Giá vàng SJC có lúc lên gần 82 triệu đồng/lượng. |
14h20 phút chiều 7/3, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết tại 79,8-81,8 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 800.000 đồng mỗi chiều so với giá mở phiên cùng ngày.
Vàng nhẫn tiếp tục có kỷ lục mới, niêm yết tại 66,85-68,1 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng ở chiều mua vào và tăng 100.000 đồng ở chiều bán ra.
Vàng trong nước tăng đồng pha theo giá vàng thế giới. Tính đến 14h40 phút, giá vàng quốc tế đạt mốc 2.154 USD/ounce, trước đó có thời điểm đạt đỉnh 2.161 USD/ounce.
Phiên ngày 6/3 trước đó, giá vàng nhảy múa loạn xạ. Trong phiên này, các "nhà vàng" có đến 13 lần điều chỉnh giá, bước giá mỗi lần điều chỉnh trung bình từ 100.000 đến 200.000 đồng/lượng.
Bảo Tín Mạnh Hải hiện niêm yết giá vàng miếng 79,05-81,1 triệu đồng/lượng. Vàng nhẫn được doanh nghiệp này niêm yết tại 67,43-68,83 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng nhẫn cũng tăng tới 6,5 triệu đồng/lượng.
Tuy vàng nhẫn đắt đỏ là thế nhưng gần đây lại xuất hiện hiện tượng khan hiếm. Khảo sát cho thấy không ít lần các cửa hàng lớn trên phố Trần Nhân Tông, Cầu Giấy… (Hà Nội) phải thông báo hết vàng nhẫn tròn trơn khi khách hỏi mua.
Một số cửa hàng nhỏ lẻ tuy còn vàng nhẫn nhưng số lượng cũng không nhiều. Cuối ngày 7/3, tại một số cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông cho biết chỉ còn một số ít vàng nhẫn tròn trơn loại 1 chỉ, 1 chiếc 0,5 chỉ và 1 chiếc 2 chỉ.
Tuy sau đó, các cửa hàng này đã có hàng trở lại tuy nhiên hiện tượng hết hàng gián đoạn, cục bộ vẫn diễn ra tại nhiều nơi. Không ít khách hàng phản ánh không mua được vàng nhẫn tại nhiều thời điểm.
Nhà đầu tư cần cẩn trọng khi mua tích trữ vàng
Nhà đầu tư và người dân khi đầu tư vàng cần theo dõi biến động từng giờ của thị trường vàng trên thế giới và Việt Nam. |
Các chuyên gia cảnh báo người dân cẩn trọng khi mua tích trữ vàng thời điểm giá liên tục lập kỷ lục như hiện nay. Bởi tình hình kinh tế thế giới hiện biến động khó lường, giá vàng rất thất thường, lên cao nhưng cũng có thể rớt ngay.
Ông Đinh Nho Bảng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nhận định: “Giá vàng trong nước đang quá cao so với vàng thế giới. Người dân không nên lướt sóng vàng thời điểm này vì đây là cơn “sốt,” mà sốt thì chắc chắn sẽ hạ nhiệt. Chưa kể khi giá vàng quá nóng thì cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có các động thái chính sách. Chẳng hạn như việc Ngân hàng Nhà nước sửa Nghị định 24 thì giá vàng chắc chắn sẽ hạ, rủi ro cho người mua."
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định thị trường vàng đang trở nên hấp dẫn như hiện nay thì việc mua vàng rất được kích thích và cũng quyết định đến việc người dân đi mua vàng.
Tuy nhiên theo ông Hiếu, nhà đầu tư và người dân khi đầu tư vàng cần theo dõi biến động từng giờ của thị trường vàng trên thế giới và Việt Nam đồng thời không nên lướt sóng ở thời điểm này bởi thị trường vàng biến động rất khó lường.
Khoảng cách chênh lệch quá lớn, lên đến 17 triệu đồng mỗi lượng, trong khi đó giá vàng càng tăng thì chệch lệch giữa mua và bán cũng càng xa tới 2 triệu đồng. Về lâu dài, giá vàng trong nước cũng sẽ biến động tăng giảm theo giá thế giới, nên việc đảo chiều có thể xảy ra.
Theo chuyên gia Trần Duy Phương, nhiều người giữ vàng đang cố gồng lãi vì thấy giá vàng thế giới vẫn còn tăng. Tuy nhiên nếu giá vàng thế giới quay đầu giảm khoảng 30 USD/ounce chắc chắn sẽ xuất hiện làn sóng chốt lời rất mạnh và có thể khiến giá vàng nhẫn bốc hơi 2 triệu đồng/lượng, còn giá vàng miếng SJC có thể lao dốc 3 - 4 triệu đồng/lượng chỉ trong thời gian ngắn.
"Tình thế lúc này là người đứng ngoài thì sốt ruột khi thấy giá vàng liên tục tăng trong khi người giữ vàng thì nín thở gồng lãi", ông Phương nói.
Giá vàng trong nước những ngày qua liên tục thiết lập đỉnh mới, các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư nhỏ lẻ, người dân cần chú ý theo dõi sát thị trường vàng, cập nhật liên tục để có những quyết định mua bán đúng thời điểm, tránh bị lỗ nặng do chênh lệch mua vào bán ra ở mức cao và thị trường có biến động xấu.