Toàn cảnh Hội thảo “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”. |
Hội thảo “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 31/3.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng khẳng định: Luật Quy hoạch đã được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2017 đã đưa ra nhiều điểm, cách tiếp cận, cách làm, phương pháp mới trong công tác quy hoạch của nước ta.
Với phạm vi, đối tượng quy hoạch rộng tới tất các ngành, lĩnh vực, trải rộng khắp phạm vi cả nước, nhiều ngành, địa phương còn lúng túng trong triển khai thực hiện. Để pháp luật về quy hoạch có thể triển khai được và được thực thi đồng bộ, thống nhất trong cả nước, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch từ khi có Luật Quy hoạch đến nay”.
Được sự đồng ý của Lãnh đạo Quốc hội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Hội thảo khoa học để lấy ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia, cán bộ quản lý một số cơ quan, bộ ngành Trung ương và địa phương về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch từ khi có Luật Quy hoạch đến nay.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam bày tỏ vui mừng được Quốc hội tin tưởng, lựa chọn, giao nhiệm vụ cho đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam thực hiện chức năng tư vấn, phản biện, lấy ý kiến đóng góp cho những vấn đề Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng khẳng định: Liên hiệp là tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức Khoa học và Công nghệ Việt Nam, là ngôi nhà chung tập hợp đông đảo chuyên gia, trí thức ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau để tư vấn, phản biện, đóng góp ý kiến khoa học, khách quan, kịp thời về chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các dự án đầu tư trọng điểm có ảnh hưởng lớn đến xã hội.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng phát biểu khai mạc tại Hội thảo. |
Trong nhiều năm qua, hoạt động tư vấn, phản biện đã được quan tâm, chú trọng tại Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ở cả Trung ương và địa phương. Đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ đã tập trung nghiên cứu, đóng góp nhiều ý kiến quý báu cho việc xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; các chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, bảo vệ môi trường, y tế, an sinh xã hội, các dự án đầu tư trọng điểm; các vấn đề mà cần sự vào cuộc của trí thức khoa học và công nghệ, góp phần thực hiện có hiệu quả các dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước, các bộ ngành, địa phương. Hoạt động này đã và đang trở thành một kênh thông tin tin cậy giúp Đảng và Nhà nước khi xem xét quyết định các vấn đề quan trọng.
Theo Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng, trong năm 2021, mặc dù dịch bệnh covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội nước ta, tuy nhiên hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vẫn được duy trì và triển khai tương đối toàn diện.
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức góp ý vào các đề án Quy hoạch Mạng lưới đường sắt, đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” theo đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải; tổ chức Hội thảo "Trách nhiệm của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong việc ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch Covid-19" và góp ý vào rất nhiều dự thảo, chính sách quan trọng khác.
Nội dung góp ý của các nhà khoa học tại các hội thảo đã được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổng hợp đầy đủ gửi tới các cơ quan Chính phủ, bộ ngành nghiên cứu, tiếp thu, được đánh giá rất cao. Các đề án về Quy hoạch giao thông đã được Bộ Giao thông Vận tải tiếp thu nghiêm túc, chỉnh sửa Đề án để trình Chính phủ.
Với sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, đại diện Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan, Bộ ngành; đặc biệt là sự tham dự của đông đảo các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học tâm huyết, trách nhiệm với Đảng, đất nước, chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến sâu sắc, khách quan, khoa học đóng góp cho Luật Quy hoạch; cho việc triển khai thực thi chính sách, pháp luật về quy hoạch của nước ta trong bối cảnh hiện nay và thời gian tới.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam mong rằng, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã đặt niềm tin vào đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ nước nhà thì Liên hiệp sẽ làm tốt cầu nối giữa đội ngũ trí thức với Đảng, với Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương ngày càng tốt hơn nữa; đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ sẽ có đóng góp nhiều hơn nữa vào việc thực hiện sứ mệnh cao cả của mình đối với đất nước, với dân tộc, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng hùng cường, giàu mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo. |
Thay mặt cho Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực quy hoạch của đất nước đã tham dự Hội thảo về nội dung hết sức quan trọng, phục vụ trực tiếp chuyên đề giám sát tối cao đầu tiên của Quốc hội Khoá XV.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, quy hoạch có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của đất nước nói chung, phát triển kinh tế - xã hội nói riêng. Quy hoạch vừa là tiền đề nhưng đồng thời cũng là động lực cho sự phát triển. Vì vậy, quy hoạch bao giờ cũng phải có tính dài hơi và phải đi trước một bước. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch phải luôn luôn được coi là nhiệm vụ hàng đầu trong quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Quy hoạch và quản lý quy hoạch đã được lập từ nhiều năm nay. Đến năm 2017, Quốc hội đã ban hành Luật Quy hoạch và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật Quy hoạch đã bộc lộ nhiều lúng túng. Do đó, ngày 16/8/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 giải thích một số nội dung của Luật Quy hoạch để gỡ vướng mắc, cho phép lập quy hoạch song song; đồng thời, quy hoạch nào xong trước thì phê duyệt trước, sau đó sẽ điều chỉnh theo nguyên tắc quy hoạch cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch cấp trên.
Cùng với Luật Quy hoạch và Nghị quyết số 751 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thời gian qua, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung 73 luật có liên quan. Thực tế hiện nay, công tác quy hoạch vẫn đang được điều chỉnh bởi 3 Luật gồm: Luật Quy hoạch (gồm Quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh), quy hoạch nông thôn được lập theo Luật Quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị được lập theo Luật Quy hoạch đô thị.
Riêng với 5 thành phố trực thuộc Trung ương có hai loại quy hoạch tỉnh gồm: quy hoạch chung được lập theo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch tổng thể được lập theo quy định của Luật Quy hoạch.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, quy hoạch có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của đất nước nói chung, phát triển kinh tế - xã hội nói riêng. |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, quá trình triển khai công tác quy hoạch vừa qua có hai vấn đề lớn khiến Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, cử tri và Nhân dân còn lo lắng, băn khoăn. Một là, tiến độ lập quy hoạch còn chậm.
Luật đã có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2019 nhưng đến nay hầu hết các quy hoạch phải lập theo Luật Quy hoạch đều chưa được phê duyệt. Hiện mới chỉ có 1 quy hoạch quốc gia về sử dụng đất, 4 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông, 1 quy hoạch vùng đồng bằng Sông Cửu Long và 1 quy hoạch tỉnh Bắc Giang… được phê duyệt.
Dự báo lý tưởng nhất là đến hết năm 2022, các quy hoạch còn lại mới hoàn thành. Nhiều vướng mắc dẫn đến sự chậm trễ này cũng đã được Đoàn giám sát của Quốc hội ghi nhận khi làm việc với các bộ, ngành, địa phương và Chính phủ như: vấn đề kinh phí, tư vấn, các văn bản hướng dẫn thi hành… Việc chậm trễ như vậy ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của các địa phương?
Bên cạnh đó, vì chưa hoàn thành các quy hoạch theo Luật Quy hoạch nên một mặt vẫn đang triển khai lập quy hoạch mới, một mặt các quy hoạch cũ vẫn được phép sử dụng và sẽ điều chỉnh. Vậy hai hệ thống này sẽ chạy song song đến bao giờ? Hai là, chất lượng của các quy hoạch có đáp ứng được yêu cầu kiến tạo sự phát triển của đất nước hay không?
Theo chương trình, Đoàn giám sát của Quốc hội sẽ báo cáo kết quả giám sát tại Phiên họp tháng 4/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao sáng kiến của Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức hội thảo.
Với tinh thần khách quan, cởi mở, dân chủ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học rất am tường lĩnh vực quy hoạch về thực trạng công tác quy hoạch hiện nay, chỉ ra vấn đề nào là vướng mắc, bất cập của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, vấn đề nào do tổ chức thực hiện và quan trọng nhất, với thực trạng như vậy thì kiến nghị, đề xuất giải pháp gì để tháo gỡ, khắc phục.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, chuyên đề giám sát phải làm rõ “chúng ta đã làm thế nào”, tức là Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan đã triển khai chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch như thế nào, những kết quả tích cực phải khẳng định, những vấn đề vướng mắc, bất cập phải chỉ rõ và kiến nghị các giải pháp, không đổ lỗi cho ai mà phải hết sức khách quan, thẳng thắn, trách nhiệm vì sự phát triển của đất nước để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã cho ý kiến, đề xuất khi đề cập về một số nội dung như: Đánh giá về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành; Thực trạng và thách thức về công tác quy hoạch từ sau Luật Quy hoạch 2017; Đóng góp ý kiến cho công tác xây dựng và thực hiện Quy hoạch ở Việt Nam...
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy phát biểu kết luận Hội thảo. |
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đánh giá cao những ý kiến đóng góp, đề xuất của các nhà khoa học, chuyên gia đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Các ý kiến đều đã nêu được những kết quả đạt được cũng như khó khăn, thách thức, qua đó đề xuất có những giải pháp thiết thực, hữu ích để đẩy nhanh công tác quy hoạch và đảm bảo chất lượng quy hoạch.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Đoàn giám sát của Quốc hội sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch./.