Ấn Độ tổ chức phiên điều trần điều tra chống bán phá giá pin năng lượng mặt trời Pin năng lượng mặt trời nguy cơ bị Mỹ điều tra chống lẩn tránh phòng vệ thương mại |
Mỹ không điều tra chống lẩn tránh thuế với pin năng lượng mặt trời Việt Nam |
Cục Phòng vệ thương mại cho biết Bộ Thương mại Mỹ sẽ không khởi xướng điều tra chống lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) đối với pin năng lượng mặt trời xuất xứ từ 3 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Trước đó, tháng 9, ngành sản xuất pin năng lượng mặt trời của Mỹ đề nghị Bộ Thương mại Mỹ điều tra chống lẩn tránh biện pháp CBPG và CTC đối với pin năng lượng mặt trời có xuất xứ từ Việt Nam, Malaysia và Thái Lan.
Nhóm các sản phẩm này có mã HS 8501.61.0010, 8507.20.80, 8541.40.6015, 8541.40.6025 và 8501.31.8010 (theo hệ thống HS của Mỹ).
Sau khi nhận được thông tin này, Bộ Công Thương đã gửi thư đến Bộ Thương mại Mỹ giải quyết phản ánh trên. Đồng thời, đại diện Đại sứ quan Việt Nam tại Mỹ cũng làm việc với các doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án năng lượng mặt trời tại Mỹ đang sử dụng sản phẩm pin của Việt Nam để huy động tiếng nói chung phản đối cáo buộc lẩn tránh. Đến ngày 14/11, Bộ Thương mại Mỹ thông báo rằng sẽ không khởi xướng điều tra vụ việc.
Bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại chia sẻ: "Đây thực sự là một tin vui vì pin năng lượng mặt trời Việt Nam đã tránh khỏi một vụ việc điều tra nghiêm trọng. liên quan tới kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong các vụ điều tra thương mại từ trước tới nay".
Cụ thể, 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tấm pin năng lượng mặt trời của Việt Nam sang Mỹ đạt 2,2 tỷ USD. Chưa nói đến việc bị áp dụng thuế chống lẩn tránh, chỉ riêng quyết định khởi xướng điều tra của Mỹ cũng đã có thể ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu của Việt Nam.
Bà Phạm Châu Giang phân tích ở nhiệm kỳ Tổng thống trước, ông Donald Trump cho rằng pin năng lượng mặt trời là sản phẩm cần bảo hộ, từ đó siết chặt các biện pháp phòng vệ thương mại.
Thậm chí, áp thuế CBPG và CTC cao đến mức kim ngạch xuất khẩu pin năng lượng mặt trời Trung Quốc vào Mỹ sụt giảm nghiêm trọng.
Trong khi, chính quyền của Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden lại theo đuổi chiến lược phát triển công nghiệp xanh, ưu tiên năng lượng mặt trời.
Các doanh nghiệp Mỹ lập luận rằng chiến lược này nhằm tạo điều kiện cho các nhà sản xuất trong nước tăng cường sản xuất pin năng lượng mặt trời phục vụ nhu cầu nội địa, chứ không nhằm thúc đẩy nhập khẩu từ các nước khác.
Tuy nhiên, các chủ đầu tư dự án năng lượng mặt trời tại chính Mỹ cho rằng tại thời điểm này nguồn cung trong nước chưa đủ, nên việc tăng nhập khẩu là tự nhiên, do đó phản đối việc khởi xướng điều tra.
Quyết định không khởi xướng điều tra của Bộ Thương mại Mỹ giúp cân bằng lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp nước này.
Thực tế, mặt hàng pin năng lượng mặt trời vẫn đang bị Mỹ áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu từ tháng 2/2018. Ba nước có kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này lớn nhất sang Mỹ là Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Biện pháp tự vệ quy định lượng hạn ngạch nhập khẩu từ tất cả các quốc gia vào Mỹ là 2,5GW/năm đối với tế bào quang điện.
Nhập khẩu trong hạn ngạch không phải chịu thuế tự vệ nhưng nhập khẩu vượt quá hạn ngạch sẽ phải chịu mức thuế tự vệ từ 15% đến 30% tùy thời kỳ.
Đối với module quang điện, Mỹ áp thuế nhập khẩu bổ sung trong 4 năm (đến tháng 2/2022) với mức thuế bằng mức ngoài hạn ngạch của tế bào quang điện.
Dù vậy, bà Giang nhận định quyết định của Mỹ chỉ là mang tính thời điểm khi nguồn cung sản xuất trong nước không đủ.
Tuy nhiên, trong 2-3 năm tới, khi Mỹ có thêm nhiều dự án sản xuất pin năng lượng mặt trời, năng lực cung ứng trong nước ổn định và đủ phục vụ nhu cầu, Mỹ có thể sẽ khởi xướng điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để hạn chế nhập khẩu mặt hàng này.
Do đó, Bộ Công Thương sẽ theo dõi và cảnh báo các doanh nghiệp khi thị trường Mỹ có dấu hiệu bất ổn. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần theo dõi chính sách của Mỹ để chủ động trong điều chỉnh chiến lược sản xuất, xuất khẩu.