Giá cà phê cao kỷ lục, nông dân lãi gấp 2- 4 lần trồng lúa. |
Giá cà phê cao kỷ lục
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 12/2023 đạt 207.613 tấn, trị giá 599,4 triệu USD, tăng mạnh 74% về lượng và 68% về trị giá so với tháng 11 trước đó, đồng thời tăng 5,4% về lượng và 40,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu cà phê tiếp tục tăng trong tháng cuối cùng của năm 2023 nhờ nguồn cung được bổ sung từ vụ thu hoạch 2023 - 2024 và nhu cầu ở mức cao từ các nhà nhập khẩu quốc tế.
Kết thúc năm 2023, xuất khẩu cà phê đạt hơn 1,6 triệu tấn (khoảng 27 triệu bao), giảm 8,7% so với năm 2022 nhưng kim ngạch thu về tăng 4,6% lên mức kỷ lục hơn 4,24 tỷ USD.
Năm vừa qua chứng kiến sự bùng nổ của giá cà phê trong nước và xuất khẩu. Đây cũng là yếu tố chính giúp cho ngành cà phê tiếp tục gia tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu dù sản lượng sụt giảm.
Tính bình quân năm 2023, giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 2.614 USD/tấn, tăng 14,5% so với năm 2022.
Trong nước, giá cà phê robusta nhân xô đã tăng 70- 75% trong năm 2023, từ mức 40.000 đồng/kg thời điểm đầu năm lên 70.000 đồng/kg trong những ngày cuối năm.
Bước sang tháng 1/2024, giá cà phê tại các tỉnh sản xuất trọng điểm ở Tây Nguyên tiếp tục tăng và tiến sát cột mốc lịch sử mới là 71.000 đồng/kg vào ngày 11/1, vượt qua mức đỉnh cũ là 70.000 đồng/kg đạt được vào năm ngoái. Việc giá liên tục tăng cao ngay trong vụ thu hoạch báo hiệu một vụ mùa bội thu tiếp theo của ngành cà phê.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, năm 2024, ngành cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ giá cà phê robusta sẽ duy trì ở mức cao, thậm chí có thể lập đỉnh do lo ngại thiếu hụt nguồn cung.
Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, niên vụ 2023/2024, sản lượng cà phê của Việt Nam dự kiến sẽ giảm xuống 1,6 – 1,7 triệu tấn, thấp hơn so với 1,78 triệu tấn niên vụ 2022-2023.
“Năm 2024, có nhiều thông tin trái chiều tác động đến giá cà phê toàn cầu. Quý I/2024, giá cà phê robusta và arabica sẽ duy trì ở mức cao do lo ngại nguồn cung thiếu hụt, tồn kho thấp nhất trong 12 năm trở lại đây”, Cục Xuất nhập khẩu nhận định.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group nhận định với tình hình hiện tại, chỉ cần đến tháng 4 - 5/2024 là có thể tiêu thụ hết hàng. Trong năm 2023, tình hình khan hiếm hàng bắt đầu từ tháng 6, đẩy giá cà phê trong nước tăng cao.
"Châu Âu gần như chỉ có thể trông vào Việt Nam để mua cà phê robusta. Vì vậy, nhiều khả năng giá cà phê ở Việt Nam vẫn tiếp tục đà tăng trong năm 2024, thậm chí cao nhất thế giới", ông Nam nói thêm.
Nông dân trồng cà phê lãi đậm
Nông dân trúng lớn vì cà phê được giá. Ảnh VGP |
Trồng hơn 6ha cà phê, giá bán cao gấp đôi năm ngoái nên ông Nguyễn Văn Tạo ở Đắk Nông ước tính thu khoảng 240 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt khoảng 120-130 triệu đồng/ha.
Chị Hải ở Kon Tum vừa bán 6 tấn cà phê nhân với giá 71 triệu đồng một tấn, tăng gần 80% so với cùng kỳ năm ngoái. "Tôi tính để hết Tết Nguyên Đán mới bán nhưng khi thấy được trả mức ngoài sức tưởng tưởng nên quyết định xuất bán", chị nói.
Nếu năm ngoái chị phải tìm mối, năm nay các cơ sở vào tận nhà thu mua và liên tục đưa ra giá cao. Nhờ vậy, gia đình thu về 426 triệu đồng, mức thu nhập cao nhất nhiều năm qua, gấp 2-4 lần trồng lúa.
Tương tự, chị Lan ở Gia Lai cũng kể năm nay bội thu vì vừa bán với mức giá 70,8 triệu đồng một tấn. "Tôi không nghĩ vào đúng vụ thu hoạch giá cà phê lại cao hơn cả lúc hết vụ, ngược xu hướng chung nhiều năm qua", chị Lan nhận định.
Ông Lê Thành Trung ở Gia Lai cũng cho biết năm nay có thời điểm giá cà phê tươi tại Gia Lai được thu mua ở mức 15.000 đồng một kg, còn với hộ phơi để xay nhân, dù sản lượng giảm vẫn lãi lớn.
Không chỉ nông dân ở Kon Tum, Gia Lai mà tại Đăk Lăk, Lâm Đồng, Sở Nông nghiệp các tỉnh cũng cho biết vụ cà phê năm nay, với giá bán bình quân 65.000 đồng một kg nhân, mỗi ha nông dân địa phương thu nhập 180-300 triệu đồng (tùy tuổi đời cây), trừ chi phí còn lãi 120-200 triệu, tăng 60-80 triệu đồng so với năm 2022.
"Lịch sử xuất khẩu hơn 30 năm qua của Việt Nam và trong chính vụ thu hoạch chưa bao giờ giá cà phê lại cao như vậy", ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội cà phê - ca cao Việt Nam, nhận xét. Nhờ đó, nông dân trồng cà phê ở nước ta thu nhập gấp đôi năm trước.
Cà phê của Việt Nam thì xuất khẩu “đắt như tôm tươi”. Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh, nhận xét, chưa bao giờ cà phê trong nước rơi vào tình trạng hết hàng để bán như vậy.
Nếu trước kia, cà phê Việt Nam không được đánh giá cao, bị coi là chất lượng thấp nên giá bán thấp thì nay, cà phê trong nước trở thành lựa chọn hàng đầu trong phân khúc Robusta. Ngoài ra, Việt Nam gần như là nhà cung cấp cà phê Robusta số 1 không chỉ về sản lượng mà còn về chất lượng và khả năng cung ứng.
Hiện Phúc Sinh không đủ người để tiếp các đoàn khách từ nhiều nơi trên thế giới để tìm hiểu và mua cà phê Việt Nam, ông Thông chia sẻ.