Giá cà phê hôm nay đảo chiều tăng
Giá cà phê hôm nay (13/3) giá cà phê trong nước đảo chiều tăng tại một số địa phương so với cùng thời điểm hôm qua.
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 90.700 đồng/kg. Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 91.500 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 91.400 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 91.600 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 91.500 đồng/kg ở Đắk R'lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 91.400 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 91.300 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 91.300 đồng/kg.
Theo ghi nhận, giá cà phê trên thị trường thế giới tăng. Theo đó, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 3/2024 được ghi nhận tại mức 3.170 USD/tấn sau khi tăng 6,13% (tương đương 186 USD).
Giá cà phê arabica giao tháng 3/2024 tại New York ở mức 185,25 US cent/pound sau khi tăng 2,92% (tương đương 5,25 US cent) tại thời điểm khảo sát vào lúc 6h40 (giờ Việt Nam).
Giá cà phê tại thị trường nội địa Việt Nam và Indonesia đã đạt mức kỷ lục mới trong tuần trước, do do tồn kho thấp và nhu cầu vẫn rất cao. Mức giá chênh lệch được đẩy lên rất cao, ở mức 500 – 550 USD/tấn với cà phê Robusta loại II, 5% đen vỡ và ở mức 750 – 800 USD/tấn với cà phê Sumatra loại 4, 80 hạt lỗi.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân tích, nguyên nhân chính khiến giá cà phê Robusta xuất khẩu tăng do lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Nắng nóng xuất hiện tại vùng trồng cà phê trọng điểm khiến nhiều nhà nhập khẩu lo ngại về triển vọng nguồn cung cà phê Robusta vụ mới sẽ khó khăn, bởi Việt Nam là nước xuất khẩu Robusta lớn nhất thế giới.
Dự báo sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2023-2024 có thể giảm 10% xuống 1,656 triệu tấn, mức thấp nhất trong 4 năm, do hạn hán. Trong khi đó, tồn kho cà phê Robusta trên thế giới tiếp tục bấp bênh khiến tâm lý thị trường luôn trong tình trạng lo ngại thiếu hụt nguồn cung.
Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho biết, tháng 2/2024, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa tăng mạnh so với cuối tháng 1/2024 do nhu cầu vẫn ở mức cao. Theo ước tính, tháng 2/2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 200.000 tấn, trị giá 655 triệu USD, giảm 16,1% về lượng và giảm 9,8% về trị giá so với tháng 1/2024, so với tháng 2/2023 giảm 0,2% về lượng, nhưng tăng 50,3% về trị giá.
Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 438.000 tấn, trị giá 1,38 tỷ USD, tăng 27,9% về lượng và tăng 85% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Tháng 2/2024, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 3.276 USD/tấn, tăng 7,4% so với tháng 1/2024 và tăng 50,6% so với tháng 2/2023. Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 3.153 USD/tấn, tăng 44,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Về chủng loại xuất khẩu, tháng 1/2024, Việt Nam tăng xuất khẩu cà phê Robusta và Arabica so với tháng 12/2023, nhưng giảm xuất khẩu cà phê Excelsa và chế biến. So với tháng 1/2023, Việt Nam tăng xuất khẩu hầu hết các chủng loại cà phê, ngoại trừ cà phê Arabica.
Theo thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2024, Việt Nam xuất khẩu cà phê Robusta đạt xấp xỉ 216,38 nghìn tấn, trị giá 613,57 triệu USD, tăng 15,4% về lượng và tăng 25,7% về trị giá so với tháng 12/2023, so với tháng 1/2023 tăng 68% về lượng và tăng 155,7% về trị giá.
Trong đó, Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu cà phê Robusta sang nhiều thị trường, như Italy, Tây Ban Nha, Nga, Indonesia, Bỉ, Trung Quốc, Philippines… Ngược lại, xuất khẩu cà phê Robusta sang một số thị trường truyền thống giảm, như Đức, Nhật Bản, Mỹ…
Tháng 1/2024, xuất khẩu cà phê Arabica đạt 5,25 nghìn tấn, trị giá 20,15 triệu USD, tăng 78,5% về lượng và tăng 83,1% về trị giá so với tháng 12/2023, nhưng so với tháng 1/2023 giảm 27,1% về lượng và giảm 25,7% về trị giá. Trong đó, xuất khẩu cà phê Arabica sang nhiều thị trường ghi nhận mức tăng trưởng cao so với tháng 12/2023 và so với tháng 1/2023, như: Mỹ, Nhật Bản, Indonesia, Philippines, và Nga.
Giá tiêu hôm nay đồng loạt tăng
Giá tiêu hôm nay (13/3), dao động trong khoảng 92.500 - 95.500 đồng/kg.
Theo đó, hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông đang có giá tiêu cao nhất là 95.500 đồng/kg sau khi tăng 1.000 đồng/kg.
Theo sau đó là tỉnh Bình Phước với giá giao dịch ghi nhận được ở mức 95.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg - cùng với Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thời tiết mùa khô nắng nóng, nhưng vườn hồ tiêu 1 ha của vợ chồng chị Wưm, ở xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa không ngớt tiếng cười. Theo chị Wưm, năm nay dự kiến vườn cây sẽ cho 3 tấn hạt tiêu. Với giá hạt tiêu trên 90 triệu đồng/tấn, gia đình chị sẽ hoàn thành ước mơ xây ngôi nhà mới.
“Bà con Hà Bầu chúng tôi hái tiêu từ tháng 1 đến đầu tháng 4, bây giờ sắp xong rồi. Giá tiêu năm ngoái thì thấp, năm nay thì rất cao, bà con rất mừng” - chị Wưm chia sẻ.
Tại Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang, ở xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai-nơi có 110 thành viên, với 80 ha hồ tiêu sản xuất theo hướng bền vững thì niềm vui còn lớn hơn nhiều. Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc hợp tác xã cho biết, hồ tiêu của hợp tác xã được mua giá cao hơn thị trường 3.000 đồng/1kg, riêng 15 ha hồ tiêu được chứng nhận hữu cơ luôn được mua cao hơn so với giá thị trường 25%.
Theo bà Nga: “Hiện nay giá tiêu đang lên bà con rất vui mừng, phấn khởi. Năm ngoái giá 68.000-70.000 đồng/kg, thì năm nay lên từ 92.000-95.000 đồng/kg rồi. Hiện nay, bà con đang chăm lại vườn, thu hoạch, bón phân và trồng lại những vườn tiêu còn trụ. Hi vọng giá tiêu và nông sản các loại tăng để bà con có thêm chi phí, thu nhập, cải thiện đời sống, yên tâm canh tác”.
Tỉnh Gia Lai có 8.800 ha hồ tiêu đang ở giai đoạn kinh doanh, sản lượng vụ này ước khoảng 30.000 tấn. Sau nhiều năm mức giá “nhảy múa”, khiến nông dân khóc cười theo cây hồ tiêu, năm nay giá hạt tiêu vượt mốc 90.000 đồng/kg là phần thưởng lớn cho những người kiên trì bám trụ với loại cây này.
Bà Nguyễn Vũ Hoàng Yên, Chủ tịch UBND xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai cho biết, trước việc giá hồ tiêu tăng cao, chính quyền địa phương khuyến cao người dân không ồ ạt mở rộng diện tích, mà kiên trì hướng canh tác bền vững để đứng vững trước sự biến động của giá cả và dịch bệnh.
“Tổng diện tích hồ tiêu của xã là 220 ha, sản lượng từ 2,5 - 3 tấn/ha. Đối với các hộ sản xuất theo hướng hữu cơ bền vững thì có thể lên tới 4 ha. Đây là một xu hướng, xã đang vận động nhân dân canh tác theo hướng này để nâng cao năng suất, sản lượng, giá trị của cây hồ tiêu” - bà Yên chia sẻ.