Sau đợt thanh tra tháng 11/2020, đoàn thanh tra Ủy ban châu Âu (EC) khẳng định thông điệp nếu Việt Nam còn tàu cá vi phạm khai thác thủy sản ở vùng biển nước ngoài thì EC không gỡ cảnh báo thẻ vàng và có nguy cơ bị áp dụng cảnh báo thẻ đỏ.
![]() |
Tỉnh Kiên Giang sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu ngành thủy sản, hạn chế tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp (ảnh Diệu Thu) |
Nhằm cụ thể hóa các quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và thực hiện các khuyến nghị của đoàn thanh tra EC, Sở NN&PTNT đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành nhiều văn bản thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) như yêu cầu chủ tàu, ngư dân khai thác thủy sản cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản trái phép; công bố công khai chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá vi phạm khai thác IUU trên phương tiện thông tin đại chúng và tại nơi cư trú; thực hiện nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu tại cơ quan chính quyền nếu để tình trạng tàu cá tiếp tục vi phạm vùng biển nước ngoài; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên biển, xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài…
Ngày 18/12, UBND tỉnh Kiên Giang đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, chủ tàu cá trong hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang cho biết: “Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài do nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh suy giảm, nhất là vùng lộng và vùng khơi. Để khắc phục số lượng tàu đánh bắt thủy sản quá mức so trữ lượng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững, đòi hỏi sự nỗ lực của cơ quan quản lý; ngư dân cần thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước. Từ nay đến năm 2025, tỉnh không phát triển thêm tàu cá, hướng tới sắp xếp lại nghề cá”.
![]() |
UBND tỉnh Kiên Giang sẽ thực hiện nghiên cứu, có chỉ đạo tháo gỡ, đưa ra các giải pháp trong thời gian tới để đảm bảo ngành khai thác thủy sản phát triển bền vững (ảnh Diệu Thu) |
Tại hội nghị, đại biểu đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngư dân, cũng như ngăn chặn tình trạng ngư dân khai thác thủy sản trái phép vùng biển nước ngoài như tiếp tục hỗ trợ ngư dân mua bảo hiểm tàu cá, cho vay hỗ trợ cải hoán tàu cá theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP; rà soát lại số lượng tàu cá, quản lý cường lực khai thác phù hợp trữ lượng nguồn lợi. UBND các huyện, thành phố chủ động tăng cường công tác phối hợp lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản trên vùng biển ven bờ và vùng nước nội địa thuộc địa bàn quản lý. Chi cục Thủy sản tỉnh tiếp tục tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các phương tiện vi phạm, đặc biệt ở vùng biển ven bờ...
Ông Nguyễn Thanh Nhàn-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, Kiên Giang có vùng biển rộng, số lượng tàu nhiều, ngành khai thác thủy sản đang gặp nhiều khó khăn do mất cân đối giữa đội tàu và ngư trường khai thác, việc đánh bắt tận diệt. Những khó khăn này, tỉnh đã nhận thấy và giao cho các ngành nghiên cứu, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành thủy sản. Theo lộ trình, tỉnh sẽ tính toán lại đội tàu, phân vùng khai thác; quan tâm công tác quản lý tái tạo nguồn lợi thủy sản; chỉ đạo quyết liệt, bố trí nguồn lực thực hiện tốt đề án.
Bên cạnh đó, ông Nhàn đề nghị các chủ doanh nghiệp, ngư dân phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước chung tay với tỉnh tháo gỡ thẻ vàng EC. Giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở NN&PTNT làm việc với nhà cung cấp thiết bị, nhà mạng thực hiện tháo gỡ khó khăn cho ngư dân việc mất tín hiệu thiết bị, hư hỏng thiết bị giám sát hành trình. Sở NN&PTNT chỉ đạo khảo sát, nạo vét các luồng giao thông đảm bảo phương tiện neo đậu; tháo gỡ, giải quyết nhanh thủ tục hành chính, tránh phiền hà cho ngư dân. Chi cục Thủy sản tỉnh lập ngay đường dây nóng, hộp thư điện tử để kịp thời tiếp nhận và tháo gỡ khó khăn cho ngư dân…