IFC - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) - vừa chính thức ký hợp tác với Công ty Cổ phần Giao nhận và Vận chuyển In Do Trần (ITL Corp) của Việt Nam trong việc cung cấp khoản vay trị giá 70 triệu USD.
Cụ thể, khoản đầu tư mà IFC cung cấp nhằm hỗ trợ phát triển ngành kho vận, qua đó, sẽ góp phần thúc đẩy thương mại và tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo IFC, hiện ngành kho vận Việt Nam trong những năm gần đây đã có nhiều dấu hiệu tăng trưởng, nhờ vào việc thu hút mức đầu tư nước ngoài cao kỷ lục và chủ yếu trong ngành sản xuất và chế biến - hai ngành là thế mạnh lớn của Việt Nam và cần có hoạt động kho vận mạnh mẽ.
Doanh nghiệp kinh doanh kho vận còn nhiều khó khăn
Tuy nhiên, ngành còn phân tán với trên 95% số đơn vị cung cấp dịch vụ là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước với phạm vi hoạt động khiêm tốn và năng lực cạnh tranh chưa cao. Do vậy, chính phủ đang thực hiện một kế hoạch toàn diện để thúc đẩy năng lực cạnh tranh của các công ty kho vận trong nước.
Đại diện IFC cho biết: “Gói tài trợ của IFC – khoản đầu tư đầu tiên vào ngành kho vận của Việt Nam – được thực hiện đúng vào thời điểm khan hiếm các nguồn tài trợ dài hạn do tác động của đại dịch Covid-19. Khoản vay này sẽ giúp ITL Corp chuyển đổi và tăng trưởng thông qua việc bổ sung tài sản, phát triển kho bãi và cơ sở vật chất mới và triển khai các hệ thống công nghệ thông tin tiên tiến”.
Công ty cổ phần Tổng công ty May Bắc Giang LGG sản xuất thiết bị bảo hộ cá nhân cũng vừa nhận được khoản giải ngân từ gói tài chính toàn cầu trị giá 1 tỷ USD của ngân hàng Standard Chartered, nhằm hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19.
Ông Lưu Tiến Chung, Tổng giám đốc May Bắc Giang LGG cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục gây ra những ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe người dân trên toàn thế giới, việc tăng cường nguồn cung trang thiết bị bảo hộ có thể góp phần to lớn vào việc bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của mọi người.
Tổng Công ty May Bắc Giang LGG
Với năng lực sản xuất của May Bắc Giang LGG có thể đóng một vai trò tích cực trong công tác phòng chống đại dịch và đã đưa thêm sản phẩm khẩu trang vải vào dây chuyền sản xuất.
Ông Lưu Tiến Chung chia sẻ: "Khoản tín dụng của Ngân hàng Standard Chartered sẽ hỗ trợ cho May Bắc Giang LGG mở rộng hoạt động sản xuất, để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng về các trang thiết bị bảo hộ tại nhiều quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch,".
Trước đó, vào tháng 3/2020, Ngân hàng Standard Chartered đã triển khai gói tài chính với lãi suất ưu đãi, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp sản phẩm và dịch vụ phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19. Gói tài chính này dành cho công ty sản xuất và phân phối trong lĩnh vực dược phẩm và chăm sóc sức khỏe; công ty không hoạt động trong lĩnh vực y tế nhưng tham gia sản xuất sản phẩm như máy thở, khẩu trang, dụng cụ bảo hộ, dung dịch sát khuẩn và mặt hàng tiêu dùng phòng chống dịch. Các doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực khác nhưng có kế hoạch mở rộng sản xuất sang các sản phẩm phòng chống dịch cũng có thể nhận được sự hỗ trợ từ gói tài chính này.
May Bắc Giang LGG là doanh nghiệp may mặc có quy mô lớn tại Việt Nam nhận được khoản tín dụng có hạn mức 63 tỷ đồng (tương đương khoảng 2,7 triệu USD) làm vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất khẩu trang vải, nhằm đáp ứng nhu cầu trang thiết bị bảo hộ cá nhân trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 trên toàn cầu của Ngân hàng Standard Chartered. Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered tại Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á cho biết, thông qua gói hỗ trợ này, ngân hàng chung tay với May Bắc Giang LGG trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19.
Hà Anh