Giá cà phê hôm nay không có thay đổi
Giá cà phê hôm nay (4/12), ghi nhận thị trường cà phê trong nước giữ ổn định so với cùng thời điểm hôm qua.
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 58.900 đồng/kg. Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 59.900 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 59.800 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 59.900 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 59.800 đồng/kg ở Đắk R'lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 59.700 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 59.600 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 59.700 đồng/kg.
Theo ghi nhận, giá cà phê trên thị trường thế giới tăng. Theo đó, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 1/2024 được ghi nhận tại mức 2.611 USD/tấn sau khi tăng 3,49% (tương đương 88 USD).
Giá cà phê arabica giao tháng 3/2024 tại New York ở mức 184,7 US cent/pound sau khi tăng 6,95% (tương đương 12 US cent) tại thời điểm khảo sát vào lúc 7h00 (giờ Việt Nam).
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 11/2023 đạt 80 nghìn tấn, trị giá 252 triệu USD, tăng 83,0% về lượng và tăng 59,9% về trị giá so với tháng 10/2023, so với tháng 11/2022 giảm 37,9% về lượng và giảm 17,5% về trị giá.
Tính chung 11 tháng năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt xấp xỉ 1,38 triệu tấn, trị giá 3,54 tỷ USD, giảm 12,9% về lượng và giảm 2,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Ước tính, tháng 11/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 3.148 USD/tấn, giảm 12,6% so với tháng 11/2023, nhưng tăng 32,8% so với tháng 11/2022. Lũy kế 11 tháng năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 2.570 USD/tấn, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi xuất khẩu cà phê Robusta và Arabica giảm so với cùng kỳ năm 2022, nhưng xuất khẩu cà phê Excelsa và chế biến tăng. Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê Robusta của Việt Nam sang hầu hết các thị trường truyền thống giảm, nhưng xuất khẩu sang Mexico, Hà Lan, Indonesia… tăng mạnh.
Với cà phê Arabica, hiện Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê Arabica sang các thị trường Bỉ, Hoa Kỳ, Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Thái Lan… Tháng 11/2023, trong khi giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa giảm thì trên thị trường thế giới, giá cà phê Robusta và Arabica tăng mạnh do lo ngại nguồn cung thiếu hụt.
Theo báo cáo của Bộ phận Nông nghiệp nước ngoài (FAS) trực thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), nguồn cung cà phê cà phê Robusta cho thị trường tiêu thụ toàn cầu từ các nước sản xuất chính ở khu vực Đông Nam Á có khả năng giảm đã thúc đẩy các quỹ và đầu cơ quay lại thị trường kỳ hạn tăng mua, tuy nhiên, khối lượng chưa nhiều do sự thận trọng từ vấn đề lãi suất tiền tệ.
Tại Việt Nam, FAS ước tính sản lượng niên vụ 2023/2024 sẽ giảm xuống 27,8 triệu bao từ ước tính 31,3 triệu bao hồi tháng 5/2023 do thời tiết không thuận lợi. Ước tính tồn kho gối vụ chuyển sang giảm xuống chỉ còn 390.000 bao thay vì 2,76 triệu bao như ước tính trước đó.
FAS cũng dự báo tổng sản lượng cà phê của Indonesia niên vụ 2023/2024 sẽ giảm 18,14% so với niên vụ cà phê 2022/2023 trước đó, xuống ở mức 9,7 triệu bao. Dự kiến Indonesia sẽ ưu tiên cà phê nguyên liệu cho ngành công nghiệp trong nước, chỉ dành cho xuất khẩu khoảng 5 triệu bao cà phê hạt, giảm tới 35,02% so với niên vụ trước.
Giá tiêu hôm nay không điều chỉnh mới
Giá tiêu hôm nay (29/11), đang nằm trong khoảng 71.000 - 74.000 đồng/kg tại thị trường nội địa.
Ghi nhận cho thấy, hai tỉnh Đồng Nai và Gia Lai đang có cùng mức giá thu mua là 71.000 đồng/kg. Đây cũng là mức giá thấp nhất được ghi nhận tại thời điểm hiện tại.
Tại Đắk Lắk và Đắk Nông, nông dân đang thu mua hồ tiêu với mức giá 72.500 đồng/kg.
Tương tự, giá tiêu hôm nay tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Phước cũng đi ngang tại mức tương ứng là 73.500 đồng/kg và 74.000 đồng/kg.
Báo cáo tháng mới nhất của Simexco Daklak cho hay, nhiều chuyên gia trong ngành dự đoán giá tiêu tiếp tục tăng do khả năng giảm năng suất. Điều kiện khí hậu không thuận lợi trong vài tuần qua cũng có thể là một yếu tố góp phần làm giảm năng suất cây trồng.
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Lampung (Indonesia) chốt tại 3.976 USD/tấn, giảm 0,25%; giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 3.000 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA giữ mức 4.900 USD/tấn.
Giá tiêu trắng Muntok 6.174 USD/tấn, giảm 0,26%; giá tiêu trắng Malaysia ASTA vẫn ở 7.300 USD/tấn. Giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở 3.600 USD/tấn với loại 500 g/l, loại 550 g/l mức 3.700 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 5.200 USD/tấn.
IPC nhận định, thị trường hạt tiêu tuần qua tiếp tục cho thấy phản ứng trái chiều, với đà giảm ở Ấn Độ, Indonesia, ghi nhận tăng tại Việt Nam.
Bản tin tổng hợp tháng 10/2023 vừa được IPC phát hành cho thấy, chỉ số giá tiêu đen giảm 2,2% đạt 49,49 điểm, trong khi chỉ số giá tiêu trắng tương tự giảm nhẹ 1,2% đạt 54,10 điểm. Giá tổng hợp tiêu đen đạt 3.681 USD/tấn, giảm 84 USD. Trong khi đó, giá tổng hợp tiêu trắng đạt 5.598 USD/tấn, giảm 67 USD.
Trong cuộc họp thường niên lần thứ 51 của IPC diễn ra tại Malaysia trong ngày 7/11, Phó Thủ tướng đồng thời là Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Trồng trọt và Hàng hóa Malaysia, ông Datuk Seri Fadillah Yusof, cho biết sự mất cân bằng giữa cung và cầu là một trong những thách thức mà ngành hồ tiêu toàn cầu phải đối mặt.
Theo số liệu của IPC, tiêu thụ hồ tiêu toàn cầu giảm nhẹ trong năm ngoái xuống còn 213.000 tấn từ 224.000 tấn của năm 2021, phần lớn là do sự phục hồi chậm sau đại dịch và những điều chỉnh nhu cầu. Trong khi đó, sản lượng hạt tiêu toàn cầu năm 2022 đạt 537.000 tấn, giảm so với mức 548.000 tấn của năm 2021.
“Sự sụt giảm nguồn cung nhấn mạnh tầm quan trọng của Malaysia, cùng với mọi thành viên của IPC, trong việc phát triển các chương trình kích thích tiêu dùng. Sáng kiến này nên mở rộng ra ngoài các thị trường truyền thống bao gồm các thị trường mới, có thể bao gồm các chương trình hợp tác giữa các quốc gia thành viên”, ông Fadillah cho hay.
Các quốc gia thành viên của IPC là Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Sri Lanka và Việt Nam, trong khi Papua New Guinea và Philippines là thành viên liên kết.