Cụ thể, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg có giá 69.000 đồng/kg, loại 80 con/kg có giá 80.000 đồng/kg, loại 50 con/kg có giá 100.000 đồng/kg; giảm trung bình 5.000 - 10.000 do với tháng trước đó.
Ngược lại, giá tôm sú vẫn giữ mức ổn định trong nhiều tháng qua. Hiện nay, tôm sú loại 40 con/kg có giá 150.000/kg, loại 30 con/kg khoảng 175.000 đồng/kg, loại 20 con giá 205.000 đồng/kg.
Giá tôm thẻ chân trắng ở Đồng bằng sông Cửu Long giảm nhẹ
Theo Tổng cục Thủy sản, những tháng đầu năm 2020, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng nặng bởi hạn hán và xâm nhập mặn; cùng đó, sự xuất hiện của những cơn mưa trái mùa đã gây biến động môi trường ao nuôi, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình thả tôm nuôi, khiến giá tôm thương phẩm bấp bênh trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, các địa phương đã chủ động xây dựng lịch thời vụ thả tôm phù hợp với tình hình thực tế.
Bộ NN&PTNT dự báo, tình hình nuôi tôm từ nay đến cuối năm sẽ còn nhiều khó khăn. Ngoài ảnh hưởng về thời tiết, khí hậu, khả năng xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến khó lường và diễn ra sớm hơn dự báo; giá tôm thương phẩm sẽ có những biến động trong thời gian tới.
Dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nhiều đến ngành tôm trong nước
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, kể từ đầu năm 2020 do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động thu mua, chế biến, xuất khẩu tôm của các doanh nghiệp và tình hình nuôi tôm trên địa bàn. Một số doanh nghiệp, thương lái ngừng mua hoặc mua hạn chế với giá thấp, làm cho giá tôm giảm bất thường. Người nuôi tôm hoang mang, lo không bán được tôm trong thời gian tới, không xác định được giá tôm trên thị trường, nên một số đã bán tôm khi chưa đến lứa thu hoạch với giá rất thấp.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết do dịch Covid-19 nên tất cả các thị trường xuất khẩu tôm đều ảnh hưởng. Về phía tỉnh, hội, ngành thủy sản dù đã phản ứng nhanh và chủ động, nhưng do tình hình khách quan nên các chính sách ban hành chưa đủ, việc cụ thể hóa chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn chậm.
Trước thực tế như vậy, UBND tỉnh Cà Mau đã yêu cầu Sở Công thương phối hợp với các đơn vị có liên quan thiết kế mẫu để thu thập thông tin từ các doanh nghiệp chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh: về công suất thiết kế, công suất đang chế biến, hàng tồn kho theo hợp đồng, số lượng công nhân, năng lực chế biến, thị trường, số lượng và sản lượng chế biến, khả năng lưu kho đăng ký trữ.
Bên cạnh đó, các đơn vị có liên quan nắm tình hình đang thả nuôi, dự báo thu hoạch, giá cả thu mua tôm nguyên liệu tại các đại lý… để có giải pháp phù hợp, đồng thời kiến nghị Trung ương có những chính sách phù hợp đối với các doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu.
Mai Quỳnh