Phố cá lóc nướng trên đường Tân Kỳ Tân Quý nhộn nhịp khách đến mua |
Cá lóc có nguồn gốc thuộc họ Channidae (Họ cá quả) và ở Việt Nam, họ cá lóc chủ yếu là cá chuối hoa (Channa maculata). Cá lóc sống tự nhiên ở các sông, suối, ao hồ nước ngọt hoặc được nuôi trong ao nước ngọt nhân tạo.
Cá lóc có đặc điểm là đầu to dẹt, trông như đầu rắn. Phần thân tròn, da lưng màu đen ánh nâu bạc và thường có mùi tanh nhẹ và nhớt.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong 150gr thịt cá lóc sẽ cung cấp khoảng 118 calo và lượng calo sẽ thay đổi tuy vào món ăn bạn chế biến.
Kinh doanh cá lóc nướng trên đường Tân Kỳ Tân Quý, quận Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh) từ năm 1990, bà Cúc Bụi là một trong những người đầu tiên bán mặt hàng này. Ngày vía Thần Tài năm ngoái, tiệm cá nướng của bà bán được 5.000 con chỉ trong một ngày.
Năm nay, bà cho biết, cá lóc nhập đầu vào từ các vùng nguyên liệu miền Tây tăng giá khiến giá bán ra phải điều chỉnh theo. Cá lóc nướng dao động từ 180.000-250.000 đồng/con, trọng lượng từ 1-1,4 kg/con (năm ngoái, giá bán từ 140.000-200.000 đồng/con), giá trên đã bao gồm bún, bánh tráng, rau sống ăn kèm và mắm nêm.
“Ngày thường, quán bán được khoảng 40 con cá lóc nướng. Thứ Bảy, Chủ nhật hoặc ngày lễ thì lượng bán ra gấp 2-3 lần. Riêng ngày vía Thần Tài, khách đến mua dồn cùng một lúc, đông nhất là khoảng 10h sáng. Nếu không chuẩn bị cá, không có nhiều người cùng làm thì không phục vụ kịp. Năm ngoái, tới 16h, tôi bán hết sạch cá nướng”, bà nói.
Năm nay, bà Cúc cũng nhập về khoảng 5 tấn cá bán riêng trong ngày vía Thần Tài, số lượng tương đương 5.000 con. Nếu tính giá bán ra trung bình 220.000 đồng/con, tiêu thụ hết 5.000 con cá nướng như năm ngoái, quán của bà Cúc Bụi có thể thu về chừng 1,1 tỷ đồng chỉ riêng trong ngày vía Thần Tài.
Hàng ngàn con cá lóc đã nướng xong được xếp gọn gàng trên kệ |
Ông Trung, chủ một điểm bán cá lóc nướng trên đường Tân Kỳ Tân Quý cho biết, theo phong tục ngày vía Thần tài người dân chọn mua cá lóc và qua mỗi năm nhu cầu tiêu dùng tăng. Riêng mùa dịch vừa rồi ông không dám nướng nhiều và chỉ nướng 2.700 con nhưng trong vòng buổi sáng đã bán hết cá. Sau đó, ông Trung tiếp tục nướng thêm 200 con nữa đến 3 giờ chiều là nghỉ.
Tuy nhiên, năm nay ông Trung dự đoán sức mua tăng nên đã nhập 4.000 con cá lóc, tăng 1.000 con so với mọi năm.
“Tôi bán từ đêm hôm qua nhưng riêng sáng nay là ngày chính nên bán được nhiều hơn với tổng cộng hơn 3.000 con. Đến giờ này chỉ còn vài trăm con mà nướng không kịp, chỉ khoảng đầu giờ chiều là hết. Với lượng khách mua như sáng nay là quá tốt, đúng với dự đoán” - ông Trung hồ hởi nói.
Tại sao người miền Nam cúng cá lóc ngày vía Thần Tài?
Cũng giống những ngày lễ khác trong năm, ngày vía Thần Tài, các gia đình, nhất là các hộ kinh doanh, doanh nghiệp đều sửa soạn mâm cúng chỉn chu, cầu mong cho một năm sung túc, đủ đầy, nhiều tài lộc.
Tại nhiều tỉnh thành phía nam, ngày vía Thần tài người dân còn cúng thêm cá lóc nướng. Do vậy, vào ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch, cá lóc nướng trui luôn là món ăn "cháy hàng" ở các khu chợ. Bởi, theo nhiều chuyên gia phong thủy, người dân Nam Bộ có quan niệm cúng cá lóc nướng ngày vía Thần tài sẽ đem đến nhiều may mắn, tài lộc cho gia chủ.
Cá lóc nướng dùng để cúng ngày vía Thần tài phải nguyên con, không cạo vảy, không cắt vi và đuôi. Khi đem đi nướng trui, cần dùng mía chẻ xiên thẳng qua miệng cá để định hình con cá được thẳng thớm.
Nhiều người cho rằng tục cúng cá lóc nướng có thể bắt nguồn từ nét văn hóa gắn liền với sông nước, kênh rạch của vùng Nam Bộ.
Cá lóc có thể được coi là sản vật đặc trưng vùng miền nên khi dâng lên thần linh sẽ thể hiện lòng biết ơn, trân trọng thiên nhiên mưa thuận gió hòa, tưởng nhớ đến cuộc sống cần cù của ông cha ngày trước.
Với sức sống mãnh liệt và khả năng sinh tồn tốt trong nhiều điều kiện khác nhau, cá lóc còn tượng trưng cho nỗ lực và sự thành công.
Ngoài ra, theo phong thủy, cá luôn là biểu tượng để thu hút tài lộc, may mắn. Hình ảnh đó còn đại diện cho mong ước có được cuộc sống trôi chảy thuận lợi như cá bơi trong nước.