Toàn cảnh cuộc làm việc |
Đề nghị Bộ Tư pháp tập trung làm rõ 7 nội dung trọng tâm
Phát biểu khai mạc cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ, cuộc làm việc của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Bộ Tư pháp là đơn vị làm việc thứ 4 sau khi Đoàn giám sát đã làm việc với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, bước đầu thu được kết quả thông tin để giúp cho Đoàn có nhận định, đánh giá về lĩnh vực này.
Đoàn sẽ nghe lãnh đạo Bộ Tư pháp báo cáo nội dung về thực hiện pháp luật tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện rà soát các vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp, kéo dài. Với tư cách là Bộ chủ quản, cơ quan quản lý Nhà nước về thi hành án dân sự (THADS) - một trong những lĩnh vực phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo, công tác giải quyết khiếu nại của Bộ nói chung, một số mảng công tác của Bộ cũng có những vấn đề nóng, dễ phát sinh khiếu nại, tố cáo như bán đấu giá tài sản, vấn đề luật sư, vấn đề công chứng, hộ tịch…
Qua cuộc làm việc này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Đoàn giám sát hy vọng sẽ có được bức tranh toàn cảnh về khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực THADS, thi hành án hành chính (THAHC), tổ chức bán đấu giá tài sản, hộ tịch, xử phạt vi phạm hành chính và hiệu quả trong tổ chức thực hiện các luật như Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật THADS, Luật Công chứng và một số luật khác… đồng thời có điều kiện nhận diện chính sách, những kết quả tích cực của Bộ trong thời gian qua, đóng góp chung cùng với cả nước, cũng như hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân, từ đó làm cơ sở để tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đế nghị Bộ Tư pháp làm rõ 7 nội dung trọng tâm trong báo cáo của Bộ. |
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị làm rõ một số nôi dung trọng tâm sau:
Thứ nhất, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ triển khai, quán triệt các quan điểm của Đảng, nhất là Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, trên cơ sở quán triệt đó, việc ban hành các văn ban lãnh đạo Đảng, Thủ trưởng Bộ và cơ quan của Bộ như thế nào? Đã cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng đúng quy định chưa, chất lượng như thế nào?
Thứ hai, xung quanh công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ Tư pháp trong thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật THADS, Luật THAHC… việc bố trí tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo ở các cấp, đặc biệt là ở cơ sở của Bộ và người đứng đầu các cấp, quá trình thực hiện có vướng mắc gì?
Thứ ba, làm rõ vì sao việc tiếp công dân, hiện tượng khiếu nại giảm nhưng tố cáo lại tăng, nhất là xung quanh hoạt động của cơ quan THADS.
Thứ tư, báo cáo đề cập kết quả giải quyết ở Tổng cục THADS lại có số liệu thấp hơn nhưng chưa đề cập đến chất lượng, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị nêu rõ lí do vấn đề này.
Thứ năm, nêu rõ lí do số vụ việc chưa giải quyết, hướng giải quyết những khó khăn, bất cập này.
Thứ sáu, rà soát lại số vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài.
Thứ bảy, công tác kiểm tra, thanh tra trách nhiệm công vụ của Bộ về lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo như thế nào, nhất là tiếp công dân và xử lý vi phạm, có tách được công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chung về thực hiện chính sách pháp luật vi phạm về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo hay không? Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ Tư pháp hoàn thiện số liệu, có phụ lục chi tiết để chứng minh và hoàn thiện Báo cáo.
Đồng thời Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tư pháp đánh giá những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan một cách đầy đủ, nhất là những nguyên nhân chủ quan, từ quản lý vĩ mô thuộc trách nhiệm của Bộ cũng như việc tham mưu cho Chính phủ giải quyết khiếu nại, tố cáo đến những lĩnh vực phụ trách của Bộ; những kiến nghị liên quan đến thể chế, sửa đổi, bổ sung Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật THADS và các luật liên quan… Từ đó, Đoàn giám sát có cơ sở kiến nghị với Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, cuộc làm việc này cũng là cơ sở để Đoàn giám sát tiếp tục làm việc với các bộ, ngành, các địa phương khác có liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành và chuẩn bị báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đề nghị Bộ Tư pháp làm rõ thêm việc chậm sửa đổi văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Đại diện Tổ Công tác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành báo cáo tóm tắt kết quả khảo sát, đánh giá bước đầu và đề nghị báo cáo bổ sung làm rõ một số nội dung về chuyên đề “việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/07/2016 đến ngày 01/07/2021” đối với Bộ Tư pháp.
Về cơ bản các nội dung báo cáo đã bám sát đề cương, phụ lục, bảng biểu theo yêu cầu của Đoàn giám sát. Báo cáo cũng phản ánh khá toàn diện tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ Tư pháp trong giai đoạn 5 năm 2016-2021. Tuy nhiên một số nội dung trong Báo cáo còn nêu chung chung chưa cụ thể, chưa phân tích đánh giá sâu, đầy đủ. Vì vậy, đề nghị Bộ Tư pháp bổ sung các nội dung để đảm bảo tính toàn diện của Báo cáo.
Tổ trưởng Tổ Công tác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành báo cáo tóm tắt kết quả khảo sát, đánh giá bước đầu và đề nghị báo cáo bổ sung làm rõ một số nội dung về chuyên đề “việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/07/2016 đến ngày 01/07/2021” đối với Bộ Tư pháp. |
Liên quan đến việc ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, Tổ Công tác đề nghị làm rõ lý do, nguyên nhân chậm sửa đổi Thông tư 02 và Quyết định 3961 của Bộ Tư pháp. Việc chậm sửa đổi như vậy có tác động tiêu cực gì đến công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo hay không, hướng khắc phục và dự kiến tiến độ sửa đổi 02 văn bản này?
Về bộ phận tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành nêu rõ, Tổ Công tác đề nghị Bộ Tư pháp bổ sung, làm rõ thêm cơ cấu tổ chức, số biên chế được giao, số biên chế hiện có, trình độ, số lượng thanh tra viên, thẩm tra viên… của các cơ quan trên. Bên cạnh đó, đánh giá thêm việc bố trí biên chế như hiện nay đã phù hợp chưa, có cần bổ sung hoặc tinh giản không, đề xuất, kiến nghị về vấn đề này.
Về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành đề nghị Bộ Tư pháp làm rõ lí do, nguyên nhân của việc tăng đơn thư tố cáo trong hệ thống cơ quan THADS; nguyên nhân nào từ vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật, nguyên nhân nào là do công tác tổ chức thi hành pháp luật.
Bên cạnh đó đề nghị Báo cáo làm rõ lí do còn 275 vụ việc khiếu nại, tố cáo đang, chưa giải quyết; đồng thời bổ sung số liệu về việc thu hồi tài sản cho Nhà nước và trả cho tổ chức, cá nhân qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ Tư pháp.
Đại diện Bộ Tư pháp báo cáo việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ từ ngày 01/07/2016 đến ngày 01/07/2021. |
Tại cuộc làm việc, Đại diện Bộ Tư pháp báo cáo việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ từ ngày 01/07/2016 đến ngày 01/07/2021. Báo cáo về việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đã ban hành Nghị quyết số 31-NQ/BCSĐ ngày 05/04/2018 về lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm THSDS, THAHC giai đoạn 2018-2021; Nghị quyết số 85 ngày 01/12/2021 về công tác THADS, trong đó tập trung chỉ đạo hệ thống THADS tăng cường công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Nhìn chung, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ Tư pháp và các cơ quan THADS các đại phương đã có chuyển biến tích cực. Số lượng đơn thư nhiều, tính chất phức tạp, có xu hướng tăng; phần lớn các vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh chủ yếu tập trung vào các vụ việc thi hành án có tính chất phức tạp, giá trị thi hành án lớn.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kioj thời hướng dẫn quy trình xử lý trong lĩnh vực THADS, Tổng cục THADS đã phân công công chức thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên tại Địa điểm tiếp công dân của Bộ Tư pháp; thành lập Tổ thường trực tiếp công dân của Tổng cục.
Đề cập đến kết quả tiếp công dân, đại diện Bộ Tư pháp cho biết, Bộ đã tiếp 2.379 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (lĩnh vực THADS là 1.816 lượt). So với cùng kỳ tăng 115 lượt công dân. Trong kỳ báo cáo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã giải quyết 107 vụ việc.
Đề cập đến kết quả thực hiện công tác rà soát và tiến độ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, đại diện Bộ Tư pháp cho biết, Bộ Tư pháp và Tổng cục THADS đã tích cực, chủ động chỉ đạo giải quyết xong và đưa ra khỏi danh sách 114 vụ việc, còn lại 20 việc, trong đó 15 việc đã giải quyết xong khiếu nại, tố cáo, chỉ còn đôn đốc việc thi hành án và 05 việc đương sự tiếp tục khiếu nại, tố cáo. Qua đó, đại diện Bộ Tư pháp cũng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan nhằm tạo sự thống nhất, tìm ra giải pháp thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ này.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh đề nghị làm rõ việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo có tác động, ảnh hưởng như thế nào tới việc thi hành? Đồng thời đề nghị nêu thêm giải pháp trong việc sớm ban hành văn bản đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng. |
Báo cáo của Bộ Tư pháp phản ánh khá toàn diện tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ giai đoạn 2016-2021
Qua thảo luận, đa số các đại biểu đánh giá cao báo cáo của Bộ Tư pháp và của Tổ Công tác chuẩn bị kỹ lưỡng và cho rằng các báo cáo đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề, phản ánh khá toàn diện, đây cũng là lĩnh vực quan trọng trong việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Báo cáo đã cung cấp nhiều số liệu cụ thể để minh chứng cho các đánh giá, nhận định về tình hình thực hiện, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, kiến nghị, đề xuất các giải pháp cụ thể về hoàn thiện pháp luật và tổ chức bộ máy nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
Các ý kiến đại biểu nhận định, Báo cáo của Bộ Tư pháp đã thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp và sự nỗ lực, cố gắng của các đơn vị trực thuộc Bộ trong việc khắc phục khó khăn chủ động triển khai các giải pháp, biện pháp, thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tổ chức tốt công tác thi hành pháp luật, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Một số ý kiến đề nghị cần tập trung đề cập sâu đến tình hình khiếu nại, tố cáo và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của hệ thống THADS, bởi đây là mảng công tác chủ yếu phát sinh khiếu nại, tố cáo của Bộ Tư pháp, nhưng báo cáo chưa phản ánh đầy đủ, toàn diện tình hình khiếu nại, tố cáo và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung của Bộ Tư pháp. Trong khí đó, một số mảng công tác khác của Bộ Tư pháp cũng có những vấn đề nóng, được dư luận quan tâm, chẳng hạn như bán đấu giá tài sản, vấn đề luật sư, công chứng… Vì vậy, các ý kiến đề nghị Bộ Tư pháp bổ sung nội dung này để đảm bảo tính toàn diện của báo cáo.
Có ý kiến đề nghị cần làm rõ việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo có tác động, ảnh hưởng như thế nào tới việc thi hành? Đồng thời đề nghị nêu thêm giải pháp trong việc sớm ban hành văn bản đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng.
Nhiều ý kiến đồng tình việc Bộ Tư pháp cần làm rõ, đề xuất sửa đổi, bổ sung các điều, khoản của các luật như Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, đồng thời rà soát các luật có liên quan, từ đó tổng hợp thêm bản đề xuất, kiến nghị. Các ý kiến cho rằng đó là kết quả, căn cứ để Đoàn giám sát xem xét, đánh giá khách quan, xác đáng.
Giải trình, làm rõ một số nội dung mà đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, các vấn đề giám sát tương đối rộng, bao quát liên quan đến các chính sách vĩ mô cho đến các vấn đề cụ thể. Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị Thanh tra Bộ Tư pháp báo cáo bổ sung và làm rõ thêm một số thông tin liên quan đến công tác thanh tra, làm rõ thêm các số liệu nêu trong Báo cáo do chưa rõ, chưa đủ để khớp với số liệu chung của Báo cáo và số liệu của Đoàn giám sát. Bộ trưởng cũng đánh giá cáo cách làm cùa Đoàn giám sát khách quan, toàn diện, không những chỉ ra nhiều nội dung giúp hoàn thiện Báo cáo mà còn gợi mở các giải pháp tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đồng thời khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến của Đoàn giám sát, qua đó bổ sung, hoàn thiện Báo cáo để gửi Đoàn giám sát.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận buổi làm việc |
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận và đánh giá cao Báo cáo của Bộ Tư pháp công phu và nhiều nội dung, bám vào mục tiêu, yêu cầu của Đoàn giám sát. Bộ Tư pháp là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực, trong đó có xây dựng và thi hành pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, phổ biến, giáo dục pháp luật; quản lý nhà nước về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp…
Cùng với đà tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo ở các địa phương trên cả nước sẽ có chiều hướng gia tăng. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tư pháp tiếp thu tối đa các ý kiến của thành viên Đoàn giám sát và các đại biểu tại cuộc làm việc, hoàn thiện báo cáo, tài liệu gửi Đoàn giám sát trong thời gian sớm nhất.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng lưu ý Bộ Tư Pháp cần tiếp tục làm rõ kết quả tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên cơ sở hệ thống dữ liệu một cách trung thưc để rút ra những nhận xét, đánh giá khách quan, chính xác, có trọng tâm, trọng điểm.
Đồng thời làm rõ những vấn đề chung và vấn đề riêng có của Bộ, nhất là các vụ việc vượt cấp, nguyên nhân, đề xuất giải pháp, phương hướng trong thời gian tới. Tập trung đề xuất, kiến nghị cụ thể về những nội dung cần sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo; tích cực tham mưu cho Đoàn giám sát trong việc giám sát một số vụ việc cụ thể nổi cộm, tạo sự lan toả trong xã hội.