Phiên họp Chuyên đề pháp luật tháng 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) |
Quy định chặt chẽ để kiểm soát và khắc phục tình trạng gian lận hóa đơn
Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) (sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7. Một trong những nội dung được đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến đối với quy định về đối tượng không chịu thuế (Điều 5) của dự thảo luật. Theo đó, có ý kiến đề nghị bỏ quy định đối với trường hợp không phải nộp thuế GTGT đầu ra nhưng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào tại khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật.
Cho ý kiến về nội dung này tại Phiên họp Chuyên đề pháp luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho biết, quy định này vẫn còn có quan điểm khác nhau từ phía cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Trong đó, báo cáo của Chính phủ đánh giá: Quy định không phải kê khai tính thuế giá trị gia tăng đối với các trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã mua sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi… đã góp phần giải quyết căn bản gian lận trong khấu trừ hoàn thuế đối với hàng hóa lâm thủy sản, vì vậy đề nghị giữ như luật hiện hành.
Trong khi đó Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, áp dụng hóa đơn điện tử có thể kiểm soát được đầu vào; Việc tiếp tục giữ quy định này của Luật hiện hành là không phù hợp nguyên tắc của thuế GTGT là chỉ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào trong trường hợp đầu ra là sản phẩm chịu thuế GTGT... Vì vậy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang đề nghị cần có quan điểm chính thức về việc có kiểm soát được gian lận hoá đơn trong hoàn thuế GTGT hay không để đại biểu cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và tại Kỳ họp thứ 8 tới.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang |
Thống nhất với ý kiến bỏ quy định tại khoản 1 Điều 5 của dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, theo nguyên tắc đánh thuế giá trị gia tăng, chỉ khấu trừ thuế đầu vào đối với những sản phẩm đầu ra thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng. Việc tiếp tục giữ quy định này của Luật hiện hành là không phù hợp nguyên tắc của thuế GTGT là chỉ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào trong trường hợp đầu ra là sản phẩm chịu thuế GTGT đồng thời đã làm mất số thu của các địa phương có sản lượng nông nghiệp lớn; chính sách này là cần thiết khi các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn giấy tự tạo, nhưng không còn phù hợp khi các doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn điện tử có nối mạng trực tiếp với cơ quan thuế để theo dõi tình hình thu nộp ngân sách.
Ngoài ra, để phòng tránh gian lận hoá đơn trong hoàn thuế GTGT, khoản 9 Điều 15 dự thảo Luật đã bổ sung quy định trường hợp hàng hoá chưa được người bán kê khai nộp thuế GTGT thì cơ sở kinh doanh không được hoàn và Cơ quan soạn thảo khi ban hành các văn bản hướng dẫn, cần bổ sung các tài liệu kèm theo Tờ khai thuế, bao gồm cả bảng kê hoá đơn đầu vào để tạo cơ sở thuận tiện cho công tác quản lý, chống gian lận.
Đề nghị nâng mức doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng
Hiến pháp năm 2013 quy định: “các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán và do luật định”. Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành đang quy định mức doanh thu không chịu thuế GTGT là 100 triệu đồng/năm, nếu tính theo tỷ lệ tăng GDP và CPI bình quân từ 2013 đến nay, mức này sẽ tương đương 285 triệu đồng/năm. Trong quá trình sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng, nhiều ý kiến đề nghị điều chỉnh nâng mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, tiếp thu ý kiến ĐBQH tại Kỳ họp thứ 7, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị cơ quan soạn thảo chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) theo hướng, quy định cụ thể mức doanh thu hàng năm từ 200 (hoặc 300) triệu đồng trở xuống thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, sẽ giúp khoan sức dân, đặc biệt là đối với khu vực doanh nghiệp đang khó khăn. Đồng thời giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức doanh thu này phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh |
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phân tích: Theo quy định hiện hành, mức doanh thu không chịu thuế GTGT là 100 triệu đồng/năm, tuy nhiên từ năm 2013 đến nay, quá trình tăng trưởng kinh tế, và điều chỉnh của CPI nếu tính ra bây giờ phải là 285 triệu đồng trở xuống mới không phải nộp thuế giá trị gia tăng”.
Đại biểu cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu đưa ra mức doanh thu không chịu thuế phù hợp và đánh giá kỹ lượng tác động đối với nền kinh tế khi điều chỉnh mức doanh thu không chịu thuế. Đại biểu cũng đề nghị giao Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức doanh thu không chịu thuế, để tạo sự linh hoạt trong quá trình điều hành phù hợp với tình hình thực tế.
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, đất nước đang còn khó khăn, quy mô các thành phần kinh tế chủ yếu là nhỏ lẻ, đặc biệt hộ kinh doanh chiếm tỷ trọng rất lớn, nên việc nâng mức doanh thu không chịu thuế lên 200-300 triệu cũng phải cân nhắc.
Về phía cơ quan chuyên môn, Bộ Tài chính sẽ có báo cáo tổng thể, trên cơ sở rà soát, nếu nâng mức doanh thu không chịu thuế sẽ loại trừ bao nhiêu hộ kinh doanh không phải nộp thuế và ảnh hưởng như thế nào đến nguồn thu của các địa phương. Để đảm bảo linh hoạt trong quyết định ngưỡng doanh thu không chịu thuế GTGT, Thứ trưởng Bộ Tài chính kiến nghị giao Chính phủ hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Cho ý kiến về đối tượng chịu thế GTGT tại khoản 1 Điều 5 của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đảm bảo nguyên tắc chỉ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào trong trường hợp đầu ra là sản phẩm chịu thuế GTGT. Việc bổ sung quy định trường hợp hàng hóa chưa được người bán kê khai nộp thuế GTGT, thì cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế. Quy định như vậy để giải quyết được những quan ngại của cơ quan soạn thảo về việc kiểm soát và khắc phục tình trạng gian lận hóa đơn.
Về mức doanh thu hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tán thành quy định ngưỡng doanh thu trong luật và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm quyền điều chỉnh phù hợp với từng thời kỳ. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan tiếp tục phối hợp đánh giá tác động, lựa chọn phương án phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, bảo đảm không thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước.