Làng bột Sa Đéc là làng nghề có tuổi đời hàng trăm năm, với nhiều sản phẩm xuất khẩu đi thị trường thế giới
Nằm tiếp giáp giữa vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên - hai nơi sản xuất lúa trọng điểm của Đồng bằng sông Cửu Long, cho nên, đã từ lâu dọc theo tuyến quốc lộ 80 qua tỉnh Đồng Tháp gần như đã hình thành được một cụm công nghiệp xay xát, kinh doanh lúa gạo hoạt động khá nhộn nhịp. Trong đó, với vị trí “trên lộ, dưới sông” rất thuận tiện, thành phố Sa Đéc cũng đã thu hút về đây nhiều tên tuổi lớn trong ngành sản xuất kinh doanh lúa gạo.
Song song với sự hình thành và phát triển của ngành xay xát, kinh doanh lúa gạo, nơi đây cũng đã hình thành nên được làng nghề truyền thống chuyên sản xuất xuất bột, đó là “Làng bột Sa Đéc”.
Làng nghề truyền thống bột gạo Sa Đéc có trên 100 năm nay, tập trung ở các xã: Tân Phú Đông, Tân Quy Đông, An Hoà… của TP Sa Đéc. Các cơ sở nơi đây đã tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có là tấm gạo để sản xuất bột cung cấp cho các đơn vị, doanh nghiệp làm bún, hủ tiếu, phở… bán đi khắp mọi miền đất nước, thậm chí sản phẩm đã được xuất khẩu qua các nước châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc…
Tuy nhiên, từ khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành chỉ thị yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm Covid-19 thì có thể nói “cuộc chiến” chống Covid-19 tại Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mới. Diễn biến dịch bệnh Covid-19 ngày càng phức tạp, hoạt động sản xuất của làng bột Sa Đéc cũng “co cụm” dần.
Hàng loạt hoạt động kinh doanh ăn uống - nơi vốn sử dụng các loại sản phẩm được sản xuất ra từ bột như: Bánh, bún, hủ tiếu, phở… trong khắp cả nước bị tạm ngưng. Từ đó, hoạt động sản xuất tại làng nghề hơn 100 tuổi ở Sa Đéc cũng bị đình trệ.
Do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh Covid-19, trong quý I/2020, sản lượng bột tại làng bột Sa Đéc (Đồng Tháp) sụt giảm khoảng từ 30 - 50%.
Theo một hộ gia đình chuyên sản xuất bột gạo tại ấp Phú An, xã Tân Phú Đông, thành phố Sa Đéc cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năng suất giảm đến 50% so với trước đây, mỗi tuần chỉ sản xuất khoảng 3 đến 4 ngày, lượng nhân công cũng phải cắt giảm.
Khoảng nửa tháng trở lại đây, việc sản xuất bột có phần khởi sắc hơn, tuy nhiên giá cả nguyên liệu đầu vào là tấm, gạo lại tăng đến 1.500 đồng/kg khiến việc sản xuất không ít khó khăn.
Phơi hủ tiếu tại làng bột Sa Đéc - làng nghề có tuổi đời hàng trăm năm, với nhiều sản phẩm xuất khẩu đi thị trường thế giới
Ngoài một số hộ chủ động khôi phục sản xuất, làm cầm chừng để thăm dò thị trường thì vẫn còn những hộ không đủ điều kiện phải tạm ngưng sản xuất. Do đó cũng rất cần những định hướng, hỗ trợ của ngành chuyên môn để người làm bột ổn định tâm lý và sớm “bắt nhịp” lại hoạt động sản xuất trong "trạng thái bình thường mới".
Ông Nguyễn Quốc Chánh, Phó Trưởng phòng Kinh tế thành phố Sa Đéc cho biết thêm: “Phòng Kinh tế phối hợp với Phòng Lao động, Phòng Tài chính – kế hoạch và Chi cục Thuế rà soát các doanh nghiệp trên địa bàn để thực hiện theo Nghị định 41 về dãn thuế và giảm tiền thuê mặt bằng, thuê đất. Thứ hai là thực hiện Nghị quyết 42 về phân 7 đối tượng được hỗ trợ trong mùa Covid.
Sau khi hết dãn cách, tình hình khả quan hơn, vì hàng loạt chương trình hỗ trợ của Nhà nước đã xuống tới cơ sở. Bây giờ chỉ cần giảm dãn cách và bình thường trong lưu thông hàng hóa thì sản phẩm mình chẳng những không chựng lại mà đó là cơ hội để phát triển làng bột”.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng người làm bột Sa Đéc vẫn cố gắng bám trụ, từng bước khôi phục duy trì và phát huy làng nghề. Đây là một bước ngoặt lớn để người làm bột Sa Đéc tìm ra hướng đi mới, chủ động biến những nguy hiểm thành cơ hội để gìn giữ và phát triển thương hiệu bột gạo Sa Đéc.
Hồng Nga