Theo đó, dự thảo sửa quy định về: Tỷ lệ cho vay lại (Điều 21) đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Theo quy định hiện hành tại Nghị định 97 thì: “Địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 70% trở lên, tỷ lệ cho vay lại là 30% vốn vay ODA, vay ưu đãi”.
Đối với nội dung này, dự thảo đề xuất như sau: Địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 70% trở lên, tỷ lệ cho vay lại là 10% vốn vay ODA, vay ưu đãi”.
Như vậy, tỷ lệ cho vay lại được điều chỉnh giảm từ 30% vốn vay ODA, vay ưu đãi xuống còn 10% vốn vay ODA, vay ưu đãi.
Đề xuất mới về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ
Đồng thời, dự thảo bổ sung quy định: Đơn vị sự nghiệp công lập chỉ tự đảm bảo toàn bộ kinh phí thường xuyên, tỷ lệ vay lại 10% vốn vay ODA, vay ưu đãi sử dụng cho dự án đầu tư.
Trường hợp đặc biệt khác, Thủ tướng Chính phủ quyết định tỉ lệ cho vay lại phù hợp.
Bên cạnh đó, dự thảo sửa quy định về “Bảo đảm tiền vay” (Điều 16) như sau:
a) Trị giá tài sản bảo đảm tiền vay tối thiểu bằng 120% trị giá gốc của khoản vay lại trong trường hợp cho vay lại doanh nghiệp.
b) Trị giá tài sản bảo đảm tiền vay tối thiểu bằng 100% trị giá gốc của khoản vay lại trong trường hợp cho vay lại đơn vị sự nghiệp công lập.
Trường hợp giá trị của tài sản bảo đảm tiền vay giảm thấp hơn so với mức quy định tại điểm a) và điểm b) nêu trên, bên vay lại có trách nhiệm bổ sung tài sản đảm bảo tiền vay nhằm đảm bảo mức tối thiểu nêu trên".
Mới đây Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.
Nghị định này quy định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi của chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức liên chính phủ hoặc liên quốc gia, tổ chức chính phủ được chính phủ nước ngoài ủy quyền (nhà tài trợ nước ngoài) cung cấp cho Nhà nước hoặc Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Các phương thức cung cấp vốn ODA, vốn vay ưu đãi gồm: Chương trình; dự án; phi dự án; hỗ trợ ngân sách.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài
Vốn ODA không hoàn lại được ưu tiên sử dụng để thực hiện chương trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội; tăng cường năng lực; hỗ trợ xây dựng chính sách, thể chế và cải cách; phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và và thích ứng với biến đổi khí hậu; an sinh xã hội; chuẩn bị các dự án đầu tư hoặc đồng tài trợ cho dự án sử dụng vốn vay ưu đãi nhằm làm tăng thành tố ưu đãi của khoản vay.
Vốn vay ODA được ưu tiên sử dụng cho các chương trình, dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, hạ tầng thiết yếu không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp.
Vốn vay ưu đãi được ưu tiên sử dụng cho chương trình, dự án vay về để cho vay lại theo quy định của pháp luật về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ; chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước trong lĩnh vực phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội.
Các trường hợp ưu tiên khác thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài theo từng thời kỳ...
Hồng Nga