Ông Phạm Lộc Ninh - Phó Chủ tịch Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam (VNPS) chúc mừng Đại hội Chi hội Nhà báo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm |
Trong năm 2022, Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam (VNPS) tiếp tục chú trọng mở rộng mối quan hệ hợp tác với các cơ quan, tổ chức liên quan nhằm phối hợp đẩy mạnh các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của Hội, nhất là mối liên kết, hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy công tác tư vấn, nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực các sản phẩm thiên nhiên, như: Viện Hoá học các hợp chất thiên nhiên thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (INPC), Viện Đánh giá và Công nhận quốc tế thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (IAI), Hiệp hội Tinh dầu, hương liệu mỹ phẩm Việt Nam (VOCA), Trung tâm Kiểm nghiệm, kiểm chứng và Tư vấn chất lượng nông lâm thủy sản (RETAQ).
Hội tiếp tục quan tâm hỗ trợ, thúc đẩy các tổ chức pháp nhân trực thuộc Hội hoạt động có hiệu quả, phát huy thế mạnh chuyên môn khoa học công nghệ (KHCN). Đầu tháng 3 năm 2022 đại diện Thường trực Hội đã đi thăm và làm việc với Viện Mỹ phẩm thiên nhiên tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc để nắm bắt tình hình và bàn định hướng phát triển Viện trong những năm tới.
Ban hành Bộ Tiêu chuẩn cơ sở: TCCS 01-1:2022/VNPS Sản phẩm thiên nhiên – Phần I: Thực phẩm và Phần II: Mỹ phẩm và chất tẩy rửa
Hội VNPS đã triển khai các nghiên cứu, hội thảo, trao đổi học thuật về các tiêu chí, tiêu chuẩn sản phẩm thiên nhiên, tập hợp ý kiến tư vấn của nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong Hội đồng Khoa học của Hội cũng như từ các cơ sở nghiên cứu, đào tạo và các doanh nghiệp, làm cơ sở để xây dựng và chính thức ban hành “Bộ tiêu chuẩn sản phẩm thiên nhiên Việt Nam” lần thứ I.
Trong tháng 3/2022 Hội đã ban hành Quyết định công bố Tiêu chuẩn cơ sở: TCCS 01-1:2022/VNPS Sản phẩm thiên nhiên – Phần I: Thực phẩm.
GS.TS Phạm Văn Thiêm, Chủ tịch Trung ương Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam ký Quyết định |
Đến tháng 6/2022 Hội tiếp tục hoàn thành xây dựng và ra Quyết định ban hành TCCS-Phần II: Mỹ phẩm và chất tẩy rửa.
Có thể nói, đây là lần đầu tiên ở nước ta có một bộ tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm thiên nhiên được công bố. Sau khi hoàn thiện và công bố, bộ tiêu chuẩn sản phẩm thiên nhiên đã bước đầu góp phần đắc lực giúp các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhận diện, đánh giá, kiểm định chất lượng các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, nhất là cho một số nhóm sản phẩm chủ yếu đang có nhu cầu cao về đánh giá chất lượng như tinh dầu, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, gia vị, sản phẩm hữu cơ nông nghiệp và các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên khác.
VNPS và MHG ký kết hợp tác toàn diện
Thực hiện chủ trương đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu và phát triển công nghệ đối với các sản phẩm có giá trị cao, ngày 28/3/2022, Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt nam và Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh (MHG) đã tổ chức Lễ ký kết hợp tác toàn diện “Nghiên cứu bảo tồn, phát triển các sản phẩm Sâm Ngọc Linh và dược liệu quý ứng dụng trong nông nghiệp công nghệ cao” với hai nội dung hợp tác chính là: Ứng dụng công nghệ cao trông nông nghiệp bảo tồn gen giống và tăng dược tính; Đánh giá chất lượng, nghiên cứu phát triển sản phẩm đối với các chủng loại Sâm Ngọc Linh.
Tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc gia “Số hóa trong nghiên cứu cơ bản và ứng dụng lần thứ I”
PGS.TS Lê Anh Phương – Giám đốc Đại học Huế, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (thứ 2 từ phải qua) tặng hoa cho các đại biểu. |
Vào tháng 6/2022, Hội đã tích cực hoàn thành các nội dung và tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc gia “Số hóa trong nghiên cứu cơ bản và ứng dụng lần thứ I” tại Huế. Chuẩn bị cho Hội thảo Khoa học “Nghiên cứu và Phát triển các sản phẩm tự nhiên lần thứ VIII” dự kiến diễn ra vào năm 2023.
Hội thảo quy tụ gần 150 nhà khoa học, giảng viên đại học, giáo viên Hóa học phổ thông tham dự trực tiếp và bao gồm tổng cộng 7 báo cáo toàn thể của 7 nhà khoa học đến từ mọi miền của đất nước. Đây là diễn đàn để các nhà khoa học đến từ các cơ sở giáo dục, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp khắp mọi miền của tổ quốc có cơ hội trao đổi kinh nghiệm và hợp tác về nghiên cứu khoa học.
Kết quả của Hội thảo đóng góp vào việc ứng dụng số hóa để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, đưa ra các giải pháp chuyển giao công nghệ các kết quả nghiên cứu áp dụng vào thực tiễn đời sống.
Thăm quan và làm việc với Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn
Thực hiện chủ trương hoạt động của Hội phải gắn liền với các cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp, Thường trực, Ban hường vụ Hội đã tổ chức làm việc với Viện Mỹ phẩm thiên nhiên, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Viện Thực phẩm chức năng thuộc Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam, Trung tâm Kiểm nghiệm, kiểm chứng và Tư vấn chất lượng nông lâm thủy sản (RETAQ) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thăm quan và làm việc với Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn, một mô hình điển hình của Hà Nội, nhằm trao đổi, nghiên cứu cơ hội hợp tác cùng phát triển.
Trong năm qua các tổ chức có pháp nhân trực thuộc Hội trong năm 2022 đã có nhiều hoạt động tích cực về chuyên môn, nghề nghiệp theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, với những hiệu quả rõ rệt. Trong đó Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm ngoài việc hoạt động nổi bật về chuyên môn khi có lượng tin bài phong phú, bám sát thực tế, phản ánh kịp thời hoạt động của Hội.
Thường trựcHội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam tham quan vườn dược liệu Sóc Sơn |
Đặc biệt trong năm qua, Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm đã tổ chức thành công Đại hội Chi bộ Tạp chí nhiệm kỳ 2022 – 2025; Đại hội Chi hội Nhà báo Tạp chí nhiệm kỳ 2022 – 2025; Thành lập Chi đoàn TNCS Hồ Chí Minh Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm; Thành lập tổ chức Công đoàn Tạp chí. Đồng thời, Tạp chí còn mở rộng hợp tác để nâng tầm hoạt động của Tạp chí, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động xã hội có ý nghĩa.
Viện Nghiên cứu ứng dụng Tài nguyên thiên nhiên, Vật liệu và Môi trường tại Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai những đề tài có ý nghĩa thực tiễn cao trong lĩnh vực chuyên môn được giao. Viện Mỹ phẩm thiên nhiên đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu, áp dụng khoa học và công nghệ, tạo ra những sản phẩm có giá trị cao từ nguồn nguyên liệu thiên nhiên trong nước.
Trong năm 2022, một số hội viên tổ chức đã có những hoạt động chuyên môn, nghề nghiệp có tính đổi mới, sáng tạo, đồng thời có nhiều đóng góp tích cực cho Hội, như: Viện Hoá học các hợp chất thiên nhiên, Viện Kỹ thuật nhiệt đới (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam), Viện chống hàng giả, Công ty CP Công nghệ và thiết bị Bách khoa Hà Nội, HTX bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn,…
Bước sang năm 2023 Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam (VNPS) tập trung thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng sau: Tổ chức Đại hội nhiệm kỳ II Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam; Tổ chức Hội thảo Khoa học “Nghiên cứu và Phát triển các sản phẩm tự nhiên lần thứ VIII”; Triển khai đưa Bộ tiêu chuẩn cơ sở sản phẩm thiên nhiên phần I, phần II vào áp dụng trong việc nâng cao chất lương, kiểm soát chất lượng các sản phẩm liên quan và tiếp tục xây dựng các phần TCCS tiếp theo; Tiếp tục tập hợp, phối hợp, hỗ trợ các hội viên, các tổ chức thuộc Hội đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai, phát huy thế mạnh trong lĩnh vực sản phẩm thiên nhiên, tạo các sản phẩm có ưu thế, có chất lượng, mang đặc thù Việt Nam và đạt trình độ khu vực và quốc tế.
Để thực hiện thành công các nhiệm vụ trên, Thường trực Hội rất mong toàn thể hội viên, trước hết là các Uỷ viên BCH Hội, nêu cao tinh thần ủng hộ, đã có nhiều đóng góp, tích cực đóng góp hơn nữa cho hoạt động của Hội trong công cuộc nghiên cứu, bảo tồn và phát triển sản phẩm thiên nhiên Việt Nam.