Trong giai đoạn 2016-2020, song song với đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã siết chặt công tác quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.
Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: Từ năm 2016 đến nay, các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT đã thực hiện đánh giá xếp loại 2.826 cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý. Trong đó, có 51 cơ sở được xếp loại A (loại tốt), 2.313 cơ sở xếp loại B (loại đạt) và 462 cơ sở xếp loại C (không đạt). Sau khi khắc phục, đã có 249/462 cơ sở xếp loại C đã được tái kiểm tra và được nâng lên xếp loại B. Các cơ sở còn lại đã tạm thời dừng hoạt động để sửa chữa, khắc phục sai lỗi.
Hà Nội tạo bước chuyển trong sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn
Theo Sở NN&PTNT, hầu hết các cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản được xếp loại A, loại B đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn theo quy định, tạo niềm tin cho người tiêu dùng Thủ đô.
Song song công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ được giao, các đơn vị thuộc ngành Nông nghiệp Hà Nội cũng đã tăng cường tổ chức lấy mẫu giám sát đối với các mặt hàng nông sản chủ lực có nguy cơ mất ATTP cao như: Rau, quả, chè, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản và sản phẩm thủy sản. Từ năm 2016 đến nay, ngành Nông nghiệp thành phố đã tiến hành tổ chức lấy 16.210 mẫu, trong đó, có 15.454 mẫu đạt, chiếm tỷ lệ 95,3%. Các trường hợp mẫu không đạt, vi phạm đều được cảnh báo tới các cơ quan quản lý, cơ sở sản xuất kinh doanh để tổ chức truy xuất, điều tra xác định nguyên nhân, xử lý vi phạm và khắc phục sai lỗi theo quy định của pháp luật.
Để làm tốt công tác quản lý, công tác hậu kiểm nông sản cũng được các đơn vị thuộc ngành Nông nghiệp Hà Nội đặc biệt quan tâm. Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết: Từ năm 2016 đến nay, Chi cục đã tiếp nhận 2.841 bản tự công bố chất lượng sản phẩm thực phẩm chế biến bao gói sẵn. Việc tổ chức hậu kiểm, kiểm tra chất lượng thông qua việc kiểm tra, lấy mẫu giám sát và thanh tra, kiểm tra đột xuất. “Trong 5 năm qua, đơn vị đã lấy 505 mẫu sản phẩm chế biến để kiểm tra chất lượng, hậu kiểm tự công bố sản phẩm, kết quả phát hiện 15 mẫu vi phạm các chỉ tiêu chất lượng, ATTP. Các trường hợp mẫu vi phạm đều được cảnh báo tới các cơ quan quản lý, các cơ sở sản xuất kinh doanh để tổ chức truy xuất, điều tra xác định nguyên nhân và xử lý vi phạm và khắc phục lỗi theo quy định”, bà Nguyễn Thị Thu Hằng thông tin.
Tuy nhiên, việc bảo đảm ATTP nông sản trên địa bàn thành phố vẫn còn những khó khăn, thách thức. Từ năm 2016 đến nay, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 88.593 lượt cơ sở, phát hiện 8.601 cơ sở không đạt yêu cầu, chiếm 9,7%. Các vi phạm gồm: Thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng; không có giấy tờ chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, vi phạm về nhãn hàng hóa, thiếu bảo hộ lao động, không bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, vệ sinh nhà xưởng…
Việc bảo đảm ATTP nông sản trên địa bàn thành phố vẫn còn những khó khăn, thách thức
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Đó là một số văn bản quy phạm pháp luật thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định về các chỉ tiêu ATTP đối với sản phẩm thực phẩm, nhất là các sản phẩm chế biến, phối chế, hỗ trợ gây khó khăn cho việc áp dụng của các cơ sở cũng như của các cơ quan quản lý khi thực hiện hậu kiểm, kiểm tra, giám sát. Mặt khác, trên địa bàn thành phố chưa có nhiều doanh nghiệp lớn có năng lực, kinh nghiệm đầu tư vào nông nghiệp. Việc tiếp cận đất đai, vốn để tổ chức sản xuất lớn gặp khó khăn. Chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp chưa thực sự thu hút được các hộ, doanh nghiệp đầu tư, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển chuỗi còn thiếu tính bền vững. Trong khi đó, sự vào cuộc của chính quyền các địa phương, xử lý vi phạm ở tuyến xã chưa thường xuyên và quyết liệt, chủ yếu là nhắc nhở, chưa tập trung vào các cơ sở có nguy cơ mất ATTP cao.
Ðể khắc phục những khó khăn, bất cập trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường cho biết: Thời gian tới, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp gắn trách nhiệm với mỗi tổ chức, cá nhân trong bảo đảm ATTP nông sản. Trong đó, việc giám sát, quản lý chất lượng sẽ được thực hiện đồng bộ trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị nông sản, từ giống cây trồng, vật nuôi, quy trình canh tác, thu hoạch, vận chuyển, chế biến tới tiêu thụ. Các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT cũng sẽ tập trung lấy mẫu nông sản trên diện rộng, qua đó, phát hiện, truy xuất nguồn gốc và yêu cầu khắc phục triệt để các vi phạm; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chuyển mạnh sang kiểm tra, thanh tra đột xuất, xử lý kịp thời, nghiêm túc các vi phạm về chất lượng, ATTP. “Sở NN&PTNT cũng sẽ chủ động xử lý các sự cố mất ATTP; kịp thời kiểm tra, xác minh, cung cấp thông tin chính xác cho người tiêu dùng, tránh để người dân thiếu thông tin dẫn đến hiểu lầm, hoang mang. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm khẳng định thương hiệu, góp phần xây dựng, phát triển thị trường nông sản an toàn”, ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh.
Hạ Vy