Giá cà phê hôm nay quay đầu giảm
Giá cà phê hôm nay (14/3) giá cà phê trong nước quay đầu giảm tại một số địa phương so với cùng thời điểm hôm qua.
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 90.600 đồng/kg. Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 91.400 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 91.300 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 91.500 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 91.400 đồng/kg ở Đắk R'lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 91.300 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 91.200 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 91.200 đồng/kg.
Theo ghi nhận vào lúc 6h (giờ Việt Nam), giá cà phê trên thị trường thế giới tăng. Cụ thể, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 5/2024 được ghi nhận tại mức 3.307 USD/tấn sau khi tăng 0,85%.
Giá cà phê arabica giao tháng 5/2024 tại New York ở mức 185,9 US cent/pound sau khi tăng 0,49%.
Nhu cầu ở mức cao đã đẩy giá cà phê robusta nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên lên mức kỷ lục mới là 92.000 đồng/kg trong phiên giao dịch ngày 13/3, tăng hơn 33% so với đầu năm và gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.
Đồng thời mức giá này cũng cao hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại được giao dịch ở mức 176,4 US cent/bao (loại 60kg/bao), tương ứng khoảng 72.188 đồng/kg trên thị trường nội địa Brazil.
“Nhu cầu đang rất cao. Các nhà rang xay nhỏ và vừa cũng đang lâm vào tình cảnh khát hàng, nhưng buộc phải chấp nhận mức giá cao kỷ lục, trong bối cảnh giá cước cũng lên cao do căng thẳng Biển Đỏ”, ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Simexco DakLak cho hay.
Mặc dù vậy, Việt Nam được cho là đang phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Brazil khi các công ty nước ngoài bắt đầu rang hàng của nước này.
Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafé) cho biết, Brazil đã xuất khẩu kỷ lục hơn 1 triệu bao cà phê robusta ra thị trường thế giới trong 2 tháng đầu năm, tăng gấp 6,3 lần (531,2%) so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm 13,5% tổng xuất khẩu cà phê nhân của nước này.
Trong 12 tháng tính đến tháng 2/2024, Brazil đã xuất khẩu tổng cộng 5 triệu bao cà phê robusta, tăng 5,7 lần so với một năm trước. Cà phê robusta của Brazil được cho là có giá tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh và đang lấp đầy khoảng trống mà Việt Nam và Indonesia, hai nhà sản xuất hàng đầu để lại do mất mùa.
Ngoài Brazil, hiện tại một số quốc gia châu Phi cũng bắt đầu bước vào cuộc đua trồng robusta. Điển hình như Uganda. Nước này đang tập trung phát triển cà phê robusta bởi dễ trồng, năng suất cao. Các nhà rang xay cũng bắt đầu dùng hàng của Uganda.
Bên cạnh đó, nếu giá cà phê robusta vẫn tiếp tục tăng cao trong khi giá hạt arabica đang giảm, thì các nhà rang xay có thể quay trở lại sử dụng hạt arabica. Điều này sẽ bất lợi đối với hạt robusta và giá có thể giảm xuống. "Giá cà phê hay nhiều loại nông sản khác một khi đã giảm sau một đợt tăng nóng thì sẽ giảm rất mạnh và sâu", đại diện của một doanh nghiệp xuất khẩu lớn cho biết.
Giá tiêu hôm nay giữ ổn định
Giá tiêu hôm nay (14/3), ghi nhận giữ ổn định tại một số địa phương so với hôm qua, hiện dao động trong khoảng 92.500 - 95.500 đồng/kg.
Thương lái tại hầu hết các khu vực trọng điểm đang thu mua tiêu với giá không đổi so với trước đó.
Riêng tỉnh Bình Phước giảm nhẹ 500 đồng/kg, hiện đang giao dịch ở mức 94.500 đồng/kg.
Bắt đầu từ tháng 3, người trồng tiêu ở Đồng Nai, Bình Phước, Đăk Lăk, Gia Lai vào vụ thu hoạch. So với năm ngoái, giá tiêu năm nay tăng đột biến giúp người trồng lãi lớn.
Kết phiên ngày 13/3, giá tiêu đạt 95.000 đồng một kg, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức cao nhất 5 năm qua.
Ông Phạm Văn Trung ở Đồng Nai cho biết vừa thu hoạch 3 tấn tiêu vụ này. Với giá bán 95.000 đồng một kg, gia đình ông có thể thu về gần 300 triệu đồng. "Tôi mới bán khoảng 1 tấn tiêu đẹp, 2 tấn còn lại chờ giá tăng thêm", ông nói.
Đang được thương lái mua giá 105.000 đồng với tiêu loại 1, chị Mai Anh cho biết rất phấn khởi vì năm nay có lãi cao. "Giá tiêu hiện tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, với 2 tấn thu hoạch, tôi lãi hơn 140 triệu đồng (đã trừ chi phí)", chị Mai Anh cho hay.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thời gian qua tiêu là một trong những mặt hàng tăng giá sốc. Tháng 2 năm nay, giá xuất khẩu tiêu bình quân của Việt Nam ước đạt 4.082 USD một tấn, tăng 3% so với tháng 1 và 36% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lý giải giá tiêu tăng cao, theo các hộ trồng, năm nay sản lượng thấp hơn so với mọi năm do người dân giảm chăm sóc. Theo đó, thời kỳ hoàng kim, mỗi ha tiêu cho thu hoạch 7-8 tấn, nay còn 4-5,5 tấn.
Đồng quan điểm, ông Phạm Trung, thương lái thu mua tiêu ở miền Đông Nam Bộ, cho biết nguồn cung vụ này giảm trong khi nhu cầu thị trường tăng nên giá tiêu liên tục tăng 2 tháng đầu năm. "Mọi năm, thời điểm này tôi mua vài tấn một ngày, nay chỉ khoảng vài tạ vì mới đầu mua và diện tích thu hoạch chưa nhiều", ông Trung nói.
Năng suất thấp, tuy nhiên nhờ giá tăng cao giúp người trồng lãi lớn. Hiện mỗi ha thu về 500-600 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, người trồng có lãi khoảng 350-400 triệu đồng một ha.
Ông Nguyễn Hùng - người có 2 ha tiêu ở Đăk Lăk - cho biết vụ tiêu năm nay là lãi lớn nhất sau 4 năm thua lỗ hoặc hòa vốn.
Trong nước, giá hạt tiêu đen tháng 2 tăng từ 10.000-11.000 đồng một kg so với cuối tháng 1/2024. Chốt phiên giao dịch trên sàn giao dịch hàng hóa ngày 12/3, giá tiêu đang được bán ở mức 95.000 đồng một kg. Tại các hộ trồng, giá mặt hàng này được mua ở mức cao hơn, dao động 96.000-105.000 đồng.
Báo cáo của Bộ Công Thương, đánh giá sản lượng vụ mùa năm nay đang thu hoạch của Việt Nam sẽ giảm khoảng 10,5% so với vụ trước, xuống còn 170.000 tấn, mức thấp nhất 5 năm gần đây. Trong khi nguồn cung từ các nước Indonesia, Brazil, Malaysia, Campuchia không bù đắp đủ cho lượng giảm xuất khẩu của Việt Nam sẽ đẩy giá hạt tiêu tăng "nóng" ngay từ đầu vụ.
Bộ cũng cho rằng thị trường hạt tiêu toàn cầu sẽ diễn ra sôi động. Do chênh lệch mùa vụ nên giá tiêu tiếp tục neo ở mức cao. Trong số những nước có sản lượng hạt tiêu lớn, Brazil đã qua mùa thu hoạch, Việt Nam bước vào mùa, trong khi chính vụ của Indonesia và Malaysia vào tháng 7 hàng năm.
Hiện, người tiêu dùng trên thế giới sẵn sàng trả giá cao cho hạt tiêu chất lượng cao. Trong đó, các thị trường Mỹ, EU, Trung Đông,... gia tăng nhu cầu nhập các sản phẩm đáp ứng tính bền vững về các khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, ngành hồ tiêu Việt chiếm 40% sản lượng, nhưng chiếm 60% thị phần xuất khẩu. Việt Nam đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu trong hơn 20 năm qua.
Thống kê từ hải quan, cho thấy 2 tháng đầu năm, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt khoảng 35.000 tấn, trị giá 143 triệu USD, giảm 12,3% về lượng, nhưng tăng 12,9% về giá trị . Việt Nam giảm xuất khẩu hạt tiêu sang nhiều thị trường truyền thống, như: Mỹ, Philippine, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Pháp, Trung Quốc..., nhưng tăng xuất khẩu sang các thị trường Ấn Độ, Đức, Hàn Quốc, Anh.