![]() |
Quang cảnh Hội nghị |
Trước yêu cầu của tình hình mới, lực lượng QLTT đã được tổ chức lại theo mô hình ngành dọc từ trung ương đến địa phương, bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng Bộ Công Thương theo nguyên tắc tập trung thống nhất. Đến nay, Tổng cục đã hoàn thành việc sắp xếp tổ chức, bổ nhiệm cán bộ toàn lực lượng, ổn định tư tưởng cho công chức, người lao động để tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn.
Về công tác chuyên môn, ngay từ đầu năm, Tổng cục QLTT đã đặt mục tiêu tập trung vào chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và chống gian lận thương mại trên môi trường internet. Ngoài ra, phối hợp với các lực lượng làm tốt công tác chống buôn lậu và những hành vi gian lận thương mại mới như xuất xứ hàng hóa và an toàn thực phẩm... Tuy nhiên, đến cuối tháng 1, đầu tháng 2/2020, dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam đã làm ảnh hưởng đến kế hoạch từ đầu năm của Tổng cục, song, lực lượng đã nhanh chóng thể hiện là đơn vị xung kích, tiên phong trong công tác chống dịch.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh, sau khi tổ chức lại hệ thống các cơ quan QLTT theo ngành dọc, lần đầu tiên, lực lượng đã có những chiến dịch, có đề án mang tính tổng thể, toàn diện, đấu tranh đánh trực diện vào những trung tâm đầu nậu, trọng điểm về hàng lậu, hàng giả, tạo tiếng vang lớn.
Triệt phá nhiều "sào huyệt" về buôn lậu, hàng giả
Theo báo cáo của Tổng cục QLTT, trong năm 2020 vừa qua, nhờ sự phối hợp đồng bộ và chỉ đạo quyết liệt, công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại đã đạt được những kết quả rõ nét.
Theo đó năm 2020, lực lượng QLTT phát hiện, xử lý trên 66 nghìn vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước trên 352,15 tỷ đồng; trị giá hàng tịch thu chưa bán (ước tính) trên 136 tỷ đồng. Trị giá hàng hoá vi phạm (ước tính) trên: 392 tỷ đồng. Trong đó, đã chuyển cơ quan điều tra, xem xét trách nhiệm hình sự đối 157 vụ; đã xử lý 26 vụ; đang xem xét 81; 50 vụ được chuyển trả để xử lý vi phạm hành chính.
![]() |
Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh báo cáo tại Hội nghị |
Trong đó, lực lượng QLTT đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc lớn, nổi cộm, tấn công, triệt phá các đường dây ổ nhóm như: xử lý tổng kho buôn lậu hơn 10.000m2 tại 145 Hoàng Diệu, thành phố Lào Cai; kiểm tra tạm giữ hàng chục nghìn xuất bản phẩm và sách giáo khoa không rõ nguồn gốc tại Hà Nội; thu giữ 36.000 viên hồng phiến và 04 kg ma tuý tổng hợp tại Hà Tĩnh; phát hiện gần 1 triệu khẩu trang y tế do Việt Nam sản xuất không hóa đơn, chứng từ tại Quảng Bình; kiểm tra xưởng sản xuất 2.000m2 sản xuất khẩu trang và gia công găng tay cao su có dấu hiệu đã qua sử dụng với số lượng lớn tại Hòa Bình;
Tổ chức kiểm tra, xử lý các điểm nóng và kinh doanh hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Trung tâm thương mại Sài Gòn Square, chợ Bến Thành, chợ Ninh Hiệp, Quận Hoàn Kiếm, phát hiện 24 tấn nội tạng lợn bị nhiễm vi khuẩn dịch tả lợn Châu Phi tại Hải phòng; phát hiện tụ điểm phân loại, sơ chế găng tay y tế Bình Dương...
Nhiều vụ việc điển hình vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại tại các địa phương như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Quảng Ninh, An Giang, Bình Dương, Hà Tĩnh, Thanh Hóa... đã được lực lượng QLTT phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, hàng giả, hàng nhái tại thị trường nội địa có mặt từ các cửa hàng tạp hóa, các chợ truyền thống, đến hè phố các đô thị, thậm chí trà trộn vào cả những siêu thị cao cấp ở những khu đô thị.
Hầu hết các nhãn hàng, các hãng sản xuất có uy tín, có thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái dưới dạng sao chép kiểu dáng, các chỉ dẫn địa lý giả mạo, xâm phạm nhãn hiệu như: Adidas, Dior, Gucci, Chanel, Hermes, Louis Vuitton… tập trung nhiều vào các mặt hàng thời trang như quần áo, giày dép, túi ví, thắt lưng, đồng hồ...
“Vấn nạn này còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng khi xâm hại cả vào lĩnh vực thực phẩm như: đồ ăn, đồ uống, thuốc chữa bệnh... qua cả các con đường kinh doanh xuất nhập khẩu hợp pháp và bất hợp pháp,” ông Trần Hữu Linh thông tin.
Đánh đúng, trúng đường dây, tụ điểm phức tạp
Tham luận tại Hội nghị Thiếu tướng Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, đánh giá cao công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại trong năm 2020 của lực lượng chức năng. Theo đó, ở biên giới đã kiểm soát được các đường mòn, lối mở và không phát sinh đường dây, ổ nhóm lớn, còn tại nội địa cũng đã cơ bản kiểm soát được thị trường.
![]() |
Thiếu tướng Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia phát biểu tham luận tại Hội nghị |
“Đặc biệt, mặc dù năm 2020 vụ việc giảm nhưng đã đánh đúng, trúng đường dây, tụ điểm phức tạp từ miền Bắc, Trung, Nam với nhiều vụ việc điển hình, đã được Chính phủ, doanh nghiệp và người dân đánh giá cao”- ông Đàm Thanh Thế đánh giá.
Tuy vậy, ông Đàm Thanh Thế cũng đề nghị lực lượng quản lý thị trường tiếp tục tăng cường công tác chuyên môn, chủ động nắm tình hình cũng như nhận diện được phương thức thủ đoạn để xây dựng phương án đấu tranh có hiệu quả với hàng lậu, gian lận thương mại; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
Đồng tình với ý kiến, Thượng tá Nguyễn Huy Lục- Phó trưởng phòng Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) – cho rằng, một ưu điểm nữa của QLTT là trong quá trình phát hiện, xử lý vi phạm, lực lượng QLTT rất cương quyết, không nể nang, sợ sệt, nhưng thái độ ứng xử mềm dẻo, linh hoạt, vẫn vận động chủ cơ sở vi phạm giao nộp cho các cơ quan chức năng.
Tăng cường các giải pháp để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng
Tại Hội nghị Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội - Chu Xuân Kiên chia sẻ, ngày nào Cục cũng nhận được thông tin khiếu kiện của người dân về mua hàng online bởi chất lượng hàng tại trang web và thực tế không giống nhau.
![]() |
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên |
Ông Chu Xuân Kiên cũng thẳng thắn chỉ rõ, hiện lực lượng QLTT đang có nhiều vướng mắc khi xử lý các vi phạm về thương mại điện tử. Theo ông, lực lượng chức năng đang gặp khó trong việc bố trí lực lượng chuyên trách, chuyên môn để định vị kho hàng, chứng minh thủ đoạn vi phạm.
"Nhiều doanh nghiệp lợi dụng các chung cư, nhiều khu trung tâm thương mại bỏ trống để đặt kho hàng khiến lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn", Cục trưởng Chu Xuân Kiên ví dụ.
Chính vì vậy, đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho rằng bên cạnh việc tạo điều kiện để thương mại điện tử phát triển thì mặt khác cũng cần tăng cường các giải pháp để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và giúp doanh nghiệp kinh doanh đúng pháp luật.
Tiến đến "Chính quy - Chuyên nghiệp - Hiện đại"
Chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà lực lượng QLTT đã đạt được trong năm vừa qua. Đồng thời ghi nhận: “Năm 2019, lực lượng vừa phải thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vừa phải căn mình chống dịch tả lợn châu Phi trên mọi mặt trận. Bước sang 2020, lực lượng tiếp tục dàn mỏng, phân bổ cán bộ công chức, viên chức trực chiến phòng, chống đại dịch Covid-19". Đây là sự nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi của toàn bộ lực lượng bời "Phải phân tán lực lượng trên các cơ sở nhân lực, đội ngũ đã cũ, không bớt nhiệm vụ nào mà thêm nhiều hoạt động khó hơn, đòi hỏi trách nhiệm lớn hơn".
![]() |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu chỉ đạo |
Đáng kể, trong vòng hơn 2 năm Tổng cục QLTT đã trình Chính phủ và hoàn thành 3 Nghị định. Riêng năm 2020 đã trình 6 Thông tư, đều là các vấn đề cốt tử, các công cụ để hoạt động của lực lượng hiệu quả hơn. Do đó cần ghi nhận những thành tích mà lực lượng QLTT đã làm được", Thứ trưởng biểu dương.
Dự báo hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và tình hình dịch bệnh, thiên tai trong năm 2021 sẽ còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, để góp phần bảo đảm thị trường ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng, Thứ trưởng Đặng Hoàng An yêu cầu lực lượng QLTT thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm.
Điển hình, Thứ trưởng đề nghị, lực lượng cần phát triển theo nguyên tắc 6 chữ “vàng”: “Chính quy - Chuyên nghiệp - Hiện đại” theo đúng Chiến lược phát triển lực lượng QLTT giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn 2030.
Theo đó, “chính quy” phải tuân thủ đúng quy định, nguyên tắc, chuẩn mực; “hiện đại” là không lạc hậu, ứng dụng công nghệ thông tin; “chuyên nghiệp” là đào tạo lực lượng bài bản.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng lưu ý, trong bối cảnh những đối tượng sản xuất, vận chuyển hàng giả, hàng gian lận thương mại sử dụng thủ đoạn ngày càng tinh vi, tình hình kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại không chỉ bùng phát trên kênh thương mại điện tử mà còn ở lĩnh vực bưu chính, vận tải hàng không, do đó, toàn lực lượng QLTT cần trân trọng những gì đã làm được và cố gắng hơn trong các hoạt động năm 2021.
Lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị lực lượng quản lý thị trường đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, ký cam kết không buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại trên thị trường. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã ký cam kết mà vẫn có hành vi vi phạm.
Thứ trưởng cũng đề nghị xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu và công chức trực tiếp quản lý địa bàn nếu để xảy ra tình trạng kinh doanh hàng nhập lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm phức tạp, nghiêm trọng kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân mà không có giải pháp khắc phục kiên quyết, hiệu quả.
"Tôi yêu cầu lực lượng quản lý thị trường xây dựng ngay các phương án, kế hoạch, giải pháp thật cụ thể và tổ chức triển khai có hiệu quả để bảo đảm trong năm 2021 tiếp tục tạo được sự chuyển biến rõ rệt về công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả," Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.