Giá cà phê hôm nay quay đầu giảm
Giá cà phê hôm nay (12/3), ghi nhận quay đầu giảm 300 đồng/kg, hiện giao dịch trung bình ở mức 91.000 đồng/kg.
Giá cà phê cao nhất thu mua ở các vùng trọng điểm của Tây Nguyên (Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Nông, Kon Tum) được ghi nhận ở mức 91.100 đồng/kg.
Theo đó, tỉnh Lâm Đồng có giá thấp nhất là 90.200 đồng/kg. Kế đến là tỉnh Gia Lai với 90.900 đồng/kg.
Cùng thời điểm khảo sát, tỉnh Đắk Lắk có giá thu mua là 91.000 đồng/kg.
Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch là 91.100 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương được khảo sát.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 5/2024 giảm 18 USD/tấn, ở mức 3.279 USD/tấn, giao tháng 7/2024 giảm 151 USD/tấn, ở mức 3.175 USD/tấn.
Giá cà phê Arabica giao tháng 5/2024 giảm 0,2 cent/lb, ở mức 185 cent/lb, giao tháng 7/2024 giảm 0,3 cent/lb, ở mức 183,15 cent/lb.
Theo số liệu thống kê từ Eurostat, năm 2023, thị trường Italy nhập khẩu cà phê từ thị trường ngoại khối EU đạt 624,61 nghìn tấn, trị giá 1,94 tỷ EUR (tương đương gần 2,1 tỷ USD), giảm 4,2% về lượng và giảm 8,2% về trị giá so với năm 2022.
Dù nhập khẩu cà phê của Italy giảm trong năm 2023, tuy nhiên với dung lượng thị trường nhập khẩu lớn, Italy vẫn là thị trường tiềm năng lớn đối với các nhà sản xuất cà phê trên thế giới. Cà phê là một phần không thể thiếu trong văn hóa của người dân Italy.
Dự báo thị trường cà phê Italy sẽ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 3,35%/năm trong giai đoạn 2024 - 2029. Kết quả điều tra thị trường cho thấy, cà phê Robusta thống trị thị trường cà phê tại Italy, với 56% thị phần vào năm 2023. Hạt cà phê Robusta có hàm lượng caffeine cao khiến chúng ít chua hơn và đậm đà hơn. Đây được cho là cơ hội lớn cho các nhà xuất khẩu cà phê của Việt Nam.
Năm 2023, Italy nhập khẩu cà phê chủ yếu từ các nguồn cung ngoại khối EU, gồm: Brazil, Việt Nam, Uganda, Ấn Độ, Tanzania,… Trong đó, Italy nhập khẩu cà phê từ Brazil trong năm 2023 đạt 198,37 nghìn tấn, trị giá 727,31 triệu USD, giảm 0,8% về lượng và giảm 10,1% về trị giá so với năm 2022.
Thị phần cà phê của Brazil trong tổng lượng nhập khẩu của Italy từ thị trường ngoại khối EU tăng từ 30,65% năm 2022 lên 31,76% trong năm 2023.
Năm 2023, Italy nhập khẩu cà phê từ Việt Nam đạt 150,13 nghìn tấn, trị giá 345,38 triệu USD, giảm 0,5% về lượng và giảm 1,2% về trị giá so với năm 2022. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Italy từ thị trường ngoại khối EU tăng từ 23,13% năm 2022 lên 24,04% trong năm 2023.
Năm 2023, Italy giảm nhập khẩu cà phê từ thị trường Uganda và Ấn Độ, nhưng tăng mạnh nhập khẩu từ thị trường Tanzania, tăng 173,2% về lượng và tăng 172,3% về trị giá so với năm 2022.
Dù vậy, lượng và trị giá nhập khẩu cà phê của Italy từ Tanzania vẫn duy trì ở mức thấp. Trong tương lai, Brazil và Việt Nam vẫn là 2 nguồn cung cà phê chủ yếu cho Italy.
Giá tiêu hôm nay chưa có điều chỉnh mới
Giá tiêu hôm nay (12/3), ghi nhận chưa có điều chỉnh mới tại các địa phương so với hôm qua, hiện đang dao động trong khoảng 92.500 - 95.000 đồng/kg.
Theo đó, hai tỉnh Gia Lai và Đồng Nai duy trì giá thu mua tiêu không đổi ở mức 92.5000 đồng/kg.
Cùng thời điểm khảo sát, thương lái tại Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước đang thu mua tiêu với giá 94.500 đồng/kg
Giá thu mua tiêu cao nhất khu vực hiện được ghi nhận tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là 95.000 đồng/kg.
Nhận định về thị trường tuần này, chuyên gia cho biết, thị trường vẫn đang trong chu kỳ tăng giá. Trong quá trình đi lên, giá tiêu sẽ có một vài nhịp điều chỉnh xuống trước khi tăng trở lại.
Hiện nhu cầu tiêu thụ tiêu toàn cầu 1 năm khoảng 600.000 - 700.000 tấn. Châu Á nơi tiêu thụ nhiều hồ tiêu nhất thế giới với 400.000 tấn, trong đó một nửa nhập khẩu, một nửa tự sản xuất. Châu Mỹ tiêu thụ 110.000 tấn, trong đó nhập từ nước khác đến 90.000 tấn, còn châu Âu hầu như nhập khẩu.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC), sản lượng hồ tiêu toàn thế giới sẽ giảm khoảng 2% trong năm 2024. Sản lượng hồ tiêu của Việt Nam có thể giảm xuống khoảng 170.000 tấn, mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, tuy nhiên xuất khẩu vẫn có thể đạt khoảng 240.000 tấn.
Ở trong nước, tâm lý giữ hàng của nông dân mạnh hơn các năm, do tình hình kinh tế khả quan hơn nên họ không bán vội vàng ngay khi mới thu hoạch, mà trữ lại chờ được giá.
Việc chênh lệch cung - cầu có thể khiến giá tiêu tiếp tục tăng trong thời gian tới. Nguồn cung tiêu của Việt Nam và các nước lớn trên thế giới giảm khiến thị trường toàn cầu thâm hụt lớn.
Theo dự báo Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2024 tiếp tục giảm 1,1% tương đương 6.000 tấn, chủ yếu là do sản lượng giảm tại Việt Nam. Trong khi, IPC dự báo sản lượng tăng tại Brazil và Ấn Độ dù vẫn còn phụ thuộc vào yếu tố thời tiết. Các quốc gia sản xuất khác có thể duy trì sản lượng tiêu với mức thay đổi không đáng kể.
Tại Việt Nam, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam dự báo, sản lượng tiêu năm nay dự kiến giảm 10% xuống 170.000 tấn so với năm ngoái, mức thấp nhất trong vòng 5 năm gần đây.
Sức ép của suy giảm nguồn cung sẽ tác động tích cực lên giá. Điều này tạo động lực cho bà con đầu tư nhiều hơn cho vườn tiêu.
Nhu cầu hạt tiêu trên thế giới là rất lớn. Sau thời gian dài thị trường tiêu đi xuống ở giai đoạn trước, các nhà nhập khẩu không tích luỹ nhiều. Do đó, hiện tại họ tăng cường nhập khẩu trở lại vì sợ rằng giá sẽ còn tăng thêm trong khi nguồn cung ở các nước đều giảm. Hai yếu tố này cùng lúc sẽ tác động đến giá trong thời gian tới.