Giá mía giảm mạnh so với đầu mùa Nghệ An: Người dân phấn khởi vì giá mía đường nguyên liệu được tăng thêm 60.000đ/tấn Hậu Giang: Người nông dân 'chán' trồng mía |
Hiện giá mía ở Hậu Giang tăng cao kỷ lục do thương lái đẩy mạnh thu mua mía chục. |
Giá mía cao kỷ lục người trồng lãi lớn
Thông tin từ người trồng mía trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, từ đầu vụ thu hoạch mía chục (mía dùng làm nước giải khát) đến nay, bà con rất phấn khởi vì thu được nguồn lợi nhuận hấp dẫn do giá mía ở mức cao kỷ lục.
Vừa bán xong 2ha mía chục (giống mía ROC 16) cho thương lái, ông Nguyễn Văn Hó, ở ấp Lái Hiếu, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Gia đình tôi bán mía chục được giá 2.500 đồng/kg, tuy nhiên có nhiều hộ bán trước đó được giá tới 3.200 đồng/kg”.
Đây được xem là mức giá cao kỷ lục từ trước đến nay đối với người trồng mía nơi đây. Với năng suất đạt 12 tấn mía/công, người trồng mía xứ này có lợi nhuận hơn 20 triệu đồng/công.
Nhà máy đường đã tăng giá thu mua mía nhưng người dân vẫn chọn cách bán cho thương lái. |
Những năm gần đây, do giá thu mua mía từ nhà máy đường ở mức thấp, cộng với việc thuê mướn nhân công thu hoạch mía gặp khó khăn do thiếu hụt lao động và giá thuê ở mức cao nên nhiều nông dân trồng mía tại huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy đã chuyển sang trồng và bán mía chục cho thương lái chở đi tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố khá phổ biến.
Theo đó, qua ghi nhận của ngành nông nghiệp tỉnh thì vụ mía 2021-2022, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh xuống giống được gần 3.850ha, tập trung chủ yếu tại huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy. Hiện tại, nông dân đã thu hoạch được hơn 2.000ha (bình quân mỗi tuần thu hoạch khoảng 100ha), với năng suất bình quân đạt 100 tấn/ha.
Nhà máy 'khát' mía vẫn chưa thể hoạt động
Ngày 25/11, ông Trần Văn Tuấn- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang thông tin, để tạo điều kiện cho nông dân bán mía cho Nhà máy đường Phụng Hiệp, giúp Nhà máy có đủ sản lượng mía đi vào vụ ép, Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) vừa công bố điều chỉnh tăng giá thu mua mía. Tuy nhiên, nông dân Hậu Giang vẫn chọn hình thức bán mía chục cho thương lái.
Trước đó, Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) công bố giá thu mua đầu vụ ở mức 1.300 đồng/kg mía 10 CCS, cao hơn 300 đồng/kg so với năm rồi. Mới đây, Casuco tiếp tục tăng giá thu mua mía lên từ 50-80 đồng/kg, tùy theo hình thức thu mua. Theo đó, Công ty mua mía theo chữ đường với mức giá 1.380 đồng/kg mía 10 CCS tại cầu cảng Nhà máy đường và mua mía xô không tính tạp chất và chữ đường với giá 1.350 đồng/kg tại cầu cảng Nhà máy đường, mía được cân xác định trọng lượng tại nhà máy để thanh toán tiền. Đối tượng áp dụng là tất cả hộ trồng mía nằm trong vùng nguyên liệu của Casuco, bao gồm các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng.
Tuy Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ đã tăng giá thu mua nhưng nông dân Hậu Giang vẫn chọn hình thức bán mía chục (mía dùng làm nước giải khát) cho thương lái, với giá từ 1.700-3.200 đồng/kg. Theo người trồng mía Hậu Giang, bán mía theo hình thức này vừa có giá cao hơn Nhà máy đường, vừa không phải tốn tiền thuê nhân công thu hoạch và chuyên chở mía, cũng như không lo về tạp chất, chữ đường. Do thiếu mía nguyên liệu nên đến nay Nhà máy đường Phụng Hiệp vẫn chưa đi vào vụ ép.
Đã có thời gian giá mía giảm mạnh, thương lái dừng thu mua khiến người trồng mía lao đao. |
Vụ mía 2021-2022, nông dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang xuống giống được gần 3.850ha, tập trung ở huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy. Đến nay, bà con đã thu hoạch được khoảng 3.200ha dùng để bán mía chục, với năng suất đạt từ 100-105 tấn/ha.
Ông Trần Văn Tuấn- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết: "Hiện nay diện tích mía còn khoảng 600ha. Nói chung từ đầu vụ tới giờ người dân bán mía chục là nhiều, hiện nay vẫn còn đang bán. Thương lái bên ngoài vẫn còn mua giá cao nên người dân vẫn cứ bán mía chục".
Giá mía tăng cao kỷ lục nên người dân chọn phương án bán cho thương lái, bán nhanh, thu tiền nhanh. Tuy nhiên điều này dẫn tới hệ lụy nhà máy đường trên địa bàn sẽ không thể hoạt động do thiếu mía nguyên liệu. Điều này cần tìm ra giải pháp liên kết giữa người trồng mía và doanh nghiệp để phát triển bền vững vùng trồng mía./.