Hà Nội: Dự kiến trồng mới hơn 400 nghìn cây dịp Tết trồng cây |
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trồng cây đầu Xuân Tân Sửu tại Quảng Bình. (Ảnh: Nhân dân) |
Ngày 18/2, tại xã Quang Phú (thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ Xuân Tân Sửu 2021. Đến dự có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở Trung ương, của tỉnh Quảng Bình một số tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nêu rõ: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm sâu sắc đến môi trường, Người căn dặn nhân dân phải tích cực trồng cây, gây rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Vào mùa Xuân Canh Tý năm 1960 Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động Tết trồng cây đầu tiên. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, từ đó đến nay, cứ mỗi độ Xuân về, nhân dân ta lại tổ chức “Tết trồng cây” làm theo lời Bác.
Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong những năm gần đây sự biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan đã và đang tác động tiêu cực đến nhiều vùng miền trên cả nước. Năm 2020, các tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Bình đã phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề do bão, lũ gây ra. Do đó, việc trồng cây, trồng rừng ngày càng có ý nghĩa chiến lược to lớn và hết sức quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Tiếp đó, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí trong cả nước hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng, tích cực hưởng ứng sáng kiến trồng mới một tỷ cây xanh trong năm năm tới do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Tại lễ phát động, đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giai đoạn 2016-2020, cả nước trồng bình quân 227 nghìn ha rừng tập trung và 67 triệu cây phân tán mỗi năm. Riêng năm 2020 dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, song nước ta vẫn trồng được hơn 230 nghìn ha rừng trồng tập trung và 80 triệu cây phân tán, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%; giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 13,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với năm 2019. Giai đoạn 2021-2025, ngành lâm nghiệp tiếp tục nâng cao chất lượng và ổn định tỷ lệ che phủ rừng cả nước ở mức 42%; phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu lâm sản 20 tỷ USD, đạt sản lượng gỗ rừng trồng tập trung là 35 triệu m3 mỗi năm.
Đại diện Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị: Để phát huy thế mạnh của Quảng Bình, tỉnh cần tiếp tục tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật về lâm nghiệp, làm cho pháp luật trở thành thói quen ứng xử trong xã hội. Các địa phương trong tỉnh cần tổ chức rà soát quỹ đất, xây dựng kế hoạch chi tiết và triển khai đồng bộ chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; phân công trách nhiệm cụ thể quản lý bảo vệ và chăm sóc, đảm bảo cây trồng, rừng trồng chất lượng cao; chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô hanh.
Các cấp, các ngành và địa phương cơ sở cần quyết liệt chỉ đạo, tổ chức thực hiện các hành động thiết thực về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngay đầu năm 2021; chung tay, góp sức trồng cây, trồng rừng đầu Xuân Tân Sửu; phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, làm cho đất nước ta ngày càng thêm xanh, góp phần ứng phó biến đổi khí hậu, thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình Trần Thắng cho biết: Hiện nay, Quảng Bình có nhiều lợi thế về tài nguyên rừng và đất đai. Trong những năm qua Quảng Bình đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả; năm 2020, tỉnh trồng 8,1 nghìn hecta rừng tập trung, đạt sản lượng gỗ khai thác là 450.000m3; công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng được quan tâm, đạt tỷ lệ che phủ rừng 68%, đứng thứ hai cả nước.
Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII đã xác định các mục tiêu, giải pháp đột phá trong thời gian tới, trong đó: giá trị sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản tăng 3,5- 4%/năm; phát triển lâm nghiệp theo hướng tăng cường quản lý bảo vệ rừng gắn với dịch vụ môi trường rừng; chú trọng trồng rừng gỗ lớn; ổn định độ che phủ của rừng 68%...
Sau lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Tân Sửu, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dâng hương tại đền thờ Bác Hồ và các Anh hùng liệt sỹ tỉnh Quảng Bình; thăm và tặng quà tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật thành phố Đồng Hới…/.