Ngày 16/2, ghi nhận tại siêu thị Vinmart ngõ 102 Trường Chinh, số 2 Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa (Hà Nội), trong khi các quầy thực phẩm khác hàng hoá vẫn chất đầy thì khu vực bán rau xanh gần như hết hàng.
Chị Trịnh Thanh Nga, quận Đống Đa, Hà Nội cho hay: Dù biết giá rau tăng nhưng tôi vẫn bất ngờ bởi giá các loại rau đẩy quá cao, nhất là rau cải. Cũng thời điểm này năm ngoái, vào siêu thị mua rau cho khoảng 4 người ăn lẩu hết khoảng 100 ngàn thì nay số tiền đã tăng gấp đôi. Tôi cũng tính toán một hồi rồi mới quyết định mua, nhưng không mua nhanh thì cũng chẳng tới lượt.
Tại các chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội như chợ Kim Liên (Đống Đa), chợ Hôm – Đức Viên, chợ Đại La (Hai Bà Trưng), chợ Hà Đông… lượng rau xanh bày bán hạn chế và đều có giá tăng trung bình từ 2- 3 lần so với dịp trước Tết.
Tại Hà Nội, rau xanh ít, giá cao. Ảnh: Quang Vinh
Một số tiểu thương giải thích, nhiều vùng trồng rau xanh của Hà Nội khan hiếm do thời tiết rét đậm, rét hại kèm mưa kéo dài khiến rau sinh trưởng chậm, cùng với đó là hiện tượng sương muối xuất hiện gây táp lá, thậm chí mất trắng. Ngoài việc rau xanh nhập tại vườn giá cao thì dịch Covid-19 cũng là một phần nguyên nhân đội giá rau xanh. Bên cạnh đó, các loại củ quả nhập từ Trung Quốc không còn, chỉ phụ thuộc vào nguồn cung trong nước cũng dẫn đến ít hàng hoá hơn, giá cao hơn.
Hiện su hào có giá 10.000 đồng một củ loại nhỏ, loại to là 20.000 - 22.000 đồng; rau mồng tơi 10.000 đồng một mớ, rau cần xanh 20.000 đồng…
Nhiều vùng trồng rau trên địa bàn Hà Nội, rau cũng được thương lái nhập tại vườn với giá gấp đôi bình thường. Nhưng người nông dân cũng không còn hàng để bán. Tại khu vực Tây Tựu (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), khu Dương Nội (Đông Anh), Mê Linh (Sóc Sơn) nhiều hộ dân đang gấp rút cày xới, làm đất để trồng rau lứa mới với hy vọng kịp thời đáp ứng nhu cầu thị trường. Anh Nguyễn Văn Thiệp, nông dân trồng rau ở Dương Nội (Đông Anh) cho biết: Rau cải là mặt hàng được cho là tăng giá cao nhất, có lúc lên đến 50.000 đồng/kg. Người dân thu hoạch đã thu hoạch cạn rau này để bán. Rau mùi tàu cũng được giá, 10.000 đồng/bó, trong khi bình thường chỉ bán được 4.000-5.000 đồng… Tuy nhiên, người dân cũng không khỏi lo ngại, giá rau xanh tăng mạnh sẽ kéo theo hệ luỵ người nông dân sản xuất, bất chấp sức khoẻ người tiêu dùng.
Trước tình trạng giá rau xanh “leo thang”, bà Đinh Thị Luyến- Phó Giám đốc HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội thông tin: Thị trường, giá cả mặt hàng rau dịp này có nhiều biến động, đảo lộn quy luật. Riêng tại Văn Đức, thị trường đang điều tiết giá thu mua rau của người dân ở mức chưa từng có. Trong hơn 200ha rau của Văn Đức, có tới hơn 100ha cải thảo. Trong khi, đây lại là loại rau được thu mua với mức giá cao nhất hiện nay. Một số loại rau khác như bắp cải, cà chua, súp lơ cũng tăng giá nhẹ so với cùng kỳ mọi năm. Và “Vấn đề quan trọng nhất hiện nay của HTX là hướng dẫn, giám sát bà con sản xuất rau đúng theo tiêu chuẩn an toàn. Dù lợi nhuận cao, nhưng không vì thế, để người dân sản xuất bất chấp tiêu chí chất lượng, mà phải đặt sức khỏe người tiêu dùng là số một”- bà Luyến nói.
Không riêng Hà Nội, giá rau xanh tại một số tỉnh, thành khác phía Bắc như Nam Định, Hải Phòng, Thái Nguyên... cũng tăng chóng mặt. Tại chợ Thái (Thái Nguyên) mỗi mớ rau cần tăng gấp đôi lên 20.000 đồng; rau muống 20.000 đồng/mớ, rau cải làn 60.000 đồng/kg.
Theo Đại đoàn kết