động bảo vệ bản thân mình tốt hơn như xịt khuẩn, khẩu trang, giữ khoảng cách… cũng như các thông tin cập nhật diễn biến tình hình của dịch Covid-19.
Chúng tôi cũng trang bị công nghệ cần thiết trong thời kỳ mới, chẳng hạn đưa vào thử nghiệm sử dụng vòng đeo tay có cảm biến phát hiện cảnh báo việc chưa tuân thủ đúng khoảng cách, nếu cần có thể truy vết nhanh việc tiếp xúc khi phát hiện F0. Làm việc ở công ty, tại nhà và quy trình như thế nào để kiểm soát trung dài hạn không bị phá vỡ.
Trong giai đoạn này, làm sao xây dựng trạng thái tinh thần mới cho người THP để vượt qua mọi khó khăn? Thời gian khó khăn còn dài, chung sống và bản lĩnh trước khó khăn không chỉ về vật chất mà cả tinh thần mới. Ở đây, chúng tôi không nói bản lĩnh chung sống cùng dịch mà nói “bản lĩnh trước mọi khó khăn” bởi chúng ta không chỉ nói về dịch bệnh nữa mà sẽ là những khó khăn về mặt tâm lý, tình trạng stress bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều. Với tình trạng stress, chúng ta không thể bình tĩnh đề ra những giải pháp tốt trong khi thời gian dịch còn kéo dài. Một vấn đề khác đó là thu nhập của người lao động. Nếu doanh nghiệp không duy trì mức lương tối thiểu hoặc những người thợ lành nghề sang những công ty khác thì sau khi dịch qua đi, vấn đề đào tạo trở lại, chi phí cho việc vận hành lại bình thường có thể còn cao hơn rất nhiều lần.
Đang có rất nhiều khó khăn trong cuộc sống do dịch Covid-19 gây ra. Để giải quyết những khó khăn như về tâm lý, giải pháp mà THP đang làm đó là truyển thông, tổ chức văn nghệ, giải trí; tạo sự yên tâm cho người lao động về sức khỏe, chăm lo đời sống, tạo điều kiện để họ chăm lo cho gia đình. Truyền thông ở đây có nghĩa là giải thích về những quy định mà phía doanh nghiệp đưa ra để họ cùng đồng lòng thực hiện. Như trên tôi đã nói, để giữ được an toàn trong thời điểm dịch thì yếu tố kỷ luật phải được tuân thủ hàng đầu. Chẳng hạn ngay khi thực hiện 3T, quy định của tập đoàn là mọi người không được đem thực phẩm, đồ dùng từ bên ngoài vào công ty. Nhiều người lao động đã phản ứng quy định này nhưng sau khi giải thích thì họ đã hiểu điều này sẽ đảm bảo an toàn không mang vi rút vào. Đến giai đoạn đầu tháng 9, đồ dùng cá nhân của người lao động mang theo không còn đủ dùng thì công ty quyết định cung cấp cả đồ dùng cá nhân. Ở đây, khi đưa ra các giải pháp đều phải có sự giải thích rõ ràng để nhận được sự đồng lòng từ phía người lao động. Một yếu tố khá quan trọng trong giai đoạn này đó là người lãnh đạo luôn luôn xuất hiện, chung sức, cùng làm với mọi người.
Giá trị cốt lõi khiến Phương tự hào nhất về con người THP trong mùa dịch chính là tinh thần vượt qua thử thách, hay ở THP chúng tôi gọi là tinh thần “Không gì là không thể” điều này được thể hiện hiệu quả trong những ngày làm việc khi giãn cách xã hội. Toàn thể CBCNV đã thích nghi với công việc, cải tiến dịch vụ, cải tiến quy trình để phù hợp với thời điểm hiện tại để hiệu quả công việc được tốt nhất.
Kịch bản nào trong thời gian tới?
Cũng vào thời điểm này năm ngoái, bà có đưa ra một đánh giá về tình hình dịch Covid-19 sẽ kéo dài từ 12 - 24 tháng và cần có giải pháp bền vững cho doanh nghiệp là cần thiết. Vậy theo bà kịch bản nào cho thời gian tới?
Tân Hiệp Phát tổ chức 3T nhiều tháng nay để duy trì hoạt động sản xuất, cung ứng sản phẩm ra thị trường. ẢNH: T.X |
Bà Trần Uyên Phương: Được sự đồng ý của Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos, Phương có thể chia sẻ thông tin 4 kịch bản chính về tương lai của thế giới và trong đó có Việt Nam. Những kịch bản này chủ yếu dựa trên 2 yếu tố là kinh tế và kiểm soát dịch Covid-19.
Kịch bản đầu tiên là quen thuộc, mọi thứ trở lại trạng thái như lúc trước. Nhìn chung, ở kịch bản này có những bức tranh về xã hội và kinh tế sẽ gần giống như những gì đã diễn ra ở năm 2019. Mặc dù, vẫn có sự phát triển tuy nhiên bước tiến của xã hội cũng có phần bị đình trệ, vẫn có sự căng thẳng về quan hệ quốc tế tiếp diễn, không có hướng đi rõ ràng chắc chắn về các phương thức kinh doanh hoặc chính trị mới. Tập trung vào việc phát triển kinh tế hiện tại thay vì những đầu tư, hoạch định dài hạn cho tương lai. Ở kịch bản này, tình trạng thất nghiệp sẽ là một vấn đề lớn ở nhiều quốc gia có dân số trẻ trong khi đó, những người trẻ và cầu tiến sẽ có xu hướng “bất mãn”, nhưng những người lớn tuổi hơn sẽ cảm thấy hài lòng khi được “quay lại trạng thái bình thường”. Xã hội sẽ ít ổn định hơn trước.
Ở kịch bản thứ 2 là bảo vệ xã hội hiện tại, nền kinh tế chậm phát triển hoặc trì trệ, trọng tâm là những vấn đề trong nước. Chuỗi cung ứng bị hạn chế hơn, cơ cấu thị trường được thiết lập lại linh hoạt hơn và chủ yếu dựa vào tiềm lực trong nước. Các sản phẩm nội địa phát triển, những sản phẩm mới phát triển theo hướng chú trọng sự đơn giản, cơ bản và thiết yếu. Không có sự tiến bộ về mặt toàn cầu hóa, cơ hội cho những nhãn hàng mang tính chủ nghĩa dân tộc.
Kịch bản thứ 3 là xã hội biến đổi tiêu cực. Nền kinh tế phục hồi nhưng chưa được kiểm soát, không phải phù hợp cho tất cả mọi người. Một số nước sẽ áp dụng một số hình thức về an sinh xã hội - UBI, chính sách về thuế, chính sách việc làm; thay đổi trọng tâm về phát triển kinh doanh sang giải quyết các vấn đề xã hội; chuỗi cung ứng minh bạch. Kịch bản này nếu xảy ra, thay đổi trọng tâm về phát triển kinh doanh sang giải quyết các vấn đề xã hội.
Và kịch bản cuối cùng đó là đi vào tình trạng đổ vỡ, mong manh. Nền kinh tế chậm phát triển và sự sụp đổ của hệ sinh thái, cách vận hành của quốc gia tạo ra một xã hội cực đoan. Người dân hướng đến những nhu cầu cơ bản nhất và những ý tưởng mới sẽ phải bắt đầu từ nền tảng cơ bản nhất. Ở kịch bản này, những vấn đề liên quan đến môi trường sẽ không còn quan trọng bằng việc Chính phủ phải đối phó với tình trạng bất ổn của kinh tế và xã hội.
Qua 4 phân tích trên, quan điểm của Ipsos đối với Việt Nam cho đến năm 2025, Việt Nam không nằm trong 4 kịch bản nào ở trên mà là sự kết hợp ở giữa kịch bản số 1 và 4, đó là sức mạnh quen thuộc và tiềm lực nội địa. Xu hướng người tiêu dùng trong tương lai đó là có sự lựa chọn nhãn hàng, sản phẩm có đạo đức, chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ tốt nhất cho cộng đồng. Ảnh hưởng thu nhập giảm nên người tiêu dùng sẽ giảm chi tiêu những sản phẩm không thiết yếu hoặc được xem là không tốt cho sức khỏe. Người tiêu dùng mua hàng dựa trên giá trị, lợi ích sản phẩm mang lại và đặt sức khỏe là trọng tâm. Những dịch vụ xa xỉ sẽ chuyển sang hướng cung cấp tại nhà; bán hàng qua online phát triển.
Không tiếp xúc là xu hướng sắp tới ngay cả trong việc thanh toán mua sắm. Người tiêu dùng tìm kiếm những hình thức bán lẻ không tiếp xúc do đó giao dịch trên sàn thương mại điện tử sẽ tăng trưởng, trong đó mua sắm qua livestream có cơ hội phát triển nhiều hơn.
Với những phân tích các kịch bản như trên, mỗi công ty sẽ có ứng dụng cụ thể, cũng như hoạch định chiến lược phát triển, sáng tạo để thích nghi với người tiêu dùng và môi trường kinh doanh, chung sống với dịch Covid-19.