Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi): Cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hơn Tiếp tục nâng cao chất lượng, khẳng định hiệu quả hoạt động Quốc hội |
Toàn cảnh phiên họp. |
Tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần cho biết, dự thảo Nội quy (sửa đổi) quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục cho việc tiến hành kỳ họp Quốc hội; quy định cụ thể thẩm quyền của chủ thể khi tiến hành một số thủ tục tại kỳ họp Quốc hội; dành 01 điều để quy định dẫn chiếu các luật, nghị quyết đã quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục tiến hành các nội dung tại kỳ họp Quốc hội, bao gồm: xem xét, thông qua luật, nghị quyết; giám sát tối cao, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; quyết định trưng cầu ý dân; tiếp công dân.
Do dự thảo Nội quy (sửa đổi) bổ sung 05 điều, sửa đổi 39 điều và kế thừa giữ nguyên 13 điều, tăng 01 điều so với Nội quy hiện hành, nên đề nghị hình thức văn bản là Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
Nội dung dự thảo Nội quy (sửa đổi) gồm 3 chương với 57 điều: Chương I - Những quy định chung, gồm 13 điều (từ Điều 1 đến Điều 13); Chương II quy định về Phiên họp tại Kỳ họp Quốc hội, gồm 14 điều (từ Điều 14 đến Điều 27); Chương III quy định về Quyết định vấn đề quan trọng của đất nước, gồm 30 điều (từ Điều 28 đến Điều 57).
Dự thảo Nội quy sửa đổi lần này gồm 25 vấn đề mới, trong đó, những vấn đề sửa đổi, bổ sung tại Chương I, gồm 06 nhóm vấn đề; tại Chương II, gồm 10 nhóm vấn đề; tại Chương III, gồm 9 nhóm vấn đề.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại cuộc họp. |
Phát biểu tại cuộc họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá cao Ban soạn thảo và các các thành viên Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng như các cơ quan, đơn vị liên quan đã góp ý nhiều lần, nhiều vòng đối với dự thảo Nghị quyết. Trên cơ sở đó, Ban soạn thảo đã tiếp thu tối đa các ý kiến đề rà soát, điều chỉnh cho phù hợp.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) đã qua các bước lấy ý kiến của các đại biểu Quốc, chuyên gia qua ở các hội thảo, tọa đàm và trên cơ sở thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Pháp luật, đến thời điểm này, cơ bản dự thảo Nghị quyết đáp ứng được yêu cầu đặt ra trước khi tiếp tục hoàn thiện, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đóng góp ý kiến tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022 và trình Quốc hội xem xét.
Thay mặt cơ quan thẩm tra dự án Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên nhấn mạnh: Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành và 04 mục đích, quan điểm xây dựng dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) (sau đây gọi là dự thảo Nội quy kỳ họp) như được nêu trong Tờ trình của Ban soạn thảo.
Nội dung của dự thảo Nội quy kỳ họp phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và đã được rà soát, cơ bản bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật. Hồ sơ bao gồm đầy đủ các tài liệu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đồng thời, tán thành với đề nghị của Ban soạn thảo về việc báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung dự thảo Nghị quyết này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) theo trình tự xem xét, thông qua tại một kỳ họp Quốc hội.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên, hiện vẫn còn một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau về: Thời hạn gửi tài liệu kỳ họp đến các vị đại biểu Quốc hội (Điều 8); Giảm thời gian trình bày tờ trình, báo cáo tại phiên họp toàn thể (Điều 16); Thời gian phát biểu của đại biểu tại phiên họp toàn thể (Điều 17); Vai trò của Chủ tọa, người điều hành phiên họp (Điều 17); Tranh luận, chất vấn lại (Điều 19); Biểu quyết hỗn hợp (Điều 19); Trình tự thông qua Nghị quyết thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia; Quy trình, thủ tục xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội tại 02 hoặc nhiều kỳ họp Quốc hội; Xung đột pháp luật giữa dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) với các văn bản quy phạm pháp luật.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên. |
Tại Phiên họp, các đại biểu đã tập trung cho ý vào các nội dung: Thời hạn gửi tài liệu kỳ họp đến các vị đại biểu Quốc hội; thời gian phát biểu của đại biểu tại phiên họp toàn thể; tranh luận, chất vấn tại phiên chất vấn; biểu quyết hỗn hợp...
Về nội dung thời hạn gửi tài liệu kỳ họp đến các vị đại biểu Quốc hội, đa số các đại biểu đề nghị quy định thời hạn gửi Tờ trình dự thảo Nghị quyết cần sớm hơn thời hạn gửi Báo cáo thẩm tra vì khi có Tờ trình chính thức, các cơ quan mới tiến hành thẩm tra nên báo cáo thẩm tra thường được hoàn thiện muộn hơn Tờ trình.
Đối với thời gian phát biểu của đại biểu tại phiên họp toàn thể (Điều 17), có đại biểu đề nghị sửa đổi quy định thời gian phát biểu là 05 phút, vì đây vấn đề đổi mới đã được áp dụng tại nhiều kỳ họp trong các nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, đã giúp cho mỗi phiên họp có nhiều đại biểu Quốc hội được phát biểu hơn. Tuy nhiên, do có nhiều ý kiến đề nghị giữ quy định thời gian phát biểu là 07 phút như Nội quy hiện hành để đại biểu Quốc hội có thể trình bày thấu đáo quan điểm của mình nên dự thảo Nội quy thể hiện theo hướng này.
Về tranh luận, chất vấn lại (Điều 19), có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về việc tranh luận trong hoạt động chất vấn tại khoản 3, Điều 19: Đại biểu Quốc hội có quyền tranh luận với người bị chật vận để làm rõ hơn vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Thời gian tranh luận không quá 03 phút. Vì thực tế tại các phiên chất vấn trong thời gian gần đây, mỗi đại biểu chỉ có 01 phút để chất vấn và phải đợi đến lượt mới được hỏi, trong khi có trường hợp đại biểu không có câu hỏi nhưng lại được quyền tranh luận, không cần đợi theo thứ tự đăng ký và có đến 03 phút để tranh luận là không công bằng. Do đó, đề nghị làm rõ nguyên tắc bất kỳ đại biểu nào hay chỉ có đại biểu đặt câu hỏi đó mới có quyền tranh luận với người trả lời chất vấn. Bên cạnh đó, cần làm rõ sự khác nhau giữa khái niệm tranh luận trong hoạt động chất vấn với khái niệm chất vấn lại quy định tại điểm c khoản 3 Điều 15 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Có ý kiến cho rằng tại phiên chất vấn, nếu người trả lời chất vấn giải trình chưa rõ thì đại biểu Quốc hội cần tranh luận, truy vấn đến cùng nhằm mục đích làm sáng tỏ vấn đề với tính xây dựng cao, tìm ra giải pháp khắc phục khả thi, hữu hiệu và không chỉ đại biểu có câu hỏi mà đại biểu khác có cùng sự quan tâm cũng có quyền tranh luận với người bị chất vấn. Còn chất vấn lại quy định tại điểm c khoản 3 Điều 15 được hiểu là đại biểu đã chất vấn nhưng không hài lòng với câu trả lời thì có quyền chất vấn lại người bị chất vấn. Theo quy định hiện hành, việc chất vấn lại cũng là chất vấn và có thời gian như nhau.
Dự thảo Nội quy (sửa đổi) đã nội quy hóa đổi mới trong hoạt động chất vấn đã được thực tiễn kiểm nghiệm đó là giảm thời gian chất vấn, chất vấn lại xuống 01 phút. Theo đó, để bảo đảm công bằng, thời gian tranh luận cũng chỉ nên trong khoảng 01 phút đến 02 phút.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang đóng góp ý kiến. |
Về biểu quyết hỗn hợp (Điều 19), có đại biểu đề nghị quy định hình thức biểu quyết linh hoạt hơn trong trường hợp đặc biệt như khi dịch bệnh diễn biến phức tạp trong thời gian qua nhằm bảo đảm quyền biểu quyết của các vị đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp theo hình thức trực tuyến. Theo đó, đề nghị bổ sung hình thức biểu quyết hỗn hợp giữa biểu quyết điện tử và biểu quyết bằng giơ tay khi Quốc hội họp trực tuyến mà hình thức biểu quyết điện tử cài đặt trên thiết bị di động không thể vận hành. Dự thảo Nội quy đang được thể hiện theo hướng này.
Tuy nhiên, có đại biểu cho rằng, việc sử dụng đồng thời các hình thức biểu quyết khác nhau với mức độ công khai việc biểu quyết của mỗi đại biểu khác nhau khó bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trong hoạt động của Quốc hội, do đó đề nghị cân nhắc việc quy định biểu quyết hỗn hợp.
Góp ý vào điều 18 về vấn đề chất vấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho rằng, không nên có phương án tranh luận giữa đại biểu với đại biểu, do đó cần quy định rõ ràng chỉ có tranh luận giữa đại biểu và người trả lời chất vấn. Đại biểu cũng đề nghị tăng thời gian câu hỏi phần tranh luận.
Đối với việc quy định chủ toạ có quyền kéo dài hoặc rút ngắn với người chất vấn, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành là không nên bởi nếu kéo dài hoặc rút ngắn thì phải áp dụng đồng loạt chứ không riêng một đại biểu nào.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang đóng góp ý kiến. |
Phát biểu Kết luận cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, có 12 đại biểu đóng góp đối với dự thảo Báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Một số ý kiến đồng thuận với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra sợ bộ dự thảo Nghị quyết, một số ý kiến đóng góp thêm để hoàn thiện Tờ trình và Báo cáo.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao những ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị quyết; đồng thời đề nghị Ban soạn thảo dự thảo Nghị quyết cần tiếp thu tất cả những ý kiến, đề xuất của các đại biểu tại cuộc họp để hoàn thiện Báo cáo trên yêu cầu đảm bảo quy trình thủ tục, khoa học.
Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra dự thảo Nghị quyết cần có thêm những đánh giá khái quát về các nội dung có trong dự thảo Nghị quyết trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đóng góp ý kiến tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022./.